Trung Quốc đầu tư lớn cho các nhà khoa học trẻ tài năng

Anh Thư |

Các nhà khoa học trẻ tài năng và sáng giá nhất của Trung Quốc sẽ nhận được nguồn tài trợ dài hạn đáng kể khi chính phủ mở rộng Quỹ Khoa học trẻ xuất sắc thuộc Quỹ Khoa học Tự nhiên quốc gia (NSFC).

NSFC là đơn vị tài trợ cho hầu hết nghiên cứu cơ bản tại nước này. Theo tờ South China Morning Post ngày 9-11, quỹ này đang cung cấp cho các nhà khoa học trẻ khoản tài trợ 4 triệu nhân dân tệ trong vòng 5 năm.

Theo thông báo mới nhất của NSFC, những người vừa nhận được tài trợ từ Quỹ Khoa học trẻ xuất sắc trong chương trình kết thúc năm 2023 sẽ được đánh giá và xếp hạng. 20% người đứng đầu sẽ đủ điều kiện nhận thêm 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 26,7 tỉ đồng) trong 5 năm nữa, bắt đầu từ năm 2024.

Sau đó, một nửa trong số này sẽ tiếp tục nhận được khoản trợ cấp 5 năm lần thứ 3 trị giá 16 triệu nhân dân tệ. Như vậy, 10% nhà khoa học trẻ hàng đầu Trung Quốc sẽ nhận tổng cộng đến 28 triệu nhân dân tệ trong 15 năm.

Trung Quốc đầu tư lớn cho các nhà khoa học trẻ tài năng - Ảnh 1.

Một buổi giảng dạy vật lý tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) Ảnh: TÂN HOA XÃ

Động thái trên diễn ra sau khi một bài báo đăng trên tạp chí khoa học Nature vào tháng 10 cho biết tổng ngân sách dành cho một số cơ quan khoa học lớn ở Mỹ tiếp tục dao động ở mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua.

Ngoài ra, Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ cắt giảm chi tiêu cho khoa học trong năm 2024. Ngược lại, Trung Quốc đã đổ nhiều tiền vào nghiên cứu cơ bản trong những năm gần đây. Ngân sách của NSFC năm 2022 tăng lên 33 tỉ nhân dân tệ.

Tuy nhiên, xác suất một nhà nghiên cứu nhận được tiền từ NSFC đã giảm, từ 25,2% năm 2013 còn 17,23% vào năm ngoái, do sự mở rộng nhanh chóng của cộng đồng khoa học Trung Quốc. Số dự án nhận tài trợ vào năm ngoái là 415, gấp đôi mức 200 của năm 2019. Tuy nhiên, do số lượng người đăng ký tăng nhanh nên tỉ lệ dự án được tài trợ vẫn ở mức thấp (7%-9%).

Đã xuất hiện nỗi lo việc mở rộng Quỹ Khoa học trẻ xuất sắc sẽ tạo sự bất bình đẳng về tài trợ. GS Sun Yutao của Trường Kinh tế và Quản lý thuộc ĐH Công nghệ Đại Liên (Trung Quốc) cho biết thông báo trên thể hiện cam kết của Trung Quốc trong việc tăng cường đầu tư vào nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên, GS Sun Yutao cho rằng chính sách mới này cần được xem xét kỹ lưỡng, phải linh hoạt và thiết thực hơn.

Trong khi đó, nhà sinh vật học Ding Sheng tại ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) mô tả động thái này là một "khởi đầu tốt" nhưng cho rằng số lượng nhà nghiên cứu được hưởng lợi có thể không nhiều.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại