Không chiến Mỹ - Iran: Bài học đau thương ở độ cao 6,7km

Thái An |

Mỹ rút ra bài học đau thương mà quý giá từ một sự kiện diễn ra tuần trước ở độ cao khoảng 6,7km; đó là Iran “không phải dạng vừa”, CNN đưa tin ngày 25/6.

Năng lực quân sự Iran tăng đáng kể

Vụ Iran bắn hạ một chiếc RQ-4A Global Hawk hôm 20/6 được cho là lần đầu tiên máy bay do thám hiện đại của Lầu Năm Góc bị bắn rơi khi đang bay lượn trên bầu trời. Vụ việc không chỉ suýt khiến Mỹ không kích 3 địa điểm ở Iran để trả đũa mà còn là bằng chứng rõ ràng về sự tiến bộ về năng lực quân sự của Iran.

“Vụ việc cho thấy rằng, khi Iran thực sự đầu tư, họ thực sự có kết quả tốt. Chúng ta đã biết đến tên lửa đạn đạo và lần này là hệ thống phòng không”, Jeremy Binnie, người phụ trách mảng Trung Đông và Bắc Phi của tạp chí quân sự Jane's Defence Weekly (trụ sở ở Anh), nói.

RQ-4A không phải là chiếc đĩa đất sét người ta tung lên trời để tập bắn. Nó có giá 110 triệu USD, cần 3 người để lái nó từ xa. Loại máy bay không người lái (drone) này có sải cánh rộng hơn của máy bay chở khách Boeing 737, có động cơ Rolls Royce cho phép drone bay với tốc độ khoảng 805 km/h.

Khi bay ở độ cao 19,8 km, nó ở ngoài tầm với của nhiều loại tên lửa đất đối không. Nếu tên lửa đến gần, drone có bộ tiếp nhận cảnh báo radar, hệ thống làm nghẽn và thả mồi nhử để lừa tên lửa.

Nhưng việc RQ-4A bị Iran bị bắn hạ cho thấy sự tập trung lặng lẽ của nước này. “Mấy năm trước, chuyện này khó mà xảy ra. Giờ đây, hệ thống phòng không mới của Iran ấn tượng hơn rất nhiều”, ông Binnie nhận định.

Về lâu dài, Iran không có cửa để đe dọa quân đội Mỹ, nhưng những vụ việc như bắn hạ drone như vừa rồi chứng tỏ quốc gia Trung Đông này cũng là một đối thủ khó nhằn.

Dù vẫn còn tranh cãi về địa điểm drone bị bắn rơi nhưng không còn nghi ngờ gì nữa, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã phá hủy nó.

Quân đội Mỹ đưa ra một video để củng cố lập luận của họ rằng, drone bị bắn khi cách vùng đất gần nhất của Iran là 34 km.

Họ cũng trưng ra một sơ đồ đường bay với ý rằng, drone chưa bao giờ đi vào lãnh thổ Iran. Ngược lại, Ngoại trưởng Iran Javid Zarif viết trên Twitter rằng, tọa độ drone bị bắn hạ cho thấy nó nằm trong lãnh thổ Iran, gần thành phố Kouh-e Mobarak.

Không chiến Mỹ - Iran: Bài học đau thương ở độ cao 6,7km - Ảnh 1.

Máy bay không người lái MQ-4C Triton của Mỹ hoàn tất chuyến bay thử đầu tiên. Ảnh: Naval Air Station Patuxent River..

Sức mạnh tên lửa đất đối không Khordad 3

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói rằng, họ sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Khordad 3. Hình ảnh hệ thống này đang được lan truyền trên mạng xã hội như là một biểu tượng về năng lực của Iran trong việc chống lại các loại máy bay không người lái tân tiến mà Mỹ hằng ngày phóng vào tầng bình lưu.

Khordad 3 được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2014. Theo truyền thông Iran, loại tên lửa này có tầm bắn tối đa 75 km và có thể bắn trúng mục tiêu cách xa 30 km.

Mỹ cho rằng, tên lửa được phóng đi từ vị trí cách drone 70km và không có cơ sở quân sự nào của Iran khớp với vị trị này. Vì thế, Jane's Defence Weekly kết luận rằng, Khordad 3 hạ gục drone dường như được bắn đi từ bệ phóng di động (xe chở tên lửa). Tóm lại, Iran đã bắn hạ máy bay do thám Mỹ từ phía sau của một chiếc xe tải.

Trong khi Mỹ cải thiện đáng kể đội máy bay không người lái của mình từ khi chiếc Global Hawk đầu tiên gia nhập Hải quân Mỹ 13 năm trước (MQ-4C Triton sắp sửa nhập ngũ), Iran cũng có loại tên lửa tân tiến hơn loại bắn hạ drone Mỹ tuần trước.

Mười ngày trước vụ việc, Iran giới thiệu bản nâng cấp loại tên lửa nội địa có tầm bắn tăng gần gấp đôi.

Ông Binnie cho rằng, Iran đã mua hoặc phát triển công nghệ radar giúp họ cải thiện khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa. “Chúng tôi thực sự không biết cách thức hoạt động của hệ thống dẫn đường này”, ông nói.

Ông Binnie nói rằng, xem xét góc bắn của tên lửa cho thấy dường như nó tiến đến drone từ phía tây, thay vì đuổi theo từ phía sau. Nếu vậy, bệ phóng đã dẫn đường cho tên lửa tới drone tương đối hiệu quả.

Đây không phải là lần đầu tiên Iran khắc chế công nghệ không người lái của Mỹ. Năm 2011, Iran bắn hạ drone tàng hình RQ-170 và người ta cho rằng, nước này đã dỡ tung drone ra để tìm hiểu và chế ra phiên bản của riêng họ từ xác máy bay.

Xác chiếc RQ-4A không còn nhiều để mà nghiên cứu nhưng việc bắn hạ nó ở độ cao 6,7km cho thấy Iran “không phải dạng vừa”.

Không chiến Mỹ - Iran: Bài học đau thương ở độ cao 6,7km - Ảnh 3.

Hệ thống tên lửa phòng không Khordad 3 của Iran. Ảnh: Getty Images.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại