Mỹ gọi, Trung Quốc đáp lời
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây tuyên bố kế hoạch quân sự trong chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ đang bước vào giai đoạn thứ ba, trọng điểm là củng cố và nâng cao ưu thế sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Carter nhấn mạnh mục đích là bảo đảm hòa bình, ổn định cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương để các nước trong khu vực, trong đó bao gồm cả Trung Quốc, có cơ hội phát triển phồn vinh.
Ông Ashton Carter đưa ra tuyên bố mạnh mẽ tại hội nghị không chính thức với bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN hồi đầu tháng ở Hawaii
Phản ứng trước tuyên bố trên, tờ "Văn hối" dẫn lời giới phân tích quân sự Trung Quốc ngay lập tức đưa ra những bình luận phản bác và cho rằng người Trung Quốc không tin vào tuyên bố của ông Carter.
Theo đó, tuyên bố của ông Carter chỉ là hư trương thanh thế, an ủi một số nước nhỏ là đồng minh của Mỹ trong khu vực. Chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ đang vấp phải rào cản ở khắp mọi nơi.
Theo ông Carter, sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra chiến lược "tái cân bằng" vào năm 2011, quân đội Mỹ trong giai đoạn đầu đã tập trung chuyển nhiều hơn lực lượng và trang bị sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 2015, sau khi chiến lược này bước vào giai đoạn hai, quân đội Mỹ tập trung nâng cao chất lượng của lực lượng và trang bị vũ khí tại khu vực này, đồng thời nỗ lực tăng cường và mở rộng quan hệ đồng minh và đối tác của Mỹ tại khu vực.
Còn giai đoạn ba hiện nay, quân Mỹ chú trọng củng cố ưu thế quân sự, tạo dựng khuôn khổ an ninh khu vực.
Ông Carter bày tỏ trong giai đoạn ba, quân đội Mỹ sẽ củng cố và phát triển kết quả đã có được trong giai đoạn hai, bố trí nhiều hơn trang bị vũ khí hiện đại tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35, máy bay trinh sát chống ngầm P-8, tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia.
Đồng thời Mỹ sẽ tập trung phát triển máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới, thiết bị lặn không người lái, cũng như công nghệ vũ trụ và mạng máy tính.
Tàu khu trục USS William P. Lawrence cùng tàu sân bay USS John C. Stennis trong một cuộc tập trận ở Thái Bình Dương
Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này đã có trong tay một số loại vũ khí mới không thể ngờ đến, những vũ khí mới này cũng sẽ được bố trí ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Mỹ từng công bố kế hoạch bố trí 60% lực lượng hải quân và không quân của mình sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đến năm 2020 kế hoạch này hoàn tất.
Khi đó, 6 cụm tàu sân bay, bao gồm phần lớn tàu tuần dương, tàu khu trục và tàu ngầm hạt nhân tấn công của Mỹ sẽ đều đồn trú tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Về không quân, theo tuyên bố của ông Carter, Mỹ ưu tiên bố trí trang bị vũ khí hiện đại nhất tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm máy bay chiến đấu F-22 và F-35, cũng như máy bay ném bom chiến lược tầm xa tại Nhật Bản.
Mỹ đang gặp khó?
Bình luận về tuyên bố trên của ông Carter, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng rất dễ nhận thấy cái gọi là giai đoạn 3 chiến lược "tái cân bằng" của Mỹ, chính là muốn bố trí vũ khí mới nhất của nước này tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhằm đe dọa nước khác.
Theo giới phân tích Trung Quốc, để thực hiện các mục tiêu trên, Mỹ còn phải đi quãng đường khá dài. Ví dụ, việc tìm "bến đỗ" cho 6 cụm tàu sân bay sẽ là bài toán không dễ giải với Mỹ. Philippines vốn mở cửa 5 căn cứ quân sự cho quân đội Mỹ, nhưng chưa cam kết sẽ mở lại căn cứ quân sự Subic để tàu sân bay của Mỹ có thể neo đậu.
Đáng chú ý hơn là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte yêu cầu xem xét lại Hiệp định Quốc phòng giữa Philippines với Mỹ, thậm chí tuyên bố "đuổi" quân Mỹ khỏi Philippines.
Bên cạnh đó, sức mạnh quốc gia của Mỹ suy giảm, căn cứ quân sự ở nước ngoài trở thành gánh nặng. Theo tư liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, tính đến năm 2015, Mỹ có 174 căn cứ quân sự tại Đức, con số này tại Nhật Bản là 113 và Hàn Quốc là 83.
Mỗi năm Bộ Quốc phòng Mỹ phải chi trên 15 tỷ USD để duy trì các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Cũng chính vì thế mà ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donal Trump tuyên bố cần phải thu hẹp lực lượng, không đồn trú quân sự tại nước ngoài, tăng cường thực lực để làm tốt công việc trong nước Mỹ.
Máy bay chiến đấu của Mỹ tại Nhật Bản
Ngoài ra, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc nhận định Mỹ đang muốn thoát khỏi khu vực Trung Đông, nhưng mâu thuẫn giữa Israel với Palestine và vấn đề Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đều không phải là những vấn đề có thể giải quyết trong thời gian ngắn.
Giới phân tích Trung Quốc kết luận, khi mà giai đoạn hai còn chưa hoàn tất thì việc tuyên bố bắt đầu giai đoạn ba của chiến lược "tái cân bằng" chỉ là đòn hư trương thanh thế nhằm mục đích tuyên truyền của Mỹ.
Thông điệp cứng rắn
Cũng theo các chuyên gia quân sự Trung Quốc được tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng dẫn lời, các cuộc diễn tập và tuần tra tầm xa mà quân đội Trung Quốc tiến hành ở Tây Thái Bình Dương hồi cuối tháng 9 vừa qua đã cho thấy khả năng Trung Quốc có thể chống lại sự can thiệp của Mỹ.
Giới quân sự Trung Quốc đánh giá đây là cuộc tập trận chưa từng với sự tham gia của hơn 40 máy bay từ các phi đội khác nhau. Không quân Trung Quốc sẽ cùng với hải quân, lực lượng tên lửa và các lực lượng lục quân tiến hành thêm các cuộc tập trận chung quy mô lớn trong khu vực trong tương lai.
Người phát ngôn lực lượng Không quân Trung Quốc, ông Shen Jinke, cho biết các máy bay ném bom H-6K, máy bay chiến đấu Su-30 và máy bay tiếp dầu đã tiến hành diễn tập trinh sát và cảnh báo sớm, mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào những mục tiêu trên biển và tiếp nhiên liệu trên không.
Hải quân Trung Quốc đã đủ mạnh để coi thường Mỹ?
Các máy bay này trước đó đã bay "có hệ thống" qua eo biển Miyako của Nhật Bản, trong khi các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu đã tiến hành tuần tra "thường lệ" trên Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ), khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố thiết lập ở biển Hoa Đông vào cuối năm 2013.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin đây là cuộc diễn tập thứ hai ở khu vực này trong tháng 9, và là lần thứ 6 lực lượng không quân bay qua chuỗi đảo thứ nhất, một thuật ngữ ám chỉ vòng vây Trung Quốc của Mỹ.
Cuộc tập trận gần Okinawa đã khiến Lực lượng Phòng vệ Trên biển của Nhật Bản phải điều máy bay chiến đấu "đối phó" sau khi phát hiện 8 máy bay của Trung Quốc bay qua eo biển này.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Song Zhongping cho rằng các cuộc diễn tập không chỉ nhằm vào Nhật Bản mà cả Mỹ. Chuyên gia này nhận định đối thủ mạnh nhất của không quân Trung Quốc không phải là Nhật Bản mà là Mỹ, đồng minh quân sự của Nhật.
Chuyên gia này đồng thời cho rằng Washington là đối thủ cuối cùng của Bắc Kinh và cuộc tập trận này "nhằm mục tiêu vào căn cứ hải quân của Mỹ ở đảo Guam, vị trí để Washington kiềm chế Trung Quốc".
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc có tên là Lý Khiết thì đánh giá hải quân Trung Quốc đã phá vỡ sự phong tỏa bằng chuỗi đảo thứ nhất và đi vào Tây Thái Bình Dương nhiều lần.
Để thể hiện khả năng hoạt động chung, rất có khả năng lực lượng không quân, hải quân và các lực lượng hỗ trợ khác như lực lượng tên lửa, sẽ có cuộc tập trận chung ở Tây Thái Bình Dương trong tương lai sắp tới.