Theo ước tính của các chuyên gia quân sự, lực lượng không quân Nga hiện có tổng cộng 330 máy bay trực thăng gần biên giới Ukraine và gần chiến tuyến, hầu hết trong số này là trực thăng Ka-52, với số lượng khoảng 100 chiếc. Do được sử dụng rộng rãi trên chiến trường nên các phi đội trực thăng Ka-52 được cho là chịu tổn thất lớn hơn so với các phi đội khác.
Trong bối cảnh nguồn cung cấp trực thăng quân sự Ka-52 đang bị hạn chế đáng kể, quân đội Nga buộc phải thay đổi chiến thuật.
Chẳng hạn, Nga không sử dụng Ka-52 băng qua tiền tuyến để tránh hỏa lực từ hệ thống tên lửa phòng không di động vác vai (MANPADS) của đối phương. Thay vào đó, họ chỉ vận hành máy bay trực thăng dọc theo đường phân giới và phóng tên lửa dẫn đường hoặc tên lửa không dẫn đường từ trên cao vào các cứ điểm của Ukraine.
Để tránh những tổn thất không cần thiết trong trường hợp Ukraine tiến hành pháo kích vào các sân bay, Nga đã bắt đầu xây dựng các công trình phòng thủ bảo vệ trực thăng tấn công.
Nhiều báo cáo cho biết, các binh sỹ của trung đoàn không quân 440 của Nga ở Taganrog, cách biên giới Ukraine hơn 48km, đã xây dựng nhiều công sự kiên cố từ gò đất, lốp cao su, thùng kim loại và các cấu trúc bê tông để bảo vệ trực thăng Ka-52.
Một sáng kiến khác là loại bỏ chiến thuật dùng trực thăng tấn công đơn lẻ, thay vào đó, chuyển sang hoạt động tấn công theo cặp.
Trong trường hợp này, Nga được cho là đã kết hợp Ka-52 với Mi-28 nhằm gia tăng hiệu quả chiến đấu và nâng cao khả năng ứng phó với hệ thống phòng không của đối phương vì các tính năng của 2 dòng máy bay này có thể bổ sung cho nhau.
Chẳng hạn, Ka-52 có các biện pháp đối phó với những loại tên lửa dẫn đường bằng laser và hồng ngoại như tên lửa vác vai Stinger mà Mỹ cung cấp cho Ukraine, còn Mi-28N có khả năng đối phó với tên lửa dẫn đường bằng radar.
Mặc dù 2 trực thăng này khi kết hợp lại có thể bảo vệ lẫn nhau trước tên lửa dẫn đường của đối phương, nhưng vẫn còn những mối đe dọa từ vũ khí phòng không khác như pháo kéo và pháo tự hành.
Vẫn chưa rõ các lực lượng Ukraine sẽ có biện pháp đối phó như thế nào với chiến thuật mới của Nga. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, Kiev có khả năng sử dụng nhiều hệ thống pháo phòng không tự hành Gepard hơn trên tiền tuyến.
Nếu Nga gia tăng tần suất triển khai Ka-52 trong các cuộc giao tranh thì các lực lượng Ukraine có thể gia tăng mật độ vũ khí phòng không ở gần mặt trận hoặc các vùng chiến tuyến bằng cách tái phân bổ lực lượng và phương tiện sẵn có.
Sức mạnh của trực thăng Ka-52
Ka-52 Alligator (NATO gọi là Hokum B) là máy bay trực thăng chiến đấu tiên tiến nhất của Nga, có tốc độ tối đa 315km/h, trần bay 5.400m và tầm hoạt động 1.000km. Đây là phiên bản cải tiến của của trực thăng tấn công 2 chỗ ngồi Ka-50 Black Shark ra mắt vào năm 1995. Nga đã trang bị trực thăng này cho quân đội vào năm 2011.
Trực thăng Ka-52 sử dụng cánh đôi quay đồng trục, được bố trí một buồng lái hai chỗ ngồi và ghế phóng thoát hiểm cho phi công. Ka-52 có 6 giá cứng gắn ở cánh, có thể mang được tải trọng vũ khí 1.800kg gồm rocket, tên lửa, pháo và đạn dược. Một khẩu pháo tự động 30mm cũng được gắn ở phía bên phải của thân máy bay.
Ka-52 được trang bị radar Phazotron FH-01 bước sóng milimet với 2 ăng ten để phát hiện các mục tiêu trên không và trên mặt đất.
Ngoài ra, nó còn có hệ thống tác chiến điện tử toàn diện với máy thu cảnh báo radar, laser, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại-điện tử cùng 2 hệ thống phóng mồi bẫy UV-26. Một số biến thể của Ka-52 còn có thêm camera hồng ngoại (FLIR) ở mũi.
Trực thăng Ka-52 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, được chế tạo để tiêu diệt các mục tiêu gồm phương tiện bọc thép, phương tiện không bọc thép, binh sỹ đối phương và những mục tiêu trên không bay tầm thấp.
Nó cũng được sử dụng như một trạm chỉ huy trên không, thực hiện nhiệm vụ giám sát các phi đội trực thăng tấn công khác. Không quân Nga được cho là sử dụng rộng rãi trực thăng Ka-52 để thực hiện hai vai trò này, đồng thời tấn công binh sỹ và máy bay của Ukraine.