Ngày 30/5, 3 phi hành gia Trung Quốc sẽ thực hiện chuyến bay vào Trạm Vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Chuyến bay này đánh dấu sự xuất hiện lần đầu của một phi hành gia dân sự, trong đó có chuyên gia về tải trọng Gui Haichao, giáo sư tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh.
Ông Gui sẽ được giao trách nhiệm quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học thí nghiệm tải trọng trong không gian.
Tại cuộc họp báo về sự kiện này, Cơ quan Quản lý Chương trình Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA) hôm 29/5 cũng đã nêu rõ mục tiêu đầy tham vọng của Bắc Kinh khi tuyên bố về chuyến bay thám hiểm Mặt Trăng có người lái vào trước năm 2030.
"Dựa theo kế hoạch dự án bay thám hiểm Mặt Trăng với phi hành đoàn, người Trung Quốc dự kiến sẽ đạt mục tiêu đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên trước năm 2030", thông báo nêu rõ.
Trong chuyến bay này, hai phi hành gia sẽ điều khiển một tàu thám hiểm Mặt Trăng có người lái nhằm tiến hành nghiên cứu khoa học. Cơ quan này khẳng định rằng Trung Quốc đang tiến hành nghiên cứu và phát triển các thiết bị thế hệ mới để đáp ứng tham vọng chinh phục Mặt Trăng.
Phó Giám đốc CMSA Lin Xiquang tại cuộc họp báo ngày 29/5 đã trích dẫn một câu thơ của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông để cụ thể hóa chương trình Mặt Trăng của mình: "Chúng ta có thể ôm lấy Mặt Trăng ở tầng mây thứ chín."
Theo vị này, dự án đưa người lên Mặt Trăng, là một phần của Dự án Khám phá Mặt Trăng quy mô lớn của quốc gia đó, còn được biết đến với tên gọi "Dự án Hằng Nga", đã được khởi động.
Tuy nhiên, ông Lin cũng không tiết lộ chi tiết thêm về chương trình này. Mục tiêu của dự án bao gồm khả năng cho con người lưu trú ngắn hạn trên bề mặt Mặt Trăng, cũng như thu thập các mẫu và tiến hành nghiên cứu.
Từ giữa năm ngoái, các nhà khoa học từ Viện Địa hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), cùng với nhiều tổ chức khác như Viện hàn lâm Khoa học Địa chất Trung Quốc, Đại học Khoa học Trái Đất Trung Quốc và Đại học Sơn Đông, đã thực hiện việc lập bản đồ địa hình của Mặt Trăng với độ phân giải cao. Công việc này được dựa trên dữ liệu từ dự án thám hiểm Mặt Trăng Hằng Nga cùng với các dữ liệu và kết quả nghiên cứu khác từ nhiều tổ chức quốc tế.
Đây là bản đồ Mặt Trăng chi tiết nhất từ trước đến nay, với tỷ lệ 1:2.500.000, vượt qua bản đồ bề mặt Mặt Trăng do Trung tâm Khoa học Địa chất học vũ trụ thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) công bố vào năm 2020. Bản đồ mới này được lập bởi Viện Địa hóa thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc, phối hợp với nhiều tổ chức khác.
Bản đồ này cung cấp thông tin chi tiết về Mặt Trăng, bao gồm 12.341 hố va chạm, 81 bồn địa, 17 loại đá và 14 loại cấu trúc. Nó mang đến thông tin phong phú về địa chất và sự tiến hóa của Mặt Trăng. Bản đồ này được hy vọng sẽ đóng góp quan trọng cho công tác nghiên cứu khoa học, thám hiểm và lựa chọn địa điểm hạ cánh trên Mặt Trăng.
Cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng với tàu vũ trụ có người lái sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong hoạt động thám hiểm không gian của Trung Quốc và cả thế giới. Kể từ những năm 1960 và 1970, sau các sứ mệnh Apollo của Mỹ, chưa có con người nào đã đặt chân lên Mặt Trăng.
Sự tiến triển sắp tới có thể đánh dấu một thành tựu đáng kể đối với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng với Mỹ trong lĩnh vực không gian.
NASA cũng đã công bố kế hoạch để đưa nhiều người, bao gồm cả người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên, lên Mặt Trăng vào năm 2025. Tuy nhiên, chương trình Artemis của NASA đang gặp khó khăn trong việc triển khai.
Hiện tại, cả Bắc Kinh và Washington cũng đã đề ra mục tiêu xây dựng một trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng và đưa con người lên sao Hỏa.
Chương trình không gian của Trung Quốc đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trong những năm gần đây, trong khi Mỹ thường gặp trở ngại do sự mâu thuẫn và thay đổi ưu tiên của các chính quyền.
Khi nhắc đến cuộc đua Mặt Trăng mà Trung Quốc đang tích cực tham gia, người đứng đầu NASA Bill Nelson đã cảnh báo: "Người Mỹ nên cảnh giác."