Trẻ thích đặt câu hỏi khiến người lớn cảm thấy phiền nhưng là biểu hiện của một em bé thông minh

AN CHI |

Đôi khi người lớn sẽ thắc mắc "Sao mà con hỏi nhiều quá vậy nhỉ" nhưng sự thật đằng sau là một đứa trẻ ham hiểu biết.

"Mẹ ơi vì sao cầu vồng lại có 7 màu", "Vì sao cầu vồng mãi mới xuất hiện", "Vì sao mà cánh cửa lại sơn màu vàng chứ không phải màu xanh", "Tại sao mà mưa lại được gọi là ông Trời đang khóc"... Có những đứa trẻ ngày nào cũng hỏi hàng chục câu hóc búa khiến người lớn cũng loay hoay, không biết phải trả lời ra sao cho chuẩn.

Một số cha mẹ bực mình quát con: "Sao con hỏi lắm thế". Hơn một nửa bố mẹ không nghĩ trẻ nhỏ lại có thể đặt ra những câu hỏi như vậy. Nhiều bố mẹ cảm thấy "ngốc nghếch" khi trả lời của con mình vì chính họ cũng không biết câu trả lời chính xác là gì vì nhiều câu hỏi mang tính khoa học cao.

Nhiều phụ huynh lập tức giải quyết bằng cách "Con thử hỏi ông, bà xem nào", hay "con thử tư duy xem tại sao", "Mai chắc chắn mẹ sẽ trả lời, giờ mình phải suy nghĩ đã" hoặc "Khi nào lớn thì biết". Thông thường, người bố hay đưa ra câu trả lời hơn mẹ. Mẹ luôn từ chối bằng cách hứa sẽ trả lời sau và hy vọng con mình sẽ quên câu hỏi đó.

Vì sao trẻ thích đặt ra những câu hỏi hóc búa như vậy?

Các nhà nghiên cứu đã tiến hành cuộc khảo sát với khoảng 1.002 người có con ở độ tuổi từ 5 đến 16 tuổi. Sau cuộc khảo sát, các nhà khoa học nhận định "Trẻ con thường có tính tò mò, ham hiểu biết. Chúng luôn băn khoăn thắc mắc về những điều quanh mình.

Những câu hỏi của trẻ cũng tốt vì nó cho biết trẻ có những suy nghĩ gì về thế giới xung quanh, nhưng có thể đẩy bố mẹ vào những tình huống khó xử nếu bố mẹ không biết câu trả lời".

Trẻ thích đặt câu hỏi khiến người lớn cảm thấy phiền nhưng là biểu hiện của một em bé thông minh - Ảnh 1.

Lord Drayson, Bộ trưởng Khoa học và sự đổi mới, cũng là bố của 5 đứa con nói "Giống như các bố mẹ khác, tôi cũng phải cố gắng vượt qua các câu hỏi của các con tôi. Chúng thường đưa ra những câu hỏi mà chính tôi cũng chưa từng nghĩ đến".

Ông Lord Drayson tiết lộ "Trang web về khoa học sẽ phần nào giúp bố mẹ sẵn sàng trả lời các câu hỏi mang tính đố của con mình và đồng thời cũng thỏa mãn được tính tò mò, hiếu học của trẻ nhỏ".

Hỏi nhiều là biểu hiện của một em bé sở hữu chỉ số IQ cao?

Trên thực tế, trẻ hỏi nhiều như vậy lại là điều tốt. Trong phần đánh giá IQ của trẻ có mục "IQ ngôn ngữ". Các nghiên cứu đánh giá đã chỉ ra rằng, hầu hết trẻ em từ 0-6 tuổi đều bị nói lắp khi nói. Nếu con bạn có thể nói thành câu hoàn chỉnh khi được 2 tuổi hoặc nói liên tục, đó là dấu hiệu cho thấy bé có năng khiếu về ngôn ngữ.

Hơn nữa, những đứa trẻ nói nhiều có xu hướng vui vẻ hơn, mối quan hệ cá nhân trong tương lai rất tốt. Những người làm nghề như MC, phóng viên, quan hệ công chúng, giáo viên... đều có tố chất hoạt ngôn. Đặt một câu hỏi thường quan trọng hơn là giải quyết nó. Bởi vì việc giải quyết vấn đề có thể chỉ là kỹ năng, nhưng việc tìm ra những khả năng mới và nhìn nhận những vấn đề cũ từ những góc độ mới đòi hỏi trí tưởng tượng sáng tạo.

Thật ra, trẻ thích đặt câu hỏi là điều tốt. Những đứa trẻ thích đặt câu hỏi thường rất tò mò, trẻ sẽ tìm hiểu ngọn nguồn về những vấn đề còn chưa hiểu. Có lẽ, nhiều người sẽ cho rằng những đứa trẻ này thật lắm chuyện. Nhưng nếu chúng ta đổi góc nhìn, chúng ta sẽ nhận thấy những đứa trẻ này có tư duy rất nhạy bén, có khả năng quan sát mọi sự vật hiện tượng xung quanh. Thông qua cách đặt câu hỏi, trẻ sẽ suy nghĩ và tìm ra lời giải đáp. Bố mẹ không nên cảm thấy phiền phức khi trẻ luôn đặt câu hỏi, bởi đây là dấu hiệu chứng tỏ trẻ rất thông minh.

Khi bé đặt câu hỏi, thay vì cảm thấy phiền phức, hãy trả lời một cách nghiêm túc. Việc quát mắng hay tỏ ra khó chịu lâu dần sẽ khiến trẻ mất đi tính tò mò. Dù không biết đáp án, cha mẹ cũng nên thừa nhận điều đó hoặc tra cứu để cho con câu trả lời thỏa đáng. Có như vậy, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và thích đặt các câu hỏi khác hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại