Vượt sông Đà đến với Nậm Giôn
14/01, hành trình trao tặng 1500 suất quà Tết cho người nghèo Sơn La bước sang ngày thứ hai. Đoàn từ thiện của Qũy Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và Soha.vn bắt đầu chuyến đi đầy gian nan đến với huyện Mường La.
Dù tìm hiểu khá kỹ về địa bàn hai xã Nậm Giôn và xã Chiềng Công của huyện Mường La nhưng chúng tôi vẫn không thể tưởng tượng được rằng, đường đến với hai địa điểm này lại khó khăn, hiểm trở đến vậy.
Nghe cán bộ địa phương chia sẻ, nếu đi từ trung tâm huyện Mường La về đến trung tâm xã Nậm Giôn theo đường bộ khoảng 80km nhưng sẽ phải đi mất ba giờ đồng hồ vì phải vòng qua ba xã khác.
Để tiết kiệm thời gian và đến với người dân đúng như dự kiến, đoàn đã lựa chọn đi theo đường sông, khoảng 25km.
Từ sáng sớm, hai cán bộ Phòng LĐTB&XH của huyện Mường La đã chờ để dẫn đoàn vượt sông. Từ đập thủy điện Sơn La, chúng tôi lên thuyền ở bãi đá bản Pềnh, rồi ngược sông Ðà về phía thượng nguồn. Sau gần hai giờ đồng hồ đi thuyền, đoàn chúng tôi đến được trung tâm xã Nậm Giôn.
Những thùng quà từ thiện được mang từ Hà Nội lên, hành trình qua Sông Đà để vào Nậm Giôn đến với bà con nghèo các bản của xã.
Tại trụ sở UBND xã Nậm Giôn, bà con nhân dân đã tập trung gần như đông đủ để nhận quà Tết từ đoàn từ thiện Qũy Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và Soha.vn.
Tại trụ sở UBND xã Nậm Giôn, bà con nhân dân đã tập trung gần như đông đủ để nhận quà Tết từ đoàn từ thiện Qũy Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup và Soha.vn.
Theo chia sẻ từ ông Bùi Việt Cường - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mường La: "Vùng đất khó khăn này chỉ có cư dân bản địa, gồm ba dân tộc Kháng, La Ha, Mông sinh sống từ nhiều đời nay.
Bà con sống dựa vào đồi núi, chủ yếu trồng ngô, lúa nương và chăn nuôi nhỏ, cuộc sống tự cấp tự túc, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài.
Do trình độ dân trí còn hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, kèm với đó là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt khiến cho Nậm Giôn chưa thể thoát đói nghèo".
Ông Bùi Việt Cường (áo kẻ) - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Mường La, tỉnh Sơn La cùng đoàn từ thiện trao quà cho người dân nghèo.
Xã Nậm Giôn có diện tích tự nhiên 12.088 ha, là xã rộng lớn thứ hai ở huyện Mường La. Toàn xã có hơn 620 hộ dân, khoảng 3.000 người sinh sống ở 17 bản (trong đó 8 bản Mông, 6 bản Kháng, 3 bản La Ha).
Được biết, từ khi xây dựng thủy điện Sơn La, một nửa số hộ dân sinh sống bên khe suối Nậm Giôn, bãi nhỏ ven sông Ðà trước kia nay đều đã bị ngập nước, phải di chuyển lên cao. Dù đã được Nhà nước quan tâm, đầu tư xây dựng nhưng vấn đề sản xuất, ổn định cuộc sống và sinh kế lâu dài cho người dân thì vẫn còn khó khăn.
Ngày này, anh Lò Văn Đăm - trưởng bản Pá Hợp (xã Nậm Giôn, huyện Mường La), rất phấn khởi dẫn bà con dân bản xuống xã để nhận quà Tết.
"Mình là người dân tộc Kháng, đã làm trưởng bản gần 10 năm rồi. Cả bản có 56 hộ, 205 nhân khẩu thôi. Đường đi lại còn khó lắm, ở đây chẳng có chỗ nào bằng phẳng, muốn chăn thả cũng không đủ điều kiện, trồng cây ăn quả thì không tốt vì toàn núi đá. Đàn ông ở đây hầu như đi làm ăn xa cả, chỉ có phụ nữ ở nhà đi nương thôi", anh Lò Văn Đăm chia sẻ.
Anh Lò Văn Đăm, trưởng bản Pá Hợp, xã Nậm Giôn, huyện Mường La, Sơn La.
Trèo đèo, lội suối đến với Chiềng Công - chuyến đi bão táp và lời tri ân sâu sắc tới đồng bào nơi phên dậu Tổ quốc
Hoàn thành trao tặng 250 suất quà Tết cho 250 hộ nghèo của xã Nậm Giôn, chúng tôi lại mau chóng lên đường cho kịp đến với 250 bà con ở Chiềng Công (Mường La), nơi được cán bộ địa phương cảnh báo là đi xa, đi khổ và rất khó đi...
Dù đã rất nhiều năm gắn với những hoạt động cộng đồng ở các tỉnh miền núi phía bắc, được trải nghiệm những con đường "khó nhằn", nhưng một vài thành viên trong đoàn vẫn phải thảng thốt vì lần đi này.
Khoảng cách từ Mường La vào đến Chiềng Công chỉ chừng 35km, nhưng xe chúng tôi đã phải đánh vật suốt gần 3 tiếng đồng hồ đề đến được nơi đây.
Đá hộc lởm chởm, những con đường lầy lội, những khúc quanh co như cạm bẫy, những vách đá cheo leo chắn lối đi, những vực thẳm đang chờ đợi phía dưới,... chỉ cần lơ đễnh hay chớp mắt thôi là có thể khiến xe chệch bánh lái, lăn xuống vực.
Ở Chiềng Công này mỗi sớm mai hoặc khi chiều buông, mây mù quanh năm, người đi đường cách nhau dăm mét đã không nhìn rõ mặt nhau.
Chị Đặng Thị Hòa - tình nguyện viên trong đoàn đã phải thốt lên rằng: "Hơn 20 năm đi khắp nơi, với không biết bao nhiêu hành trình, nhưng cộng lại chắc không thấm vào đâu so với chuyến đi này, con đường này. Tôi phục các thành viên đoàn và phục chính mình, vì dường như tất cả vượt quá giới hạn chịu đựng của bản thân. Chuyến đi này, càng khiến mình thấy thương bà con vùng cao hơn nữa..."
Chị Đặng Thị Hòa - tình nguyện viên của đoàn từ thiện đang trao tặng quà cho người dân nghèo ở Mường La, Sơn La.
Dù con đường đi thật khó khăn với chúng tôi, nhưng dường như đã trở thành quen thuộc với bà con nơi đây. Không ai muốn quen với cái khổ, cái đói, không ai muốn quen với đói nghèo nhưng chắc chắn người dân ở đây đã phải thích nghi với nó.
Và những cô bé, cậu bé người Mông, người Kháng, người La Ha ở đây cũng đã tập để thích nghi với khó khăn, với thử thách như ông bà, cha mẹ của họ...
Chia sẻ với khó khăn của người dân bản địa, Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Giám đốc Soha.vn khiêm tốn tự nhận rằng, hoạt động trao quà của đoàn thật nhỏ nhoi so với sự kiên trì của người dân hàng ngày bám trụ mảnh đất biên cương của Tổ quốc.
"Để đi quãng đường xa xôi đến đây, trao tặng quà cho bà con, chúng tôi nghĩ rằng, chúng tôi chỉ như những người cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, mong muốn mang một chút hơi ấm của miền xuôi. Công sức này không dám so sánh với những người bám địa bàn như chính quyền địa phương các cấp. Đây là những người thực sự gắn với mảnh đất này, sưởi ấm mảnh đất này, đã gắn bó nhiều năm.
Đi trên dòng sông Đà, đến với Nậm Giôn, chúng tôi thầm nghĩ, nếu không có những bà con hy sinh những bản làng cũ của mình để "vén" lên cao thì chắc chắn những thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh,... sẽ không thể sống nổi qua mùa hè. Nhờ những dòng điện như thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình mà những người ở miền xuôi, ở thành phố như chúng tôi mới có thể tồn tại qua những mùa hè nóng bỏng.
Chúng tôi đến đây với bà con với một tấm lòng tri ân tất cả những người dân đã hy sinh một phần những lợi ích của mình để cho dòng điện thủy điện Sơn La có thể tỏa đi, thắp sáng khắp đất nước này. Và cũng xin tri ân tất cả những bà con đã bám những mảnh đất ở biên cương, phên dậu này để cho đất nước có tiền phương vững chắc cho hậu phương phát triển.
Nhân dịp Tết đến xuân về, xin kính chúc toàn thể người dân và chính quyền địa phương có một cái Tết thực sự ấm áp và hạnh phúc", lời chia sẻ của Nhà báo Bùi Ngọc Hải tại buổi trao tặng quà cho 500 hộ nghèo ở huyện Mường La.
Nhà báo Bùi Ngọc Hải - Giám đốc Soha.vn trực tiếp hướng dẫn người dân làm thủ tục nhận quà Tết. Đa phần người lớn tuổi ở đây chưa biết đọc, biết viết nên phải điểm chỉ vào danh sách nhận quà.
Chúng tôi vui vì đã trao tận tay và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến những bà con vùng cao trong dịp Tết đến xuân về. Dù rằng, những món quà cũng chỉ là giải pháp tạm thời, hay cũng như muối bỏ bể. Nhưng, vẫn mong rằng những món quà nhỏ và tình cảm sẻ chia này có thể phần nào đó sưởi ấm trái tim người nghèo vùng cao, để bà con biết rằng, họ không đơn độc trong hành trình nỗ lực vươn lên từng ngày.
Nhà báo Bùi Ngọc Hải cùng lãnh đạo địa phương trao tặng quà cho người dân của xã Chiềng Công, Mường La, Sơn La.
Thăm, chúc mừng và trao tặng quà Tết cho người nghèo vùng cao là hoạt động thường niên của Soha.vn nhiều năm nay. Hoạt động này luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ Qũy Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup.
Năm nay, Qũy Thiện Tâm tiếp tục ủng hộ chương trình trao tặng quà Tết cho người nghèo vùng cao của tỉnh Sơn La do Soha.vn tổ chức.
Chương trình hướng đến chia sẻ, động viên bà con nhân dân còn khó khăn ở 6 xã thuộc 3 huyện Bắc Yên, Mường La, Sốp Cộp.
Qua 3 ngày làm việc, đoàn từ thiện đã trao tặng 1.500 suất quà Tết tới 1500 hộ nghèo của các xã Mường Và, Mường Lạn (huyện Sốp Cộp); Nậm giôn, Chiềng Công (huyện Mường La); Hua Nhàn, Chim Vàn (huyện Bắc Yên).
Tổng số tiền từ thiện đã trao 900 triệu đồng. Trong đó, mỗi phần quà trị giá 600.000 đồng bao gồm phong bì tiền mặt 500.000 đồng cùng 01 hộp bánh có giá trị 100.000 đồng.