Trợ lý của ông Barack Obama cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Lục San |

Trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, các cựu quan chức chính quyền người tiền nhiệm Barack Obama đang vận động bảo vệ nó.

Trang Politico đưa tin các trợ lý trước kia của ông Obama đang tổ chức các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc nhiều nhà lập pháp và làm việc với giới truyền thông nhằm ngăn một trong những thành quả về chính sách đối ngoại của ông tan thành mây khói.

Các cựu trợ lý của ông Obama nhấn mạnh hậu quả của việc từ bỏ thỏa thuận trên sẽ bao gồm cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông, thế đứng về ngoại giao của Mỹ bị tổn hại nghiêm trọng... Tất nhiên là cựu tổng thống Mỹ biết rõ nỗ lực của các cựu trợ lý và được cập nhật thông tin. Tuy vậy, ông Obama ít có khả năng đảm nhận vai trò nổi bật hơn trong quá trình này.

Trong khi đó, nhiều nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao tham dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) ở TP New York trong tuần này cũng thúc giục Tổng thống Donald Trump không hiện thực hóa lời đe dọa ngừng thỏa thuận hạt nhân với Iran do lo ngại điều này có thể dẫn đến xung đột quân sự.

Dẫn đầu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người thúc giục các bên không từ bỏ thỏa thuận trong bài diễn văn tại Đại hội đồng LHQ hôm 19-9.

Vấn đề hạt nhân Iran cũng được tập trung thảo luận tại một cuộc họp đa quốc gia diễn ra bên lề khóa họp ngày 20-9, nơi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên.

Cuộc họp trên diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố thỏa thuận hạt nhân này là "một trong những giao dịch tệ hại nhất và không công bằng nhất mà Mỹ từng tham gia". Nhà lãnh đạo Mỹ có thể "chuyền quả bóng trách nhiệm" về quốc hội bằng cách từ chối chứng thực Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vào giữa tháng 10 tới.

Nếu đúng vậy, quốc hội Mỹ khi đó sẽ có thời hạn 60 ngày để quyết định có tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran hay không. Một khi thỏa thuận hạt nhân - được Mỹ, Iran, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh ký kết hồi tháng 7-2015 - đổ vỡ, Tehran có thể tái khởi động chương trình hạt nhân.

Đây dĩ nhiên không phải là kết cục mà cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry muốn chứng kiến sau khi ông trải qua 20 tháng thương lượng với người đồng cấp Iran 2 năm trước. Theo lời một cựu quan chức Mỹ, ông Kerry vẫn tiếp xúc các cựu đồng nghiệp ở thượng viện và thường xuyên liên lạc với những quan chức châu Âu nắm giữ vai trò quyết định trong quá trình đàm phán với Iran.

Cùng với một số cựu giới chức thời ông Obama, ông Kerry có tên trong hội đồng tư vấn của nhóm hoạt động ngoại giao "Diplomacy Works" - được thành lập hồi tháng 5 năm nay để bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Vào tuần rồi, hơn 80 chuyên gia về không phổ biến hạt nhân đã ra tuyên bố thúc giục ông Donald Trump không từ bỏ thỏa thuận và chỉ ra rằng các thanh sát viên quốc tế thường xuyên xác nhận Iran tuân thủ các điều khoản của văn kiện này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại