Quốc gia tiêu thị dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc, có thể thúc đẩy nhu cầu về dầu mỏ trên toàn cầu trong nửa cuối năm 2020 khi ngày càng nhiều quốc gia dỡ bỏ các lệnh hạn chế và tái mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài đối phó với đại dịch COVID-19, Reuters trích dẫn dự đoán của một số lãnh đạo công ty trong ngành.
Những nỗ lực kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh trên toàn thế giới đã có nhiều tác động tiêu cực lên thị trường dầu mỏ, khiến giá dầu giảm đến 70% vào giữa tháng 4 và tình trạng quá tải nhiều kho chứa dầu mỏ và nhiên liệu trên toàn thế giới.
"Nhu cầu về dầu mỏ được khôi phục nhanh chóng của Trung Quốc - tính đến cuối tháng 4 là tương đương 90% so với mức nhu cầu trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát - và đang tiếp tục gia tăng là một tín hiệu rất đáng mừng đối với nền kinh tế toàn cầu", ông Jim Burkhard, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Dầu mỏ, Năng lượng và Di động của IHS Markit, cho biết.
Ông này nói thêm: "Là quốc gia đầu tiên bị dịch bệnh ảnh hưởng, nhu cầu về dầu mỏ tại Trung Quốc đã giảm hơn 40% trong tháng 2 - và tốc độ khôi phục hiện nay cho thấy chúng ta có lý do để lạc quan về triển vọng hồi phục kinh tế và nhu cầu [tiêu dùng] tại những thị trường khác như châu Âu và Bắc Mỹ".
"Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về xu hướng phục hồi nhu cầu [về dầu mỏ]. Một số quốc gia khác như Hàn Quốc, Australia và Việt Nam, nơi đã kiểm soát tốt dịch bệnh, cũng sẽ được chứng kiến nhu cầu về dầu mỏ phục hồi và gia tăng trong tương lai gần", theo nhà phân tích Sri Paravaikkarasu.