EF-2000 Typhoon là chiến đấu cơ thế hệ mới của châu Âu, thiết kế của nó tập trung vào khả năng đánh chặn tốc độ cao, được cho là có thể "thấy trước, bắn trước" khi đối đầu với tiêm kích Su-27.
Các cuộc không chiến mô phỏng đều cho thấy kết quả hoàn hảo "nghiêng" về EF-2000 nhờ động cơ, radar rất ưu việt. Tất nhiên, nó cũng có thể áp chế được chiến đấu cơ J-10 một cách dễ dàng.
Nếu mua 1 - 2 trung đoàn máy bay Typhoon, Việt Nam có thể giành được ưu thế trên không trong trường hợp phải chiến đấu bảo vệ chủ quyền nếu xảy ra xung đột quy mô nhỏ tại biển Đông và tạo thành mối đe dọa lớn đối với biên đội tàu mặt nước của đối phương.
Giới quan sát Trung Quốc cho rằng mặc dù đã trang bị tàu sân bay Liêu Ninh, nhưng do tính năng tác chiến trên không của tiêm kích trên hạm J-15 vẫn không tốt như Su-27, chúng sẽ không phải là đối thủ của Typhoon, vì vậy tàu Liêu Ninh gặp nhiều bất lợi và rất khó hoạt động an toàn tại Biển Đông.
Tiêm kích đa năng EF-2000 Typhoon.
Nhìn vào tình hình diễn tập chung hải không quân những năm gần đây của Trung Quốc cho thấy, hoạt động tác chiến tại khu vực biển Đông chủ yếu là do không quân, tàu Liêu Ninh không tham gia vào các xung đột giả định, ít nhất không thể chiếm được vị trí chủ đạo trong giai đoạn đầu xung đột.
Trong khi đó chiến đấu cơ tàng hình J-20 mang số hiệu 2101 của Trung Quốc là máy bay đầu tiên của phiên bản sản xuất loạt, dự kiến sẽ phục vụ trong năm 2016. Chỉ có trang bị lượng lớn J-20, không quân nước này mới có thể tồn tại trong chiến tranh tương lai.
Lấy cớ các nước láng giềng hiện đại hóa không quân, truyền thông cũng như giới quan sát TQ hô hào rằng quân đội Trung Quốc phải đẩy nhanh việc triển khai tiêm kích tàng hình J-20. Vì nó là chiến đấu cơ tàng hình hiện đại cùng thế hệ với F-22 của Mỹ, có ưu thế so với các máy bay chiến đấu phi tàng hình như Typhoon.
Theo một số nguồn tin Trung Quốc, ngay cả khi Quân đội Việt Nam ký hợp đồng mua Typhoon trong năm nay, cũng phải sau 2 – 3 năm mới có thể tiếp nhận lô chiến đấu cơ đầu tiên, còn J-20 mang số hiệu 2101 đã bắt đầu thử nghiệm trên mặt đất, lô mẫu sản xuất thử nghiệm rất có thể sẽ được trang bị trong năm 2016.
Tuy nhiên, nhìn vào thời gian, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng J-20 của nước này cần phải hình thành sức chiến đấu sớm hơn chiến đấu cơ Typhoon mà Việt Nam mua, hoặc ít nhất phải cùng một lúc.
Gần đây, Trung Quốc cũng đã và đang đẩy nhanh việc xây dựng trái phép sân bay trên các đảo tại Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam), để tiện trong việc triển khai chiến đấu cơ, máy bay cảnh báo, máy bay gây nhiễu điện tử, máy bay trinh sát điện tử tại khu vực này.
Việt Nam, một số nước trong khu vực và trên thế giới đã phản đối gay gắt các động thái vi phạm luật pháp quốc tế, gây căng thẳng này của Trung Quốc.