Hàng chục ngàn người tiếp tục xuống đường biểu tình trên khắp nước Mỹ vào ngày 6-6 để thể hiện sự giận dữ trước cái chết của ông George Floyd - người đàn ông da màu 44 tuổi qua đời sau khi bị một cảnh sát da trắng dùng gối ghì cổ trong gần 9 phút.
Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), các cuộc biểu tình kéo dài từ TP New York đến TP Los Angeles nhưng diễn ra mạnh mẽ nhất tại thủ đô Washington. Hàng chục ngàn người biểu tình, bao gồm người da màu, da trắng lẫn da vàng, tràn vào các tuyến đường xung quanh Nhà Trắng. Đây là đợt biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Floyd thiệt mạng.
Sự bức xúc liên quan đến cái chết của người đàn ông da màu ở TP Minneapolis, bang Minnesota đã bùng phát thành tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng nhất tại Mỹ kể từ năm 1968. Theo Reuters, ngày càng nhiều đám đông biểu tình yêu cầu ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát để dùng số tiến này cho các chương trình xã hội liên quan đến giáo dục, y tế và việc làm… "Họ cho rằng hệ thống cảnh sát không thể sửa chữa. Vì thế, họ đang tìm cách giảm bớt gánh nặng cho cảnh sát" - chuyên gia xã hội học Alex Vitale của Trường ĐH Brooklyn (Mỹ) cho biết.
Theo bà Miski Noor, thành viên Tổ chức Black Visions Collective - hoạt động vì quyền lợi của người da màu, cảnh sát không nhất thiết phải bị kêu gọi mỗi khi xung đột xảy ra. Bà Miski Noor cho biết ý tưởng này ngày càng được ủng hộ sau khi hàng loạt cải cách - bao gồm yêu cầu cảnh sát sử dụng các kỹ thuật xuống thang căng thẳng trước khi sử dụng vũ lực - thất bại trong việc ngăn bạo lực cảnh sát.
Dù vậy, theo giới ủng hộ thực thi pháp luật, việc cắt giảm quy mô lớn hoặc ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát sẽ dẫn đến tình trạng tội phạm gia tăng. "Theo tôi biết, người dân muốn được cảnh sát bảo vệ nhiều hơn, không phải ít đi" - Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot khẳng định.
Hạ nghị sĩ Mỹ Val Demings cho rằng không nhất thiết phải ngừng cấp ngân sách mới có thể giải quyết được tình trạng bạo lực cảnh sát. "Chúng ta có thể làm được cả hai" - bà Demings nhấn mạnh, song cũng lưu ý rằng các nhà lập pháp cần lắng nghe tiếng nói của những nhà hoạt động kêu gọi ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát.
Trong khi đó, Thị trưởng Portland, bang Oregon, ông Ted Wheeler, hôm 6-6 thông báo đã chỉ thị cảnh sát trưởng của thành phố này ngừng sử dụng khí cay nhằm vào người biểu tình, "trừ khi có mối đe dọa tức thì, nghiêm trọng đối với an toàn mạng sống và không còn giải pháp thay thế khả thi nào khác để giải tán đám đông". Với quyết định này, Portland đã thành thành phố mới nhất, theo sau Denver và Seattle, chuyển đổi chiến thuật khi làn sóng biểu tình đã bước sang tuần thứ 2.
Trước đó, Liên minh Tự do Dân sự Mỹ Oregon (ACLUO) đã gửi thư cho các thống đốc, quản lý thành phố và cảnh sát trưởng của bang này để kêu gọi ngừng sử dụng khí cay cũng như các thiết bị gây choáng nhằm vào đám đông biểu tình.
Không chỉ diễn ra tại các thành phố của Mỹ, làn sóng biểu tình đòi công lý sắc tộc cũng đã lan rộng sang London, Berlin, Warsaw cũng như Tokyo và Seoul… Hàng ngàn người đã xuống đường để ủng hộ những người biểu tình ôn hòa ở Mỹ, cũng như lên án vấn nạn phân biệt chủng tộc tại chính quốc gia của họ.
Những cột mốc đáng chú ý
l Ngày 25-5: Ông Floyd qua đời sau khi bị cảnh sát da trắng dùng gối ghì cổ tại TP Minneapolis.
l Ngày 26-5: Biểu tình nổ ra tại Minneapolis. Cảnh sát dùng khí cay đối phó.
l Ngày 27-5: Biểu tình bắt đầu lan rộng sang nhiều thành phố khác, trong đó có Memphis và Los Angeles.
l Ngày 28-5: Lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ được huy động.
l Ngày 31-5: Lệnh giới nghiêm được ban bố tại nhiều bang.
l Ngày 1-6: Tổng thống Donald Trump dọa sử dụng quân đội, căng thẳng gia tăng.