Theo Business Insider, mối quan hệ thân thiết giữa Triều Tiên và nhiều quốc gia châu Phi được thiết lập kể từ thập niên 60, thời điểm Bình Nhưỡng ủng hộ vùng đất này đứng lên chống chế độ thuộc địa.
Hiện tại, Liên Hợp Quốc (LHQ) đang tiến hành điều tra trước cáo buộc Tanzania, Uganda, Angola, Cộng hòa Dân chủ Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Benin, Botswana và Zimbabwe "cố tình vi phạm" lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên.
Cụ thể, Tanzania và Uganda đang bị điều tra liên quan tới các thỏa thuận quân sự với Triều Tiên trong khi các nước còn lại bị điều tra tham gia Nhóm Dự án nước ngoài Mansudae của Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Tập đoàn Thương mại Haegeumgang của Triều Tiên cũng xác nhận đang tiến hành sửa chữa vào nâng cấp các hệ thống tên lửa không đối đất và radar phòng không cho Tanzania.
Ngoài ra, ủy ban trên còn điều tra mối quan hệ giữa Uganda và Triều Tiên sau khi quốc gia châu Á đào tạo cho lực lượng cảnh sát và quân sự Uganda cụ thể là lực lượng không quân.
Bên cạnh đó, ủy ban LHQ hiện điều tra các hoạt động liên quan tới hành trình di chuyển của một đại diện thuộc Tập đoàn Thương mại Phát triển than Triều Tiên tới Uganda từ Syria. Thậm chí, ủy bản này còn đang đánh giá vai trò của một văn phòng quân sự trá hình ở ngay trong đại sứ quán Triều Tiên tại Kampala.
Tuy nhiên, cả Uganda và Tanzania đều không lên tiếng biện minh trước những cáo buộc nằm trong bản báo cáo dài 111 trang của ủy ban LHQ.
Trước đó, trong cuộc họp với người đồng cấp Hàn Quốc vào tháng 5/2016, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni đã cam kết cắt đứt mối quan hệ quân sự và cảnh sát với Triều Tiên.
Bộ trưởng Ngoại giao Uganda, ông Sam Kutesa mới đây cũng đã xác nhận với kênh truyền hình NBS rằng: "Chúng tôi đã cắt đứt mối quan hệ hợp tác với Triều Tiên sau khi LHQ áp đặt lệnh trừng phạt".
Hồi tuần trước, LHQ cho hay do các nước thực thi không đầy đủ lệnh trừng đã giúp Triều Tiên kiếm được 270 triệu USD từ hoạt động giao dịch với nước ngoài kể từ tháng Hai năm nay.