Tuyên bố với hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), người phát ngôn Lực lượng Chiến lược Triều Tiên (NKSF) nhận định vụ thử diễn ra hôm 30-5 nói trên là một động thái khiêu khích quân sự.
"Hành động nguy hiểm này là một dấu hiệu cho thấy quá trình chuẩn bị chiến tranh hạt nhân của Mỹ nhắm vào Triều Tiên đã bước sang giai đoạn cuối cùng" – người phát ngôn NKSF tuyên bố.
Quan chức này đồng thời khẳng định Mỹ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng nếu nghĩ rằng có thể ngăn chặn được vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. "Họ đã lầm nếu nghĩ rằng hệ thống đánh chặn tên lửa của họ có thể ngăn được một vụ tấn công hạt nhân của NKSF" - phát ngôn viên NKSF khẳng định, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ tan thành tro bụi nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis khẳng định việc triển khai hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc là để đối phó với những mối đe dọa "thực sự" đến từ Triều Tiên.
"THAAD được triển khai ở Hàn Quốc không phải là để bảo vệ công dân nước này trước những mối đe dọa mơ hồ. Đây là một vấn đề nghiêm trọng…Vấn đề này xuất phát từ Triều Tiên" – ông Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore hôm 3-6.
Ông Mattis tuyên bố sẽ ưu tiên giải quyết vấn đề Triều Tiên trên cơ sở hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và Trung Quốc. Cũng theo ông Mattis, tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không phải là một vấn đề mới nhưng Bình Nhưỡng đã đẩy nhanh tiến độ phát triển loại vũ khí này. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định "không thể để tình hình hiện tại tiếp diễn".
Phát biểu trên được đưa ra giữa lúc Trung Quốc chỉ trích việc Mỹ triển khai THAAD tại Hàn Quốc vì lo ngại rằng Washington sẽ dùng radar của hệ thống này "do thám" lãnh thổ và năng lực quốc phòng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, ông Mattis khẳng định Trung Quốc là một đối tác quan trọng trong nỗ lực đối phó với Triều Tiên, trong lúc kêu Bắc Kinh có hành động cứng rắn đối với Bình Nhưỡng.