Thanh Đằng, tên thật là Từ Vị (1521 – 1593) là một họa sĩ, nhà thư pháp, nghệ sĩ văn học kiệt xuất vào cuối thời nhà Minh, Trung Quốc.
Không chỉ là một tác giả xuất sắc của nền hội họa cổ đại, ông còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những thế hệ nghệ sĩ Trung Quốc hàng trăm năm sau.
Ngay cả vị “họa sĩ trăm triệu đô” Tề Bạch Thạch (1864-1957) - niềm tự hào của người Trung Quốc - cũng từng phải thốt lên: “Tôi ước được sinh ra sớm hơn 300 năm để có thể mài mực và chuẩn bị giấy cho Thanh Đằng.”
Thanh Đằng, nghệ sĩ văn học kiệt xuất cuối thời nhà Minh Trung Quốc (Ảnh: Baidu)
Trong số các bức họa Thanh Đằng để lại cho hậu thế, có một tác phẩm 400 tuổi được ông vẽ trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh như một kẻ điên, nhưng lại khiến các chuyên gia hàng trăm năm sau phải trầm trồ vì quá có “hồn”.
Vậy rốt cuộc phần “hồn” đó được thể hiện ra sao? Những người xem tranh bình thường có thể nhìn ra hay không?
Bức tranh “Lư bối hành ngâm”
Bức tranh khiến các chuyên gia trầm trò có tên "Lư bối hành ngâm" (Tạm dịch: Ngâm thơ trên lưng lừa), hiện đang được trưng bày trong Bảo tàng Cố Cung (Bắc Kinh).
Trong tranh, Thanh Đằng chỉ đơn giản khắc họa hình ảnh một thi nhân đang cưỡi trên lưng con lừa đi dạo. Đối với khán giả đại chúng mà nói, bức tranh này có lẽ không đặc biệt về cả nội dung và hình thức, thậm chí nét vẽ có phần nguệch ngoạc, khó hiểu.
Bức “Lư bối hành ngâm” được người đời ca ngợi (Ảnh: Sohu)
Trong xã hội cũ, nhiều họa sĩ lựa chọn đưa hình ảnh con lừa vào tác phẩm bởi loài này có tính cách bướng bỉnh, không thích tuân theo phép tắc, thường được so với sự phóng khoáng, tự do tự tại của những người nghệ sĩ.
Đối với các chuyên gia hội họa hiện đại, con lừa của danh họa Thanh Đằng thậm chí còn đặc biệt hơn. Có thể chú ý tới phần chân của con vật này để hiểu.
Thanh Đằng đã đặt bút lông từ vị trí móng của con lừa rồi kéo bút lên. Mỗi sải bước chỉ được vẽ bằng 1-2 đường đi bút nhưng lại có độ đậm mảnh rõ rệt cho từng phần đùi, cẳng chân, bộ móng. Phong cách “vẽ tranh” như “viết thư pháp” này đã tạo nên trạng thái tung hoành, phóng khoáng của con lừa trong từng bước đi.
Nét vẽ thanh mảnh nhưng quyết liệt trong tranh của Thanh Đằng. (Ảnh: Sohu)
Phông nền phía sau cũng không được tô điểm phức tạp, vô tình mở ra một không gian rộng lớn để chú lừa được tự do sải bước trong niềm vui sướng, hân hoan.
Vậy rốt cuộc bức tranh con lừa này muốn nói về điều gì? Theo các chuyên gia hội họa, nỗi niềm ẩn giấu trong tác phẩm của vị "họa sĩ điên" Thanh Đằng chính là khao khát tự do, mong ước được thoát ra khỏi sự bó buộc của cuộc sống thực tại.
9 lần tự tử không thành công, vào tù vì giết vợ
Thanh Đằng là người có khí chất thanh cao mà không kém phần cao ngạo. Ông yêu thích nghệ thuật, song những khó khăn thực tại đã ngăn cản ông chạm tới lý tưởng của bản thân.
Mặc dù được mệnh danh là một trong "Tam đại tài tử" đương thời với tài năng xuất chúng trong thư họa, con đường tiến quan của Thanh Đằng vẫn hết sức trắc trở.
Họa sĩ Thanh Đằng từng tham gia thi Hương tới 8 lần nhưng vẫn thất bại thảm hại. Từ đây, trong đầu ông bắt đầu nung nấu ý định tự kết liễu cuộc đời.
Trong suốt hàng chục năm, Thanh Đằng đã tự tử thất bại 9 lần trong sợ hãi và điên loạn.
Lần tử tử thất bại cuối cùng khiến ông trở nên nửa điên nửa tỉnh, thậm chí còn không đủ khả năng để tự mình làm những việc cơ bản nhất. Song cũng chính lúc đang chìm đắm trong trạng thái ấy, ông đã tự tay họa nên bức “Lư bối hành ngâm” với mong muốn được thoát khỏi bế tắc cuộc đời.
Chính vì vậy mà nhiều nhà phê bình cho rằng, chỉ những người từng trải qua đằng cay trong đời mới thấu cảm được hết mong muốn được thoát khỏi thực tại trong bức tranh "Lư bối hành ngâm".
Thanh Đằng trong tranh vẽ của các họa sĩ hiện đại (Ảnh: Baidu)
Những năm tháng sau này, sự mất cân bằng trong nhận thức đã khiến Thanh Đằng tự tay giết chết người vợ thứ hai của mình, sau đó bị bỏ tù tới 7 năm.
Sau khi ra tù, ông đã dành những năm tháng còn lại của cuộc đời để vẽ tranh, mặc dù tác phẩm của ông luôn được đánh giá cao trong thời hiện đại song lại không được các học giả đương thời đón nhận. Sau cùng, cuộc đời người nghệ sĩ tài ba Thanh Đằng chỉ kết thúc trong sự nghèo khó và bệnh tật mà thôi.