Cựu tư lệnh Không quân Nga: Cần Cam Ranh!
Nếu như đưa vào bản đồ thế giới tất cả những căn cứ quân sự của Mỹ thì chúng ta sẽ có một chuỗi dày các điểm tập trung với nhau một cách lạ lùng, bao quanh Liên Xô cũ. Thế nhưng các căn cứ quân sự của Nga ở nước ngoài ít tới mức có thể đếm trên đầu ngón tay.
Vì thế, cảm giác hết sức phấn khởi khi nghe thông tin về khả năng sẽ xuất hiện thêm một căn cứ của Nga tại một trong những khu vực trọng yếu nhất trong tương lai.
Tất nhiên, trong vấn đề tổ chức các căn cứ quân sự chỉ nên tin vào những tuyên bố được phát đi từ Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, khi một hãng thông tấn được kính nể như "RIA Novosti" đăng tải tài liệu trích nguồn thông tin từ cựu tư lệnh Không quân Nga, thì cần phải quan tâm tới nó một cách đặc biệt.
Đó là tuyên bố của ông Petr Stepanovich Deinekin, tướng quân đội về hưu, cựu tư lệnh Không quân Nga và Liên Xô, tiến sĩ khoa học lĩnh vực quân sự, anh hùng Nga. Và ý kiến của một chuyên gia như vậy cũng cần phải lắng nghe.
Tàu Hải quân Nga.
Ông Deinekin cho rằng, Nga nên tiến hành khôi phục mạng lưới sân bay tại Cam Ranh (Việt Nam) một cách hết sức tích cực.
"Hiện nay lực lượng không quân của chúng ta đang tiến hành tái trang bị vũ khí một cách quy mô, lĩnh vực công nghiệp – quốc phòng đang triển khai các dự án máy bay tương lai. Mạng lưới sân bay của chúng ta đang được phục hồi không chỉ tại Bắc Cực mà cả bên ngoài biên giới của Nga: ở Việt Nam, tại các đảo trên Thái Bình Dương và tại Syria".
Về Syria, thì được đưa tin rộng rãi và cũng giống như về Bắc Cực. Các đảo trên Thái Bình Dương thì cũng không cần phải đề cập tới. Đối với Việt Nam thì khác… Căn cứ tại Cam Ranh từng được thiết lập từ hồi đầu thế kỷ trước.
Ban đầu nó do người Pháp xây dựng, sau đó dần dần chuyển sang tay người Nhật, sau đó lại người Pháp, người Mỹ. Sau khi Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, căn cứ này được giao vào tay Liên Xô.
Vào tháng 5/1979 một hiệp định đã được ký kết mà trong đó xác định quyền của Liên Xô thiết lập tại Cam Ranh căn cứ hậu cần. Các kỹ sư Liên Xô miệt mài xây dựng từ những gì người Mỹ để lại và biến Cam Ranh thành một căn cứ lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài.
Căn cứ này sau đó được chuyển lại cho Nga cho đến khi nó bị các lực lượng vũ trang của Nga bỏ lại từ 1/1/2002.
Tuy nhiên, tình hình địa chính trị thay đổi một lần nữa đã biến việc phải có căn cứ hải quân tại nơi giao cắt giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là điều vô cùng cấp thiết. Yêu cầu được Mỹ đưa ra trước lãnh đạo Việt Nam cũng phần nào lý giải cho tầm quan trọng của căn cứ hải quân này trên quan điểm quân sự.
Vào tháng 3 năm ngoái, Lầu Năm góc hết sức lo ngại trước khả năng tiếp nhiên liệu cho các máy bay ném bom mang tên lửa hạt nhân của Nga từ những máy bay tiếp nhiên liệu cất cánh từ sân bay Cam Ranh.
Khi đó Việt Nam đã khước từ yêu cầu của phía Mỹ, và tất cả đều rõ rằng sự trở lại Cam Ranh của người Nga chỉ là vấn đề thời gian.
Bộ Quốc phòng Nga không chính thức xác nhận!
Và đây là tiếng chuông cảnh tỉnh mới. Những tuyên bố của tướng Deinekin không được Bộ Quốc phòng Nga chính thức xác nhận, nhưng ví dụ Latakia chứng tỏ rằng các căn cứ quân sự của Nga có thể xuất hiện nhanh nếu như thực sự cần thiết.
Đúng là cần thiết. Khu vực Châu Á Thái Bình dương là trung tâm kinh tế tương lai của thế giới. Ngay hiện giờ, chính sách xâm lấn của Trung Quốc đang gặp phải sự phản ứng của Mỹ khi không thích Bắc Kinh tăng cường sự hiện diện tại Châu Á Thái Bình dương.
Khu vực này không còn là nơi ít được biết đến như một thế kỷ trước. Đơn giản có nghĩa là Nga cần căn cứ tại Cam Ranh. Mà nếu đã cần có nghĩa là sẽ có. Điều còn lại – chờ tuyên bố chính thức của Bộ Quốc phòng Nga.