Tròn một năm xung đột Nga - Ukraine, Liên Hợp Quốc tổ chức cuộc bỏ phiếu ‘đi vào lịch sử’

Bình Giang |

Đánh dấu một năm xảy ra xung đột, ngày 22/2, cả Ukraine và Nga đều vận động các quốc gia tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ủng hộ họ trong phiên bỏ phiếu của Đại hội đồng gồm 193 thành viên mà Mỹ cho rằng “sẽ được ghi vào lịch sử”.

“Chúng ta sẽ thấy các quốc gia trên thế giới đứng lên vì hòa bình ở Ukraine”, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield phát biểu trước Đại hội đồng.

Đại hội đồng LHQ sẽ thông qua một nghị quyết trong ngày 23/2 mà Ukraine và các nước hậu thuẫn trình lên, trong đó nhấn mạnh “sự cần thiết phải đạt được hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài càng sớm càng tốt”, phù hợp với Hiến chương LHQ.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres chỉ trích chiến dịch quân sự của Nga và khẳng định Hiến chương LHQ “không mơ hồ”. “Tất cả các thành viên phải kiềm chế trong quan hệ quốc tế, không đe dọa hay sử dụng vũ lực chống lại toàn vẹn lãnh thổ hay độc lập chính trị của bất kỳ nhà nước nào”, ông Guterres tuyên bố.

Ukraine và các đồng minh hy vọng có thể khiến Nga bị cô lập hơn nữa bằng cách tìm kiếm lá phiếu ủng hộ của gần 1/3 thành viên Đại hội đồng LHQ.

Họ cho rằng chiến dịch quân sự là trường hợp điển hình khi “một quốc gia không bị khiêu khích xâm lược trái phép một quốc gia khác”, còn Nga cho rằng họ đang phải chống lại "một cuộc chiến tranh đại diện” với phương Tây, khi phương Tây đã và đang vũ trang cho Ukraine và áp hàng loạt lệnh trừng phạt Mátxcơva.

“Phương Tây trơ trẽn phớt lờ những mối quan ngại của chúng tôi và tiếp tục đưa hạ tầng quân sự của NATO đến gần biên giới của chúng tôi hơn nữa”, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia phát biểu trước Đại hội đồng.

Đại sứ Nebenzia khẳng định, Mátxcơva “không có lựa chọn nào khác” ngoài việc mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2/2022 để bảo vệ cộng đồng nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine và bảo đảm “an toàn và an ninh của nước chúng tôi”.

Dự thảo nghị quyết của LHQ, dù không mang tính ràng buộc, nhưng có sức nặng chính trị, nhắc lại yêu cầu mà Đại hội đồng đưa ra năm ngoái về yêu cầu Mátxcơva rút quân về nước. Nga cho rằng lời lẽ trong văn bản này “thiên vị và chống Nga”, đồng thời kêu gọi các quốc gia bỏ phiếu chống.

Kể từ năm ngoái, Hội đồng Bảo an LHQ với 15 thành viên đã tổ chức hàng chục cuộc họp về Ukraine, và sắp tới cũng sẽ họp cấp bộ trưởng về vấn đề này. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến sẽ có mặt, nhưng các nhà ngoại giao cho biết Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ không tham dự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại