Trao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có tạo thế “lộng hành” cho “đối thủ” một thời ở Syria?

Vũ Thu Hương |

Khi có được S-400 trong tay, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tự tin thương thảo về chính sách của Nga ở Syria và cũng như bước tiếp theo của chính quyền Syria. Điều này thậm chí có thể gây căng thẳng giữa Nga và Syria, giữa Nga với Iran.

Theo National Interest, văn phòng báo chí của Công ty xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport cho biết Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang "cùng hợp tác để tạo nên những chiếc trực thăng và máy bay nhiều hứa hẹn".

Động thái này diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục khẳng định rằng sẽ nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tân tiến của Nga dù thương vụ này đã đặt Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước những mâu thuẫn có thể làm hại đến quan hệ đồng minh lịch sử của Ankara và Washington.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mới đây đã đề cập với Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc thành lập một tổ công tác nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng S-400, theo tuyên bố của người đứng đầu Thổ Nhĩ Kỳ.

Thổ Nhĩ Kỳ được xem người chiến thắng trong sự vụ này. Bằng cách vận hành chính sách đối ngoại độc lập từ Mỹ và Nga, Ankara có thể thoải mái mặc cả điều mà nước này muốn ở Syria hay bất kỳ thương vụ về năng lượng nào.

Trao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga có tạo thế “lộng hành” cho “đối thủ” một thời ở Syria? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan

Trong khi Nga dường như thắng thế hơn Mỹ với thương vụ S-400, nhưng Nga hiện cũng bị bó buộc với Thổ Nhĩ Kỳ và làm giảm hoạt động của Moscow. Một bài báo của hãng thông tấn TASS hồi cuối tháng 3 nhận định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua S-400 và cũng mua cả hệ thống tên lửa đất đối không Patriot của Mỹ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cảnh báo rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ không được tiếp tục triển khai chương trình F-35 nếu nước này mua S-400.

Vì thế Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Ankara có thể tìm đến một nước khác để mua máy bay chiến đấu này. Và không có nước nào khác ngoài Nga là nước mà Ankara trông cậy.

Điều này cho thấy rõ ràng rằng dường như Nga và Thổ Nhĩ Kỳ rồi sẽ trở thành những đồng minh quân sự thân thiết. Nếu điều này xảy ra thì Ankara có thể gặp khó khăn trong việc gia nhập NATO. Và thông tin về việc hợp tác phát triển trực thăng và máy bay giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện trong bối cảnh này.

Đối với Nga, đây có thể là cuộc "đột nhập" lớn vào một đồng minh của NATO, để làm những điều với Mỹ và châu Âu mà Nga nghĩ phương Tây đã từng làm với Nga ở Caucuses, Ukraine và các nước Baltic.

Tuy nhiên, việc thực hiện một cuộc "đột nhập" sẽ không đơn giản. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã từng là đối thủ của nhau trong cuộc nội chiến Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chính cho các phiến quân đối lập với lực lượng quân đội chính phủ Syria trong khi đó Nga là đồng minh chính của chính quyền Syria.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã từng bắn hạ máy bay Nga hồi tháng 11/2015. Sau đó, vào tháng 12/2016, đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ bị một cựu nhân viên cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ám sát. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga từng có nhiều đàm phán về S-400 hồi cuối năm 2016.

Vào tháng 9/2017, Nga khẳng định rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua S-400. Hệ thống phòng thủ tân tiến này hiện được cho là được chuyển giao thành hai đợt vào tháng 6 và tháng 7 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã chấm dứt quan hệ đồng minh qua quá trình dài mà ở đó có việc Ankara tức giận trước quyết định của Mỹ trong việc hợp tác với lực lượng dân chủ Syria (SDF) nhằm chống khủng bố IS ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ xem SDF là lực lượng có liên hệ với Đảng công nhân người Kurd (PKK), tổ chức Ankara coi là kẻ thù.

Mỹ cũng đã làm vỡ mộng các chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và không xem Thổ Nhĩ Kỳ hay các phiến quân Syria có thể giúp chiến thắng khủng bố.

Ở Syria, cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều mong muốn ảnh hưởng của Mỹ suy giảm ở vùng này. Nga muốn Mỹ rút khỏi Syria. Moscow từng lên án vai trò của Mỹ ở Raqqa và Tanf, Nam Syria. Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn Mỹ rút khỏi Syria và từng ngợi ca quyết định rút quân của ông Trump. Nhưng Mỹ đã không rút quân.

Thổ Nhĩ Kỳ đã có quyết định rõ ràng về chính sách ở Syria . Hồi tháng 1/2018, Ankara ký thỏa thuận với Nga cho phép Ankara tiến vào vùng Afrin mà không bị không quân Syria ngăn cản. Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đơn vị bảo vệ người Kurd ở Afrin và cáo buộc PKK là khủng bố.

Sau đó, lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Idlib và ký thỏa thuận lập vùng phi quân sự ở đây với Nga để ngăn quân đội Syria mở cuộc tấn công lớn tại đây.

Khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trở nên thân thiết hơn, chính quyền Syria trở nên băn khoăn rằng liệu lực lượng quân đội Ankara sẽ rời khỏi Bắc Syria. Thổ Nhĩ Kỳ hiện kiểm soát Afrin và Idlib.

Nga cố gắng trấn an chính quyền Syria. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ ở Afrin là xây một tường mới và chỉ mang ý nghĩa tạm thời. Nga cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu của Syria bằng cách gây áp lực buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải đánh đuổi toàn bộ lực lượng cực đoan khỏi Idlib.

Với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là điều ưu tiên. Chính quyền Syria cần Nga hơn Moscow cần. Trong khi đó, Nga không muốn gây căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì sợ làm ảnh hưởng thương vụ S-400.

Bằng việc bán cho Thổ Nhĩ Kỳ hệ thống phòng không hiện đại này, Nga biết rằng Ankara có thể dõi theo các máy bay Nga ở Syria. Với quyết định bán S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ, Nga chỉ có thể tiến lên xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ với đảm bảo rằng không bao giờ để xảy ra vụ đụng độ nào với Ankara ở Bắc Syria.

Khi thương vụ S-400 hoàn tất, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ có được hệ thống vũ khí tân tiến mà còn tạo thế vững chắc để thực hiện các hoạt động ở Bắc Syria. Thay vì như trước đây Ankara phải xin phép Moscow trước các hoạt động ở Afrin, Ankara giờ sẽ là một người chơi lớn mạnh hơn.

S-400 rõ ràng mang lại ích lợi lớn cho Ankara nhưng điều đó cũng có nghĩa rằng Moscow sẽ nắm giữ ít quân bài hơn ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm bất cứ điều gì mà họ muốn ở ở khu vực rộng lớn ở Bắc Syria và điều này có nghĩa rằng các vụ đụng độ ở Idlib sẽ giảm.

Hiển nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phải có những bước đi thận trọng ở Idlib vì họ không muốn mâu thuẫn nảy sinh. S-400 có sức mạnh to lớn để cả hai nước cần phải thận trọng.

Ankara hiện đang nỗ lực bám riết và thân thiết với Nga nhưng lợi ích trong việc cải thiện quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga không phải là con đường một chiều. Nga sẽ cần Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Qua quá trình hòa đàm ở Astana và Sochi về vấn đề Syria, cùng với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tạo ra thách thức lớn cho Mỹ.

Nhưng một khi có S-400 trong tay, Ankara có thể tự tin thương thảo về chính sách của Nga ở Syria và cũng như bước tiếp theo của chính quyền Syria.

Điều này thậm chí có thể gây căng thẳng giữa Nga và Syria. Điều này cũng có thể gây căng thẳng cho Iran, quốc gia cũng mang nhiều mục tiêu ở Syria. Nga có thể có được một đồng minh thực sự là Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng có khi phải chấm dứt mối quan hệ vì những đòi hỏi ngoài khả năng từ Ankara.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại