Những năm gần đây, game nhập vai trở thành trào lưu mới mẻ của giới trẻ xứ Trung. Sự hấp dẫn của trò chơi nằm ở chỗ người tham gia có thể biến thành nhân vật trong kịch bản do chính mình viết (hoặc thuê). Tuy nhiên, đằng sau tinh thần giải trí lành mạnh, trò chơi này nay đã và đang dần bị biến tướng, trở thành những "bộ phim" bạo lực, thậm chí là khiêu dâm trá hình.
Game nhập vai (Murder Mystery Game) rất thịnh hành và khiến giới trẻ xứ Trung phát cuồng. Đây là 1 trò chơi tập trung vào suy luận, có kịch bản sáng tạo với nhiều nhân vật khác nhau để truy tìm thủ phạm.
Trò chơi này được du nhập vào Trung Quốc từ năm 2016 và nhanh chóng trở thành xu hướng giải trí mới cho giới trẻ ở đất nước tỷ dân. Song tốc độ phát triển nhanh chóng của nó cũng kéo theo nhiều vấn đề, khi nơi này ăn cắp cốt truyện của nơi kia, hoặc biến tấu nội dung gốc theo hướng cực đoan, rùng rợn hơn nữa để thu hút khách hàng.
Người chơi phải nghiên cứu trước kịch bản và lựa chọn trang phục phù hợp
Theo khảo sát thì các phòng chơi (địa điểm diễn ra trò chơi nhập vai) có giá lên tới 300 tệ (tương đương hơn 1 triệu đồng)/người và kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Trong đó mỗi người chơi được cung cấp 1 nhân vật có cốt truyện cùng trang phục tương ứng, sau đó được đưa vào 1 bối cảnh nhập vai để tương tác với các nhân vật khác.
Tính đến cuối năm 2020, có hơn 30.000 địa điểm cung cấp nơi chơi game nhập vai như trên tại Trung Quốc, trong đó tính riêng ở thành phố Bắc Kinh có 4.000 cửa hàng, thành phố Hàng Châu có 3.500 cửa hàng, với chi phí trung bình 50-300 tệ (tương đương 177.000-1.000.000 đồng) trên đầu người.
Đặc điểm của trò chơi là mỗi người đóng vai 1 nhân vật khác nhau, chuyển qua nhiều kịch bản và có thể trải nghiệm những vai diễn thực thụ như phim truyền hình.
Mô hình phòng chơi thường có gam màu lạnh và ít ánh sáng
Nguyên nhân khiến các bạn trẻ nghiện nó cũng là do ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Trò chơi ban đầu hướng tới sự tích cực như tạo cơ hội trao đổi và hợp tác giữa các nhóm, hay phát triển giao tiếp giữa các cá nhân. Môi trường cụ thể trong kịch bản cũng có thể khiến những người xa lạ cộng hưởng với nhau và trở thành những người bạn thực sự ngoài đời.
Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của "ngành công nghiệp" game nhập vai, người chơi cần nhiều thứ kích thích hơn thế.
Game nhập vai phất lên như diều gặp gió, kéo theo thu nhập của biên kịch tăng lên, nhưng do sự cạnh tranh khốc liệt trong nghề khiến ngày càng nhiều người đưa thêm "cảnh nóng" vào trong kịch bản để câu khách.
Thậm chí có những cửa hàng còn tuyển sinh viên đại học xinh đẹp làm "hầu gái". Các cô gái có thể mời các chàng trai "nhập vai" quan khách (cá nhân sử dụng dịch vụ sẽ tự tính tiền riêng), đổi lại sẽ có thêm manh mối phá án tốt hơn so với người chơi thường.
Dịch vụ "hầu gái" đi kèm thêm hoàn toàn là do khách tự nguyện trả phí
1 cư dân mạng "từng trải" cho biết, anh được 1 nữ sinh mời chơi game cùng, kết quả chỉ trong 1 đêm quẹt thẻ mất 9.000 tệ (tương đương 31 triệu đồng). Cư dân mạng cho rằng, nếu như vậy thì nữ sinh ấy có thể dễ dàng kiếm hơn 200.000 tệ (tương đương 708 triệu đồng)/ tháng, nhưng cách kiếm tiền lại sặc mùi "khiêu dâm thô tục".
Từ đầu tháng 3 năm nay, 1 số phương tiện truyền thông đã chỉ ra rằng game nhập vai ngày càng tiêu cực, cảnh giết người trong game có khuynh hướng bạo lực, kinh dị, máu me và kỳ quái, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Cũng chính vì thế mà gần đây có nhiều người chơi không chịu nổi nhiệt, đang chơi nửa chừng đòi "thoát game", chẳng hạn như 1 cậu bé 12 tuổi ở tỉnh Nam Ninh, Trung Quốc bị hôn mê vì cốt truyện quá kinh dị; 1 cô gái 23 tuổi đã bị 1 người chơi nam gạ gẫm và đe dọa... Nếu những nguy cơ tiềm ẩn ấy tiếp tục tăng lên, nó chắc chắn sẽ có tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất của các bạn trẻ.
Thêm vào đó, thiết kế tạm bợ của các phòng game cũng là 1 điểm trừ lớn, từ bối cảnh cho đến đồ trang trí và vật liệu chống đỡ đều không tuân thủ an toàn phòng cháy chữa cháy. Sau khi kiểm tra, thành phố Thượng Hải đã phải cho đóng cửa hơn 400 cửa hàng kiểu này.
1 góc trong mô hình phòng chơi đầy ma quái không dành cho người yếu tim
Ngoài ra thì việc vi phạm kịch bản cũng là 1 vấn đề lớn. Các kịch bản lậu chỉ có giá từ 50-100 tệ (tương đương 177-350 nghìn đồng), trong khi bản gốc có giá khởi điểm 500 tệ (tương đương 1,7 triệu đồng). Nhiều cửa hàng mua kịch bản vi phạm bản quyền, điều này không đảm bảo an toàn cho luật sở hữu trí tuệ.
Nếu game nhập vai muốn phát triển hơn nữa, nó phải mang tới giá trị xã hội nhất định, nhưng cho đến nay trò chơi trên không đáp ứng được điều ấy.
Hiện các cơ quan chức năng Trung Quốc đang tăng cường kiểm tra để giám sát tốt hơn nội dung của kịch bản, độ an toàn của cơ sở hạ tầng phòng chơi, cũng như ngăn chặn các hành vi khiêu dâm trá hình.