Tranh cãi quanh chiến thuật quây kín, chặn lối thoát người biểu tình Mỹ

Thùy Dương |

Quây kín (kettling) là chiến thuật kiểm soát đám đông gây tranh cãi mà cảnh sát sử dụng khi biểu tình lan khắp nước Mỹ.

Tranh cãi quanh chiến thuật quây kín, chặn lối thoát người biểu tình Mỹ - Ảnh 1.

Cảnh sát New York chặn lối thoát trên cầu Manhattan khi hàng trăm người biểu tình tìm cách qua cầu vào khu vực Manhattan từ Brooklyn. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Vox, ngay trước giờ giới nghiêm 8 giờ tối 4/6, người biểu tình ở khu vực Mott Haven thuộc Bronx, New York đã tiến tới hàng cảnh sát đang chặn con phố. Từ phía bên kia, cảnh sát dồn đám đông lên, bao vây người biểu tình.

Phóng viên tờ Gothamist, Jake Offenhartz, nói: “Đây thậm chí không phải là đối đầu, đó là cái bẫy”.

Tình trạng hỗn loạn khi đó là ví dụ về chiến thuật quây kín mà cảnh sát tại các thành phố của Mỹ sử dụng nhằm lùa người biểu tình vào một không gian kín để họ không thể thoát ra. Một khi đã ngăn lối thoát, cảnh sát có thể bắt người hoặc từ từ giải tán người biểu tình. Tình huống này có thể trở nên hỗn loạn nếu cảnh sát dùng vũ lực, không chừa lối thoát cho người biểu tình.

Sau sự cố ở Bronx, hàng chục người đã bị bắt. Các phóng viên, người biểu tình và nhân chứng cho biết cuộc biểu tình không hề hỗn loạn cho tới khi cảnh sát dồn tới. Ủy viên cảnh sát thành phố New York Dermot Shea thì nói rằng sở cảnh sát nhận thông tin đoàn người biểu tình định đốt phá mọi thứ và gây lộn xộn nên họ mới làm như vậy.

Căng thẳng đã leo thang giữa cảnh sát và người biểu tình – những người coi chiến thuật quây kín là một ví dụ nữa về việc lực lượng thực thi pháp luật tại Mỹ dùng vũ lực không phù hợp và biến biểu tình hòa bình thành cuộc đối đầu căng thẳng.

Tờ New York Times cho biết cảnh sát đã dùng chiến thuật này ở Brooklyn ngày 3/6. Tờ Gothamist cho biết người biểu tình cũng bị quây kín ở khu Upper West Side ngày 5/6. Ngày 2/6, sở cảnh sát New York đã bẫy hàng trăm người biểu tình trên cầu Manhattan, không cho họ vào khu vực Manhattan. Thế bế tắc trên chấm dứt khi cảnh sát cho mọi người thoát ra về phía Brooklyn.

Quây kín không chỉ được sử dụng trong biểu tình ở New York. Ở Dallas, trên 600 người biểu tình bị giam ngày 1/6 sau khi người biểu tình bị bẫy trên cầu Margaret Hunt Hill, gây ra đối đầu. Ở Washington, DC, người biểu tình cũng bị chặn trên phố ngày 1/6 và bị cảnh sát bao vây.

Quây kín không phải là chiến thuật mới. Nó đã được dùng nhiều trong các cuộc biểu tình liên quan vấn đề khí hậu tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở London năm 2009 cũng như biểu tình trong phong trào “Chiếm đóng Phố Wall”.

Khi biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc bước sang tuần thứ hai ở Mỹ, dư luận ngày càng phản đối cảnh sát sử dụng chiến thuật quây kín. Với nhiều người biểu tình, họ càng có thêm lý do để nói cảnh sát kích động xung đột.

Mục đích của chiến thuật này là để quây đám đông vào một không gian cụ thể, như một tòa nhà hay cây cầu, chặn mọi đường thoát. Chiến thuật này đối lập với các chiến thuật kiểm soát bạo loạn như xịt hơi cay để giải tán đám đông và khiến mọi người bỏ chạy. Quây kín khiến người biểu tình không có lối thoát và họ thoát thế nào là phụ thuộc vào lực lượng thực thi pháp luật.

Điều đó có nghĩa là cảnh sát có thể bẫy người biểu tình cho tới khi cảm thấy sẵn sàng thả họ hoặc sau khi bắt giam hàng loạt. Khi đám đông đang hỗn loạn hoặc xảy ra bạo lực, chiến thuật quây kín giúp cảnh sát kiểm soát và giam giữ người gây bạo lực.

Đây là điều mà sở cảnh sát New York và Thị trưởng Bill de Blasio nói để giải thích cho việc sử dụng chiến thuật này trong một số trường hợp. Ông nói: “Tôi không muốn thấy người biểu tình bị bao vây nếu họ không cần bị bao vây, nhưng đôi khi có vấn đề hợp pháp mà người biểu tình không thấy”.

Tranh cãi quanh chiến thuật quây kín, chặn lối thoát người biểu tình Mỹ - Ảnh 3.

Cảnh sát quây người biểu tình ở Manhattan ngày 3/6. Ảnh: The New York Times

Tuy nhiên, quây kín có thể khiến đối đầu với cảnh sát thêm căng thẳng, hỗn loạn vì những người muốn rời đi không thể rời đi. Khi dùng chiến thuật này ở các khu phố hoặc nơi công cộng, nhiều người đứng ngoài cuộc có thể bị quây cùng người biểu tình.

Dù cảnh sát có lý do an toàn hay thực thi pháp luật hợp pháp để giải tán biểu tình, nhưng chiến thuật quây kín khiến người ta có hai điều lo ngại: vấn đề hiến pháp và lo ngại sức khỏe, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Hiến pháp Mỹ quy định về trường hợp nào mà cảnh sát có thể chặn lại hoặc bắt giam. Trong khi đó, chiến thuật quây kín lại vây cả những người không làm gì sai trái hoặc không liên quan tới cuộc biểu tình.

Tranh cãi quanh chiến thuật quây kín, chặn lối thoát người biểu tình Mỹ - Ảnh 4.

Lực lượng cảnh sát Mỹ chuẩn bị thực thi nhiệm vụ. Ảnh: AP

Việc cảnh sát Mỹ quây kín đám đông trong không gian chật chội trong một thời gian dài có thể nguy hiểm. Trong đại dịch COVID-19. Chiến thuật này vi phạm quy định giãn cách xã hội, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh tật.

Bà Malika Fair, Giám đốc sáng kiến y tế công cộng thuộc Hiệp hội Đại học Y khoa Mỹ, nói: “Các chiến thuật của cảnh sát như quây kín, bắt giữ hàng loạt, dùng chất kích thích hóa chất hoàn toàn đi ngược lại khuyến nghị về y tế công cộng. Các biện pháp này khiến người biểu tình vi phạm khuyến nghị đứng cách nhau hai mét. Hóa chất có thể khiến họ phải tháo khẩu trang. Điều này rất nguy hiểm”.

Ngoài ra, chiến thuật quây kín của cảnh sát Mỹ còn làm tăng rủi ro biểu tình hòa bình biến thành đối đầu bạo lực. Biểu tình ở Brooklyn ngày 3/6 chính là một ví dụ.

Theo bà Sarah Einowski, luật sư cộng tác trong vụ Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ ở Orgeon kiện thành phố Portland vì quây kín người biểu tình ngày 4/6/2017, về tổng thể, các chiến thuật như quây kín có thể gây ảnh hưởng khủng khiếp với vấn đề biểu tình. Bị vây kín mà không có nước uống hay nhà vệ sinh trong một thời gian dài có thể khiến mọi người không muốn thực thi quyền hội họp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại