Tờ cảnh báo dán trên cửa Phòng thí nghiệm an toàn sinh học mức 4 tại Viện Nghiên cứu Dịch bệnh truyền nhiễm của Quân đội Mỹ tại Fort Detrick, Maryland. Ảnh: AP
Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố trên sau khi người đứng đầu WHO kêu gọi nghiên cứu sâu hơn đối với giả thuyết virus rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán. Trước đó, nhóm chuyên gia quốc tế do WHO thành lập đã đến Vũ Hán để điều tra về nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong bản báo cáo công bố ngày 30/3, nhóm điều tra cho rằng khả năng virus đã “trốn thoát” khỏi Viện Virus Vũ Hán là cực kỳ khó xảy ra, đồng thời khuyến cáo không nên tiếp tục theo đuổi giả thuyết này.
Thế nhưng, ngay trước khi bản báo cáo được công bố, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại cho rằng phần điều tra của nhóm chuyên gia đối với giả thuyết phòng thí nghiệm là chưa đủ nên cần phải tiến hành thêm.
Ông cho biết sẽ cử nhiều chuyên gia hơn để khám phá về khả năng đó.
Tờ Wall Street Journal đưa tin ngày 1/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến bình luận của ông Tedros bằng cách nhắc lại kết luận của nhóm điều tra WHO rằng giả thuyết rò rỉ trong phòng thí nghiệm là không thể. “Về cơ bản, họ đã loại trừ khả năng về sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán”, bà nói.
"Như mọi người đều biết, các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã được điều tra, nhưng khi nào thì Fort Detrick sẽ mở cửa cho các chuyên gia? Nếu cần, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cởi mở và ngay thẳng như Trung Quốc".
Tuy nhiên, bà Hoa không cho biết liệu Trung Quốc sẽ cho phép các nhà khoa học tiếp tục điều tra các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không, cũng như thời điểm tiến hành giai đoạn điều tra thứ 2 được nêu trong báo cáo của nhóm chuyên gia WHO.
Nhóm chuyên gia của WHO tại thành phố Vũ Hán hồi tháng 2. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong nhiều tháng qua, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra giả thuyết virus SARS-CoV-2 có thể bắt nguồn từ Fort Detrick - nơi lưu trữ thiết bị trong chương trình phòng thủ sinh học của Mỹ cùng các nghiên cứu y tế khác do quân đội dẫn đầu, mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.
Bản báo cáo của nhóm điều tra WHO cũng lưu ý có thể đại dịch đã bắt đầu ở bên ngoài Vũ Hán, hoặc Trung Quốc, vì nhóm này chỉ tìm được số ít bằng chứng về sự lây nhiễm virus đáng kể tại Vũ Hán trước thời điểm tháng 12/2019.
Trong khi đó, tại Italy và Brazil đã ghi nhận một số người bị nhiễm virus từ cuối tháng 11/2019.
Tuy nhiên, họ cho rằng hiện tượng này có thể là do SARS-CoV-2 đã lây lan tại Vũ Hán và các địa phương lân cận mà không bị phát hiện trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi được chú ý đến.
Dịch COVID-19 là một trong những nguyên nhân đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên. Những thuyết âm mưu về nguồn gốc dịch bệnh cùng các vụ cáo buộc lẫn nhau đã khiến sự hoài nghi giữa hai quốc gia ngày càng lớn.
Đặc biệt, đại dịch cũng khiến số lượng người Mỹ có cái nhìn thiếu thiện cảm với Trung Quốc ngày càng gia tăng. Một cuộc khảo sát của Pew vào tháng 10/2020 cho thấy 73% người Mỹ có quan điểm tiêu cực với Trung Quốc – mức cao nhất kể từ năm 2005.
Việc dịch bệnh xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc được cho là càng khiến tình trạng phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc châu Á tại Mỹ trở nên trầm trọng hơn.
Theo Trung tâm Nghiên cứu về Thù hận và Chủ nghĩa cực đoan, năm 2020, tội ác hận thù nhằm vào người Mỹ gốc Á đã tăng 149% so với năm trước đó tại 16 thành phố lớn.