Mỹ và các đồng minh của mình nhận được những lợi ích to lớn từ việc xuất khẩu vũ khí do chiếm được thị phần lớn hơn. Doanh thu của Nga, ngược lại, đang sụt giảm.
Theo ý kiến gây tranh cãi của chuyên gia phân tích đến từ Bloomberg, xuất khẩu vũ khí – đó là chỉ số ảnh hưởng quốc tế tốt nhất của một cường quốc quân sự, điều này có nghĩa là Nga đã không thể nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.
Từ năm 1950, thế giới ngày càng trở nên ít dữ dội hơn, tuy nhiên trong những năm gần đây, số lượng các cuộc xung đột vũ trang có dấu hiệu gia tăng rõ rệt. Việc xuất hiện Nhà nước Hồi giáo IS, những hành động quân sự tại miền Đông Ukraine chỉ là một vài ví dụ điển hình.
Thời kỳ lành ít dữ nhiều
Theo thông tin của Chương trình dữ liệu về các cuộc xung đột của Uppsala (UCDP, Uppsala Conflict Data Program), số lượng người thiệt mạng tăng còn đột biến hơn. Trong giai đoạn 2011-2017, số lượng người thiệt mạng bình quân hàng năm trong các cuộc xung đột lên tới 97 nghìn, gấp 3 lần giai đoạn 7 năm trước.
Trên cơ sở đó, có thể dễ dàng giải thích lý do tại sao sản lượng xuất khẩu vũ khí trên thế giới tăng 7,8% trong giai đoạn từ 2014-2018 so với cùng kỳ giai đoạn trước theo SIPRI – tổ chức quốc tế, mà là nguồn cung cấp dữ liệu uy tín về hoạt động kinh doanh vũ khí.
Trung Đông mua vũ khí với tốc độ đáng lo ngại: Trong vòng 5 năm qua, lưu lượng vũ khí đổ vào khu vực này tăng tới 87%. Cả Mỹ và Nga đều tích cực đóng góp vào các cuộc xung đột đẫm máu nhất, nhưng, trên cơ sở các dữ liệu, Moscow không đạt được thành công trong việc gia tăng doanh số bán vũ khí.
Xe tăng T-90 là một trong những loại vũ khí Nga đang bán khá chạy.
Nga trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí duy nhất trong tốp 5 (nhóm mà chiếm tới 75% sản lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu) đánh mất tỷ trọng đáng kể của mình trong tổng sản lượng xuất khẩu của thị trường thế giới, dù họ vẫn giữ được cho mình vị trí thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu vũ khí.
Viện SIPRI đã xây dựng hệ thống dữ liệu chuyển giao vũ khí khá phức tạp của mình, không dựa trên giá thị trường, mà trên cơ sở giá trị về mặt quân sự của nó. Nhưng Nga thua Mỹ trong cả giá trị doanh thu tính bằng đồng USD.
Ông Yury Borisov, Phó thủ tướng Nga về các vấn đề công nghiệp quốc phòng, trong tháng trước đã tuyên bố rằng, Nga "vững bước đạt 15 tỷ USD doanh thu xuất khẩu vũ khí hàng năm" và hi vọng "sẽ giữ vững được vị thế này". Điều đó nói lên rằng, theo ý kiến của các quan chức chính phủ Nga, sản lượng xuất khẩu đã đạt "mức trần".
Mỹ, ngược lại, trong năm 2018 đã ký được các hợp đồng cung cấp vũ khí với tổng giá trị là 55,6 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2017 là nhờ chính sách tự do hoá hoạt động xuất khẩu vũ khí của Chính quyền TT Trump.
Theo dữ liệu của SIPRI, trong giai đoạn 2014-2018, xuất khẩu vũ khí của Mỹ nhiều hơn so với của Nga khoảng 75% - có nghĩa là khoảng cách ngày càng lớn so với giai đoạn cùng kỳ 5 năm trước.
Đối với Mỹ, các nước Trung Đông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng – nhất là Ả Rập Xê Út, quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, cũng như Qatar.
Trong vòng 5 năm gần đây, khu vực Trung Đông chiếm gần 52% doanh thu bán vũ khí của Mỹ. Dưới thời tổng thống Donald Trump, mối quan hệ với Ả Rập Xê Út mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Nga đang tụt lùi nghiêm trọng
Liên quan tới Nga, trong cùng giai đoạn này, các nước Trung Đông chiếm 16% doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga, phần lớn trong số đó được bán cho Ai Cập và Iraq.
Những đối tác thương mại chính của Nga là Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria, nhưng doanh thu bán vũ khí cho Ấn Độ giảm đáng kể, bởi vì chính phủ Ấn Độ cố gắng chuyển hướng nhập khẩu và tăng cường mua vũ khí của Mỹ, Hàn Quốc và (điều cảm thấy đau lòng nhất đối với Điện Kremlin) Ukraine.
Tiêm kích Su-30MKI Ấn Độ.
Nga thua Mỹ trong các gói thầu hàng không quan trọng của Ấn Độ. Vì lý do này, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế của khách hàng lớn khác của Nga, Venezuela, và khả năng thay đổi chế độ mới ở Algeria, "sự hồi sinh" doanh thu xuất khẩu vũ khí của Nga là điều khó có thể xảy ra.
Bán vũ khí, có thể, là chỉ số tốt nhất chứng tỏ tầm ảnh hưởng quốc tế của một cường quốc quân sự. Thị trường – đó không chỉ là cạnh tranh về giá cả và chất lượng, đó còn là những liên minh thường xuyên và theo tình thế.
Khoảng cách ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Nga trong vấn đề xuất khẩu vũ khí cho thấy rằng "sự xâm lược" của TT Putin vào những khu vực như Trung Đông không thể biến đổi thành tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Bất chấp mối quan hệ nồng ấm của ông Putin với tổng thống Ai Cập Abdel Fattah As-Sisi và liên minh với Iran mà có tầm ảnh hưởng lớn đối với Iraq, trong mức độ nào đó sẽ bù đắp, nhưng chúng không thể bù đắp đầy đủ những thiệt hại tại các khu vực khác.
Các đồng minh của Mỹ, bao gồm Pháp, Đức và Anh cũng gia tăng tỷ trọng của mình trên thị trường. Đó là lĩnh vực mà ít được nhắc tới khi người ta nói về lợi ích đối với người châu Âu từ liên minh với Washington trong lĩnh vực an ninh.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ đang được nhiều nước quan tâm.
Bất chấp tất cả những phản đối về mặt đạo đức đối với việc bán vũ khí cho các quốc gia như Ả Rập Xê Út, những nước thành viên của Liên minh châu Âu vẫn cần các thị trường cho lĩnh vực công nghiệp quốc phòng với gần 500 nghìn nhân công của mình.
Việc trú ẩn dưới chiếc dù của Mỹ giúp họ mở ra được những cánh cửa tới những nơi mà Nga và Trung Quốc không phải là các đối tác được mong đợi – có nghĩa là tới phần lớn các nước trên thế giới.
Nhiều giọt nước mắt đã rơi tại Mỹ liên quan tới sự sụp đổ của trật tự thế giới với vai trò thủ lĩnh của Mỹ. Nhưng nếu coi việc xuất khẩu vũ khí là chỉ số ảnh hưởng, thì sự bá chủ của Mỹ trông có vẻ ngày càng vững chắc hơn.
Trong một thế giới xung đột hơn, cạnh tranh hơn, Mỹ cảm thấy khá thoả mái trong khi những đối thủ địa chính trị lâu đời của quốc gia này đang gặp phải những khó khăn.
Đội bay biểu diễn Hiệp sĩ Nga trình diễn tiêm kích Su-30SM tại LIMA 2017