Giờ đây, Trung Quốc bị cáo buộc tương tự, sau khi nước láng giềng Indonesia vớt được 3 thiết bị không người lái dưới nước của Trung Quốc, gần đây nhất là vào cuối tháng 12 ở khu vực gần đảo Selayar.
Thiết bị không người lái dưới nước (UUV) được in tên của “Viện Tự đông hoá Thẩm Dương thuộc Viện Khoa học Trung Quốc” sau đó được chuyển giao cho Hải quân Indonesia.
Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao về chiến lược quốc phòng tại Viện chính sách chiến lược Úc, nói rằng điều đáng nói là thiết bị này bị phát hiện ở eo biển Sunda, một trong những eo biển cực kỳ quan trọng có thể giúp Trung Quốc đưa tàu ngầm đến Ấn Độ Dương.
“Thiết bị này có thể thu sóng sonar từ đáy đại dương để biết chính xác bản đồ độ sâu của đáy biển, cũng như dùng các cảm biến để hiểu điều kiện nhiệt độ và âm thanh trong nước, nhằm giúp tàu ngầm Trung Quốc có thể đi qua eo biển Sunda mà không bị phát hiện”, ông Davis cho biết.
“Với việc đưa thiết bị thăm dò đến vị trí đó, dù là thuộc vùng biển của nước khác, Trung Quốc có thể bảo đảm các tàu ngầm của họ di chuyển từ Biển Đông đến Ấn Độ Dương, hoặc xuống vùng biển phía bắc và phía tây của Úc nếu xung đột xảy ra trong tương lai”, ông Davis nhận định.
UUV là robot di chuyển dưới nước để thu thập dữ liệu hải dương như nhiêt độ, độ mặn, độ đục, chất diệp lục và nồng độ oxy mà không cần điều khiển.
UUV có thể giúp hiểu môi trường dưới biển để hỗ trợ các hoạt động của tàu ngầm, nên thường được các hải quân khắp thế giới sử dụng.
Hạm đội UUV của Trung Quốc được tàu khảo sát chuyên dụng Xiangyanghong 06 triển khai trong chuyến khảo sát mùa đông cho Dự án nghiên cứu sinh thái và đại dương của Bộ Tài nguyên Trung Quốc, theo bài báo trên Forbes của nhà phân tích quốc phòng H.I. Sutton.
Các nhà nghiên cứu nói rằng việc phát hiện ra những chiếc UUV của Trung Quốc cho thấy nước này đã tiến bộ mức nào trong phát triển các thiết bị và nước này đang chuẩn bị như thế nào cho chiến trường dưới nước.
“Sự hiện diện của các UUV cho thấy Trung Quốc đang triển khai tàu ngầm đến những khu vực đó. Mục đích của họ là thực hiện mục đích thu thập thông tin tình báo và nâng cao khả năng chiến đầu của tàu ngầm ở đó, nếu cần thiết”, ông Timothy Heath, một chuyên gia về an ninh tại hãng nghiên cứu và tư vấn Mỹ Rand Corp. nhận định.
“Trung Quốc có thể quan tâm đến việc tuần tra các vùng biển gần Indonesia như một phần của nỗ lực lớn hơn nhằm mở rộng tầm hoạt động của các tàu ngầm Trung Quốc, bao gồm việc vươn ra Ấn Độ Dương, ông Heath nói.
Trung Quốc được đánh giá là có thể năng lực chế tạo thiết bị dưới nước khá tốt, dù công nghệ vẫn chưa bằng Mỹ nhưng cũng đang thu hẹp dần khoảng cách.
Hải quân Trung Quốc tiết lộ thiết bị dưới nước cỡ lớn HSU-001 trong cuộc duyệt binh năm 2019 nhân 70 năm thành lập nước.
HSU-001 tương đương thiết bị Orca của Hải quân Mỹ. Dù nhỏ hơn và mang được vũ khí nhẹ hơn, HSU-001 có thể tự di chuyển quãng đường xa để thu thập dữ liệu về môi trường và theo dõi các tàu của kẻ thù.
Một tháng sau cuộc diễu binh đó, UUV Sea-Whales 2000 của Trung Quốc hoàn thành chuyến chạy thử nghiệm 37 ngày không nghỉ trên Biển Đông, với quãng đường 2.011km, có thể giúp mở rộng phạm vi hoạt động trên Biển Đông tranh chấp.