“Trung Quốc đã dùng gần hết tên các thành phố tỉnh lỵ để đặt cho các tàu khu trục mới, và họ có thể phải chuyển sang lấy tên các thành phố lớn khác. Việc này phản ánh tốc độ phát triển nhanh của hải quân trong những năm gần đây”, tờ Hoàn cầu thời báo viết.
Hải quân Trung Quốc gần đây đặt tên tàu khu trục lớp Type 055 đầu tiên là Nam Xương, là tên thành phố thủ phủ của tỉnh Giang Tây.
Tàu khu trục Nam Xương
Một trong ba tàu Type 055 tiếp theo sẽ được đặt tên là Lhasa, thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng, theo báo chí Trung Quốc. Và chỉ còn hai thủ phủ vùng khác để đặt tên cho hai tàu còn lại là Nam Ninh (Quảng Tây) và Đài Bắc.
Bởi Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ nên Đài Bắc được coi là một cái tên sẽ được đặt cho tàu chiến nước này.
Và cũng có nghĩa là từ nay sẽ tới lượt các thành phố không phải thủ phủ vùng hay tỉnh lỵ được mang ra đặt tên tàu chiến. Tàu khu trục mới nhất được đặt tên là Tề Tề Cáp Nhĩ (Qiquihar), là một thành phố không phải tỉnh lỵ ở tỉnh Hắc Long Giang. Một số tàu đã được đặt tên theo kiểu này, như tàu khu trục lớp 051 Thâm Quyến.
“Các tàu khu trục và khinh hạm Trung Quốc cần được đặt tên theo các thành phố lớn và vừa, theo các quy định về đặt tên của hải quân”. Hoàn cầu thời báo nói. “Điều này có nghĩa là đặt tên khu trục hạm không nhất thiết phải theo tên các thành phố tỉnh lỵ, vì nó không phải là điều bắt buộc”.
Lý Đại Quang, giáo sư tại Học viện Quốc phòng thuộc quân đội Trung Quốc nói với Hoàn cầu thời báo rằng “việc đặt tên này phản ánh tốc độ phát triển nhanh của hải quân Trung Quốc”.
Trong khi các khu trục hạm có thể phải sử dụng tên của các thành phố lớn thay vì thành phố thủ phủ tỉnh lỵ, các tàu khu trục cũ hơn đang mang tên tỉnh lỵ có thể được loại biên trong tương lai và tên của chúng lại được tái sử dụng cho các tàu mới”.
Trung Quốc, giống như các nước khác, có quy định về đặt tên cho tàu hải quân. Là tàu chiến lớn nhất, không có gì ngạc nhiên khi tàu sân bay được mang tên một tỉnh, ví dụ tàu Liêu Ninh.
Các tàu ngầm được mang tên Trường Chinh (lấy cảm hứng từ cuộc rút lui Vạn Lý Trường Chinh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc trong những năm 30 của thế kỷ trước), kèm theo số hiệu. Các tàu mặt nước nhỏ hơn khu trục hạm được đặt theo tên các hạt, tên sông hay núi.
“Nguyên tắc chung là: tên phải khác tên của tàu nước khác”, theo quy định của hải quân Trung Quốc. “Việc này khác chuyện đặt tên cho tàu thương mại, cần mạnh và dễ nhớ; từ ngữ rõ ràng và không dễ nhầm lẫn với các tên khác; tên phải có nghĩa, thể hiện lịch sử văn hóa lâu đời…
Trong khi đó, cách đặt tên của các tàu chiến Mỹ lắm khi khiến người ta rất bối rối. Trong suốt thế chiến 2, tàu chiến pháo hạm được đặt theo tên các bang.
Tàu sân bay lại được đặt tên theo các trận chiến nổi tiếng trong thời kỳ Mỹ lập quốc, giành độc lập trước Anh, hoặc là đặt theo tên những tàu chiến của thời kỳ đó.
Khi các tàu pháo hạm biến mất, tàu sân bay được “kế tục” tên các bang. Nhưng sau này, các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được mang tên các bang, và tàu sân bay nay lại mang tên các vị tổng thống (Truman, Lincoln, Ford) và đô đốc (Nimitz).