Khi thảo luận về các hành vi “trộm cắp” công nghệ của Trung Quốc thì cũng cần nhìn lại cách thức Liên Xô tìm cách có được công nghệ của Mỹ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từng công bố báo cáo về các chương trình thu thập công nghệ của Mỹ từ các cơ quan tình báo Liên Xô và đồng minh vào năm 1982 (được giải mật năm 1999) đã phần nào làm sáng tỏ những nỗ lực của Moscow và qua đó có thể so sánh với hoạt động của Trung Quốc hiện nay.
Mặc dù Liên Xô có được một số lợi thế nhưng do nền kinh tế thiếu năng động và không có sự liên kết rộng lớn với phương Tây nên họ không thể tận dụng tối đa lợi thế từ hoạt động “đánh cắp” công nghệ ở cùng mức độ như Trung Quốc hiện nay.
Các nỗ lực của Liên Xô là rất to lớn và có sự chỉ đạo tập trung bằng nhiều cách thức: chặn thu các phương tiện liên lạc, khai thác từ nguồn mở và sử dụng điệp viên.
Moscow đã biết tận dụng quá trình trao đổi khoa học và kỹ thuật giữa phương Đông và phương Tây, các tổ chức khoa học đa phương và hệ thống công ty thuộc sở hữu của các nhà nước xã hội chủ nghĩa ở phương Tây để thu thập thông tin tình báo.
Họ cài cắm điệp viên vào cơ sở công nghiệp, thương mại và tổ chức chính trị để tìm cách thu thập bí quyết (know-how) các quy trình công nghiệp có thể giúp tăng chất lượng và giảm chi phí sản xuất thiết bị quân sự.
Hầu hết các hoạt động thành công đều xảy ra bên ngoài nước Mỹ khi Liên Xô tận dụng được các công ty địa phương ở những quốc gia có kết nối thương mại rộng lớn hơn với khối phương Đông.
Tuy nhiên, có một số khác biệt đáng kể giữa các nỗ lực tình báo của Liên Xô so với của Trung Quốc ngày nay mà một trong số đó nằm ở việc sử dụng lực lượng ủy nhiệm. Trong khi Liên Xô có thể dựa vào sự hợp tác từ một loạt các tổ chức tình báo Đông Âu thì các cơ quan tình báo Trung Quốc lại bị hạn chế hơn nhiều.
Liên Xô thường tận dụng được sự mất cân bằng trong cấu trúc pháp lý bảo vệ trí tuệ của Mỹ, ví dụ như các lệnh trừng phạt cấm xuất khẩu sang Liên Xô nhưng lại bỏ qua khối Đông Âu.
Trong khi Liên Xô tập trung vào việc thu thập các công nghệ quân sự cụ thể, ngoài các công nghệ liên quan đến việc giảm chi phí sản xuất quốc phòng thì gián điệp Trung Quốc lại quan tâm tới việc thúc đẩy sự phát triển các công nghệ dân sự, cho phép họ nắm bắt được phần quan trọng của thị trường tiêu dùng cũng như phát triển khả năng quân sự của mình.
Hơn nữa, người Trung Quốc sở hữu trong tay các phương tiện thu thập công nghệ tinh vi hơn rất nhiều so với Liên Xô. Hoạt động gián điệp của Liên Xô diễn ra trong một môi trường thông tin hoàn toàn khác so với hiện tại.
Sự khác biệt lớn nhất, tất nhiên, là vị trí trung tâm của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới. Trung Quốc đã trở thành một phần của chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà sản xuất công nghệ trên toàn thế giới. Các trường đại học và sinh viên của họ đã trở thành những nguồn tham gia chính trong mạng lưới sản xuất tri thức toàn cầu.
Điều này mang đến cho quân đội, các cơ tình báo và các công ty công nghiệp Trung Quốc cơ hội tiếp cận các luồng công nghệ mà trước đây Liên Xô phải rất vất vả mới có được.
Những nỗ lực của Liên Xô nhằm đánh cắp công nghệ từ Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ là rất nghiêm trọng, buộc Mỹ phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn tổn thất. Tuy nhiên, dù khiến Washington lo ngại nhưng nền kinh tế Liên Xô đã không thể tích hợp được các công nghệ phương Tây ở tốc độ đủ để bắt kịp Mỹ.
Thay vào đó, họ ngày càng tụt hậu trên cả hai lĩnh vực dân sự và quân sự. Thế nhưng, cách tiếp cận đa diện hơn của Trung Quốc và nền kinh tế năng động hơn của họ lại bộc lộ mối đe dọa lớn hơn rất nhiều đối với Mỹ.