Cấm tiêu thụ động vật hoang dã do dịch Covid-19: Ông Tập ủng hộ, quan chức địa phương lại phản đối

An An |

Một số loài động vật hoang dã được cho là vật trung gian gây ra nhiều dịch bệnh trên thế giới, trong đó có Covid-19.

Chuột tre đã giúp Mao Tổ Khâm thoát nghèo. Nhưng giờ đây, do đại dịch Covid-19, một lần nữa anh phải đối mặt với nguy cơ đói nghèo.

Trong 5 năm qua, Mao Tổ Khâm đã xây dựng một trang trại có hiệu quả kinh tế ở miền nam Trung Quốc, nuôi 1.100 con chuột tre. Đây là một loài gặm nhấm mập mạp được dùng làm thực phẩm, cũng là đặc sản ở vùng này. Tuy nhiên, vào tháng 2 năm nay, chính phủ Trung Quốc thông báo dừng việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã. Loại giao dịch này được coi là nguồn gốc lây lan dịch bệnh.

Mao Tổ Khâm vẫn tiếp tục nuôi chuột tre nhưng anh không thể trả hết chi phí thức ăn và không thể thu hồi được số tiền đã đầu tư.

"Hiện nay tôi đang có một khoản nợ," anh nói với The New York Times (Mỹ).

Báo Mỹ cho biết Trung Quốc được ca ngợi vì dừng buôn bán động vật hoang dã nhưng quyết định này cũng khiến hàng triệu chủ trang trại như Mao Tổ Khâm lâm vào tình cảnh khó khăn. Vận mệnh kinh tế của họ, cũng như những lỗ hổng lớn trong các hạn chế của chính phủ, có thể làm suy yếu cam kết của Trung Quốc trong việc cấm buôn bán động vật hoang dã.

Tại kỳ họp vào cuối tháng trước, cơ quan lập pháp Trung Quốc, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (tức Quốc hội) không thông qua điều luật mới về chấm dứt buôn bán tiêu thụ động vật hoang dã. Thay vào đó, cơ quan này đã ban hành hướng dẫn nghiên cứu thực thi các quy tắc hiện hành trong khi soạn thảo một dự luật mới. Việc soạn thảo các dự luật mới thường mất một năm hoặc hơn.

Cấm tiêu thụ động vật hoang dã do dịch Covid-19: Ông Tập ủng hộ, quan chức địa phương lại phản đối - Ảnh 1.

Chợ hải sản bán đồ đông lạnh ở Trung Quốc. Ảnh: NYT

Sự chậm trễ của điều luật mới khiến nhiều người lo lắng rằng, Trung Quốc có thể lặp lại những sai lầm đã xảy ra sau dịch SARS năm 2003. Trong thời gian dịch SARS bùng phát, Trung Quốc đã cấm buôn bán các loài động vật liên quan đến dịch bệnh này như cầy hương nhưng lệnh cấm lặng lẽ mất hiệu lực vài tháng sau khi đỉnh dịch đi qua.

Các hạn chế của chính phủ Trung Quốc đối với việc buôn bán động vật hoang dã là một cuộc đấu tranh chống lại truyền thống ẩm thực và văn hóa thâm căn cố đế, bởi các tài liệu lịch sử cổ đại ghi chép nhiều nội dung thúc đẩy giá trị dược liệu của nhiều loài động vật hoang dã như gấu, hổ và tê giác.

Luật chồng chéo luật

Đại dịch Covid-19 bắt nguồn tại một khu chợ hải sản ở Vũ Hán. Để đảm bảo độ tươi sống, các loài động vật được nuôi nhốt trong những chiếc lồng, được giết mổ sau khi bán nhưng điều kiện vệ sinh ở đó không lý tưởng.

Theo NYT, mặc dù các chỉ thị từ chính phủ Trung Quốc hiếm khi phải chịu những thách thức công khai nhưng lệnh cấm toàn diện đối với buôn bán động vật hoang dã bị phản đối, cho thấy dấy hiệu tranh luận nội bộ.

Một số thành phố, bao gồm cả Bắc Kinh, đã áp đặt lệnh cấm săn bắn và bán động vật hoang dã vào tuần trước đó. Vũ Hán cũng tuyên bố lệnh cấm 5 năm. Tuy nhiên, tại khu vực nông thôn nơi Mao Tổ Khâm sinh sống, các quan chức đã vận động hành lang kêu gọi gỡ bỏ lệnh cấm này, bởi họ muốn hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo trong năm nay, mục tiêu do chính quyền Bắc Kinh đề ra trước đó.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã loại chó ra khỏi hạng mục gia súc chăn nuôi trong sách trắng, đây là một chiến thắng cho những người phản đối truyền thống tiêu thụ thịt chó. Nhưng bộ này cũng đã bổ sung hai loài động vật trước đây được coi là động vật hoang dã là đà điểu và ngan bướu mũi vào mục gia súc chăn nuôi, cho phép tiếp tục được tiêu thụ trên thị trường.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp đã không thêm chuột tre vào sách trắng, bất chấp lời kêu gọi từ nông dân ở vùng Quảng Tây, nơi Mao Tổ Khâm sinh sống. Chuột tre nằm trong một bản danh sách khác của chính phủ Trung Quốc. Danh sách này có 54 loài động vật hoang dã được phép săn bắt, buôn bán và tiêu thụ, phản ánh sự chồng chéo của luật pháp Trung Quốc về điều chỉnh hoạt động buôn bán động vật hoang dã.

"Trung Quốc đã mất một cơ hội hiếm hoi để làm gương cho thế giới và chưa thể dẫn đầu việc thông qua điều luật tiên tiến để ngăn chặn đại dịch trong tương lai", Tô Bội Phân, người đứng đầu ACTAsia, một tổ chức bảo vệ quyền động vật quốc tế nhận định.

Chính phủ Trung Quốc đã có những quy định ngoại lệ đối với việc sử dụng lông thú và vị thuốc từ động vật hoang dã, trong đó tích cực thúc đẩy sử dụng thuốc đông y như cho phép sử dụng mật gấu đề điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng.

Những ngoại lệ này đã tạo ra lỗ hổng, có thể khuyến khích giao dịch buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tê tê là một ví dụ, một loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đã được xác định là vật chủ trung gian lây nhiễm virus corona mới. Thịt tê tê được một số người coi là vị thuốc có tác dụng tráng dương. Mặc dù Trung Quốc cấm buôn lậu tê tê nhưng vảy tê tê vẫn được cho phép sử dụng trong y học.

Cấm tiêu thụ động vật hoang dã do dịch Covid-19: Ông Tập ủng hộ, quan chức địa phương lại phản đối - Ảnh 2.

Vảy tê tê được trưng bày trong hiệu thuốc đông y ở Bắc Kinh. Ảnh: NYT

Một cửa hàng cách Quảng trường Thiên An Môn vài bước chân có trưng bày mẫu vảy tê tê, quảng cáo nó là một trong 28 thành phần của của viên nang Quy Linh Tập. Công ty sản xuất Quy Linh Tập đã quảng cáo viên nang có tác dụng điều trị các bệnh yếu sinh lý, mệt mỏi và mất trí nhớ. Các thành phần khác của viên nang bao gồm nhưng hươu, cá ngựa, chim sẻ.

Mới đây, chính phủ Trung Quốc đã nâng mức độ bảo vệ cao nhất đối với tê tê lên mức cao nhất của chủng động vật có nguy cơ tuyệt chủng nhưng không đề cập đến việc sử dụng tê tê trong y học Trung Quốc.

Khi Covid-19 xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc đã nhanh chóng có hành động chống buôn bán động vật hoang dã, ít nhất thời kỳ đầu như vậy, điều này mang lại hy vọng cho những người từ lâu đã phản đối việc khai thác tài nguyên động vật.

Ông Tập Cận Bình lên tiếng

Các trường hợp nhiễm Covid-19 sớm nhất được phát hiện có liên quan tới chợ hải sản Hoa Nam, nơi có các cửa hàng, quầy hàng cung cấp buôn bán động vật sống. Khu chợ đã đóng cửa vào ngày 1/1 ngay trước dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc sau đó đã báo cáo rằng họ phát hiện ra chủng virus corona mới từ mẫu xét nghiệm môi trường ở khu chợ này. Khi đó, các quan chức chưa liên kết được chủng virus này với bất kỳ động vật cụ thể nào, nó có khả năng bắt nguồn từ dơi, tương tự dịch SARS, sau đó nó lây sang loài động vật có vú khác và cuối cùng là ở người.

Chung Nam Sơn, một nhà khoa học nổi tiếng của Trung Quốc xác định được hai vật chủ trung gian có thể khác là: lửng và chuột tre. Hai loài này đều được tiêu thụ ở Vũ Hán.

Vào cuối tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã ra chỉ thị đóng cửa nhiều khu chợ buôn bán động vật tươi sống, ngoại trừ cá, cua và các loại hải sản khác. Một tháng sau, khi số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt, nước này tuyên bố sẽ dừng mọi hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên đất liền.

Bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi chấm dứt truyền thống ăn thịt thú rừng. "Ăn động vật hoang dã mang rủi ro rất lớn", ông nói vào tháng 2 năm nay, "nhưng quy mô lĩnh vực tiêu thụ động vật hoang dã vẫn rất phì đại và gây ra một mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn đối với an ninh y tế công cộng".

Phát biểu của ông Tập phản ánh sự phản đối ngày càng tăng của người Trung Quốc đối với thói quen xấu khi lạm dụng thưởng thức động vật hoang dã quý hiếm.

Aili Kang, Giám đốc Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Trung Quốc, cho biết kể từ khi dịch SARS bùng phát, thái độ xã hội đã thay đổi đáng kể. "Giờ đây, mọi người đang nói về nền văn minh sinh thái".

Bà Kang chỉ ra rằng Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lần đầu tiên đề cập đến vấn đề buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trong báo cáo công việc của chính phủ Trung Quốc trong kỳ hợp Lưỡng hội vừa qua.

"Tôi lạc quan về sự tiến bộ này," bà nói.

Cấm tiêu thụ động vật hoang dã do dịch Covid-19: Ông Tập ủng hộ, quan chức địa phương lại phản đối - Ảnh 3.

Nhung hươu trong một hiệu thuốc đông y Trung Quốc. Ảnh: NYT

Giới chức phản đối lệnh cấm

Các quan chức Trung Quốc và các phương tiện truyền thông chính thức nhận định biện pháp của chính phủ là một lệnh cấm vĩnh viễn. Mặc dù đây chỉ là một lệnh cấm tạm thời và giới chức vẫn đang sửa đổi các điều luật liên quan.

Báo cáo công việc chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ "trừng phạt nghiêm khắc đối với hành vi giết hại và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp", nhưng không nêu rõ các biện pháp nào sẽ được thực hiện để điều chỉnh hành vi thuộc phạm trù pháp lý hiện nay.

Ông Tập Cận Bình cũng chỉ ra một số thách thức nước này phải đối mặt để đưa cam kết của chính phủ thành hiện thực. Ông đề cập đến các vấn đề như thực thi kém luật pháp hiện hành, tiêu chuẩn y tế công cộng thấp, buôn bán động vật bất hợp pháp và buôn bán động vật hợp pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo một ước tính trong năm 2017 , giá trị sản lượng hàng năm của ngành chăn nuôi động vật hoang dã đã đạt 56 tỷ Nhân dân tệ. Đây sẽ là một nhiệm vụ khó khăn cho những người tham gia chăn nuôi động vật hoang dã để tìm công việc và thu nhập khác, đặc biệt là sau dịch bệnh.

Nghề nuôi chuột tre đã phát triển mạnh mẽ trong 20 năm qua và chính phủ khuyến khích nông dân sử dụng nó như một cách thoát nghèo. Theo ông Lưu Khắc Tuấn, một cán bộ cao cấp tại Viện Khoa học Động vật Quảng Tây, 100.000 nông dân ở Quảng Tây đã nuôi 18 triệu con chuột tre.

Mao Tổ Khâm chưa lập gia đình. Anh sống với người mẹ già yếu. Anh chia sẻ, trước khi nuôi chuột tre vào năm 2015, anh chỉ có thể kiếm được 5.000 Nhân dân tệ mỗi năm bằng cách trồng lạc và ngô. Ban đầu, anh nuôi 100 con chuột tre và sử dụng số tiền thu được để mở rộng sản xuất. 1.100 con chuột tre hiện đang được nhân giống có thể mang lại cho anh 100.000 Nhân dân tệ mỗi năm nhưng khoản thu nhập này hiện đang bị đe dọa.

"Tôi đã đầu tư rất nhiều tiền và không dám từ bỏ", anh nói. "Giờ đây, tôi cảm thấy rất bất lực".

Mọi người chưa biết làm thế nào để đối phó với hàng triệu con chuột tre bị cấm bán.

Mao Tổ Khâm tiếp tục nuôi chúng và chờ hướng dẫn của chính quyền. Nhiều nơi tại Quảng Đông, các hộ gia đình đã tiêu hủy hàng nghìn con chuột tre dưới sự giám sát của cơ quan chức năng.

Một số nơi đã công bố kế hoạch giúp nông dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhưng Quảng Tây thì chưa. Hồ Nam sẽ phân bổ số tiền bồi thường khác nhau cho các hộ nông dân nuôi chuột tre, rắn, nhím, cầy hương và hươu.

Các quan chức cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng hoặc nuôi động vật cho lông hoặc có thể được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc, điều đó có nghĩa là thịt của những con vật này vẫn có thể xâm nhập thị trường. Ví dụ, lông chuột tre có thể được sử dụng để làm bàn chải nhưng Tạ Phú Kiệt, một nông dân khác ở Quảng Tây, nói rằng nhu cầu về lông chuột tre quá thấp để thay thế việc bán thịt. Anh đang nuôi 15.000 con chuột tre.

Một số quan chức cũng không hài lòng với lệnh cấm.

Nhiễm Cảnh Thừa, quan chức phụ trách chăn nuôi động vật hoang dã ở tỉnh Quý Châu, cảnh báo rằng lệnh cấm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho nông dân. Trong một bình luận công khai, ông đã đưa ra thắc mắc về việc chính phủ đình chỉ các giao dịch trong bối cảnh nguồn gốc thực sự của dịch bệnh chưa được xác nhận.

"Có thể nhìn thấy những người nông dân bất mãn, họ lấy công cụ, tiêu hủy động vật, tháo dỡ cơ sở hạ tầng", ông nhiễm viết trên WeChat vào Chủ nhật .

Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng chính phủ có thể xem xét lại.

"Thật đáng tiếc khi nông dân không thể chờ đợi thêm nữa, nếu không, giữ một số nguồn giống, có thể một ngày nào đó sẽ có một thay đổi," ông viết.

Cấm tiêu thụ động vật hoang dã do dịch Covid-19: Ông Tập ủng hộ, quan chức địa phương lại phản đối - Ảnh 6.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại