Trồng cây bàng dưới gầm đường sắt: Hà Nội mua thêm việc cắt tỉa làm gì?

Tuấn Minh |

Xung quanh việc Hà Nội trồng hàng loạt cây xanh dưới gầm cầu đường sắt trên cao, trao đổi với PV Infonet chiều 3/10, GS.TS Ngô Quang Đê cho rằng không nên trồng cây thân gỗ ở đây vì nếu mọc cao lên lại phải mất công chăm sóc, cắt tỉa.

Như đã đưa tin, gần một tuần nay, người dân phố Hoàng Cầu mới – Yên Lãng bỗng dưng thấy nhiều cây xanh được trồng dưới gầm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.

Theo đó, toàn bộ dải phân cách tuyến Hoàng Cầu – Yên Lãng đang được làm lại tiểu cảnh. Một số đoạn dải phân cách nằm dưới gầm đường sắt trên cao cũng được trồng cây xanh.

Đa số cây xanh có chiều cao bằng khoảng 2/3 cột trụ đường sắt trên cao. Nhưng ở một số vị trí, cây xanh được trồng chạm tới đường sắt. Khoảng cách giữa mỗi trụ được trồng từ 7-10 cây xanh.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Vũ Kiên Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, việc trồng cây dưới đường sắt trên cao và trồng cây trên dải phân cách nằm trong kế hoạch đã được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt.

Theo đó, trồng cây dưới đường sắt trên cao cũng như trồng cây trên dải phân cách sẽ tạo ra những không gian xanh, điểm nhấn cho cảnh quan thành phố. Một số nước trên thế giới như Nhật Bản cũng trồng cây bên dưới đường sắt trên cao.

“Chúng tôi đã lựa chọn chủng loại cây phù hợp theo danh mục của Sở Xây dựng, cây sẽ được cắt tỉa thường xuyên nên sẽ không ảnh hưởng đến hành lang an toàn đường sắt”, ông Trung cho hay.

Được biết, cây xanh được trồng trên phố Yên Lãng, Hoàng Cầu (Đống Đa, HN) là loại cây bàng Đài Loan hay bàng lá nhỏ.

Ngoài ra, một lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội cũng cho biết thêm bàng lá nhỏ là loại cây như bàng nhưng lá, tán nhỏ đẹp. Khi trồng sẽ được áp dụng những biện pháp kỹ thuật có khả năng khống chế được chiều cao.

Trước giải thích trên của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, trao đổi với phóng viên Infonet chiều 3/10, GS.TS Ngô Quang Đê, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh cho rằng, nói chung cây trồng dưới gầm đường sắt không nên trồng cây thân gỗ mọc cao, vì nếu mọc cao lên sẽ không tốt và ảnh hưởng đến cầu.

Ở gầm cầu có thể vẫn trồng được cây nhưng chỉ nên trồng những cây tầm thấp từ 1m – 1,5m.

“Cây bàng Đài Loan mọc cao lắm, không trồng được dưới gầm cầu. Loại cây này mọc cao hàng chục mét nên không nên trồng”, ông Ngô Quang Đê nói.

Theo ông Ngô Quang Đê, hiện nay có rất nhiều loại cây có bóng phù hợp để trồng dưới gầm cầu mà không phải cây bàng Đài Loan.

“Chăm sóc cũng được nhưng như thế tự nhiên lại mua việc thêm không? Phải cắt tỉa, tốn công, mua việc thêm làm gì? Việc này vừa phải tính mỹ thuật vừa phải tính đến mặt kinh tế”, ông Ngô Quang Đê nói về dự định chăm sóc, cắt tỉa cây được trồng dưới gầm cầu đường sắt trên cao.

Cùng quan điểm, PGS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trồng cây dưới gầm cầu không phải trồng những cây ấy.

Có thể trồng những cây hoa, cây lá mềm, thân mềm thấp, cây bụi để làm cảnh chứ tại sao dưới chân cầu lại đi trồng cây bàng (?).

Theo PGS. Nguyễn Văn Hùng, cây bàng được trồng dưới gầm cầu đường sắt là thân gỗ nên dù sao cũng sẽ phát triển chiều cao. Đây là cây lá nhỏ, tán đẹp trồng ở vỉa hè thì đẹp nhưng trồng ở gầm cầu sẽ hạn chế kích thước.

“Gầm cầu không cao nếu phải chặt, cắt, tỉa sẽ rất phiền phức. Hơn nữa ở dưới gầm cầu, ánh sáng không nhiều nên việc trồng cây thân gỗ là không nên.

Nên trồng cây thân mềm, những cây cần ít ánh sáng, trồng cây tạo kháng khuẩn sẽ giúp bảo vệ môi trường rất thuận tiện”, PGS. Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo PGS. Nguyễn Văn Hùng, chủ trương tận dụng khoảng không, đất trống để trồng cây là tốt nhưng trồng có hiệu quả hay không lại là vấn đề cần xem xét cho kỹ lưỡng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại