Trong tuyên bố được phát đi trên website, Bộ Quốc phòng Vùng lãnh thổ (VLT) Đài Loan xác nhận, tàu sân bay Liêu Ninh cùng với 5 tàu hỗ trợ đã đi qua Eo biển Đài Loan khi hướng tới cảng Qingdao ở phía đông Trung Quốc, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin.
“Xin hãy yên tâm rằng, quân đội có thể tiến hành hoạt động tình báo chung để năm bắt được toàn bộ hoạt động di chuyển, đi lại của nhóm tàu sân bay tấn công và xử lý bất kỳ trường hợp khẩn cấp nào nhằm đảm bảo an ninh cho hòn đảo và sự ổn định trong khu vực”, Bộ Quốc phòng VLT Đài Loan đã viết như vậy trên website của họ.
Hồi đầu tháng này, nhóm tàu sân bay tấn công của Trung Quốc cũng đã đi qua Eo biển Miyako của Nhật Bản trước khi đi vào vùng lãnh thổ thuộc đảo Guam và Philippines. Trước đó nhóm tàu sân bay của Trung Quốc còn đi qua Biển Đông.
Trung Quốc hiện đang vận hành một tàu sân bay duy nhất có tên là Liêu Ninh. Chiếc tàu sân bay đầu tiên này được tân trang lại từ một chiếc tàu sân bay chưa được hoàn thiện của Ukraine. Nó được chính thức chuyển giao cho Hải quân Trung Quốc vào ngày 25/92012.
Tàu Liêu Ninh có trọng tải hơn 50.000 tấn. Thiết kế ban đầu của chiếc tàu sân bay này cho phép nó mang theo 30 chiếc máy bay cánh cố định. Tàu sân bay Liêu Ninh đã tiến hành thử nghiệm cho máy bay chiến đấu J-15 cất cánh và hạ cánh trên con tàu này. J-15 được cho sẽ là lực lượng tấn công chính trên tàu sân bay Trung Quốc.
Mặc dù Trung Quốc rất tự hào về chiếc tàu sân bay đầu tiên của mình nhưng các chuyên gia quốc phòng khẳng định, con tàu được kỳ vọng đó thiếu máy bay tấn công, vũ khí, thiết bị điện tử, các thiết bị đào tạo và cung cấp hậu cần để có thể trở thành một chiếc tàu chiến có khả năng chiến đấu thực sự.
Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã bị chia cắt năm 1949, sau một cuộc nội chiến và kể từ đó đến nay Bắc Kinh luôn khẳng định mục tiêu kiên quyết thống nhất Đài Loan vào Trung Quốc.
Bắc Kinh công khai ý định sẵn sàng dùng vũ lực đối với VLT Đài Loan nếu khu vực này tìm cách đòi độc lập với Trung Quốc. Vì thế, Đài Loan vẫn luôn canh cánh cái gọi là “mối đe dọa từ Trung Quốc” đối với hòn đảo này.
Căng thẳng ở Eo biển Đài Loan từng trở nên dịu nhẹ dưới thời Nhà lãnh đạo Ma Ying-jeou khi ông này lên cầm quyền năm 2008 với cương lĩnh củng cố, phát triển các mối quan hệ thương mại và du lịch với Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên, kể từ khi bà Tsai Ing-wen lên cầm quyền hồi năm 2016, tình hình Eo biển Đài Loan bắt đầu leo thang căng thẳng do Nhà lãnh đạo mới của Đài Loan áp dụng lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
Bà Tsai công khai thực hiện nhiều bước đi nhằm đối phó với Trung Quốc như tăng chi tiêu quân sự, tăng cường mua sắm vũ khí và mở rộng hợp tác với các nước lớn, đặc biệt là đồng minh Mỹ. Bắc Kinh đương nhiên không thể chấp nhận một Đài Loan ngày càng thách thức khi hòn đảo này luôn luôn được Trung Quốc coi là một vùng lãnh thổ của họ.
Bắc Kinh luôn phản đối gay gắt và quyết liệt việc bất kỳ nước nào tăng cường quan hệ với Đài Loan và đặc biệt trong quan hệ giữa Mỹ và Đài Loan, bởi Bắc Kinh tin rằng điều đó vi phạm chính sách Một Trung Quốc.
Trong những tháng gần đây, Hải quân Mỹ đã tăng cường các hoạt động ở Eo biển Đài Loan để thể hiện cam kết của Mỹ đối với VLT Đài Loan cũng như đối với sự tự do hàng hải trong khu vực.