Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đó là trận đánh "thủy chiến" thực sự của Đại đội Tăng thiết giáp 45 trong đội hình đoàn 232 diễn ra đêm 29.4.1975 trên sông Vàm Cỏ Tây.

Xe tăng, xe thiết giáp sinh ra vốn chủ yếu dành để tác chiến trên bộ và người ta gần như mặc định coi nó là một bộ phận cấu thành của Lục quân. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu thực tế nên cũng có một số loại xe tăng, xe thiết giáp có khả năng bơi nước.

Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam - Ảnh 1.

Khả năng này chủ yếu giúp cho chúng có thể vượt các vật cản nước trên đường cơ động chứ thực ra không phải để chúng chiến đấu trên mặt nước. Và trong thực tế sử dụng xe tăng trên thế giới cũng chưa có trận thủy chiến nào của xe tăng.

Tất nhiên, với vũ khí có trong trang bị của mình, khi gặp tình huống cần thiết nó cũng có thể "thủy chiến" được. Và điều đó đã xảy ra đêm 29.4.1975.

Từ tầm nhìn chiến lược

Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang đi vào giai đoạn ác liệt nhất Bộ thống soái tốc cao đã có ý định thành lập lực lượng Tăng thiết giáp của Miền.

Tuy nhiên, do điều kiện đường sá chưa thông nên Bộ đã quyết định đưa người vào trước, lấy xe địch đánh địch đồng thời nghiên cứu chuẩn bị chiến trường cho tương lai.

Đến tháng 4 năm 1972, Tiểu đoàn Tăng thiết giáp (TTG) 20 là đơn vị TTG đầu tiên có mặt tại chiến trường Nam Bộ (B2). Tiếp đó, lực lượng TTG trên chiến trường này liên tục được bổ sung hình thành nên Đoàn Thiết giáp M26.

Xuất phát từ kết quả nghiên cứu chiến trường, nhằm đảm bảo cho TTG hoạt động được rộng khắp trên chiến trường Nam Bộ nên bên cạnh việc đưa một số lượng lớn xe tăng chủ lực lúc đó là T54, T59 vào đây thì cấp trên cũng chỉ đạo đưa vào một số loại TTG có khả năng bơi như K63-85, PT76, BTR50PK, BTR60PB... vào vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đó chính là tiền đề để thành lập các đơn vị bộ binh cơ giới ở chiến trường này.

Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam - Ảnh 2.

Xe tăng bơi của Bộ đội Giải phóng tiến vào Sài Gòn.

Ngày 12.8.1974, tiểu đoàn bộ binh cơ giới (BBCG) đầu tiên của B2 được thành lập tại khu rừng Cần Đăng thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.

Tiểu đoàn gồm 3 đại đội trang bị xe thiết giáp BTR60PB mang các phiên hiệu Đại đội BBCG 42, 43, 44 và 1 đại đội TTG hỗn hợp gồm 3 xe tăng K63-85, 3 xe thiết giáp BTR50PK trong đó có 2 xe lắp pháo cao xạ mang phiên hiệu Đại đội TTG 45.

Đồng chí Trần Minh Sơn được giao nhiệm vụ làm tiểu đoàn trưởng, đồng chí Lê Quang Khải làm chính trị viên. Tiểu đoàn được Mặt trận giao cho Sư đoàn Bộ binh 5 quản lý chỉ huy.

Ngay sau khi được thành lập, Tiểu đoàn đã khẩn trương bước vào huấn luyện - trong đó hết sức chú trọng huấn luyện hiệp đồng chiến đấu giữa kíp xe với bộ binh, huấn luyện tác chiến trong điều kiện đồng bằng ngập nước... để chuẩn bị cho nhiệm vụ sắp tới.

Sau tết Giáp Dần, Tiểu đoàn vừa cơ động, vừa chiến đấu dọc theo biên giới Việt Nam- Căm pu chia. Phối hợp với bộ binh, tiểu đoàn đã tiến công hàng loạt đồn bốt dọc biên giới như: Long Khối, Giăng Boong Boong, Thành Trị, Thái Trị, Mộc Bài, Bến Cầu, Trà Cao...

Với sự có mặt của TTG nên đánh đến đâu địch bị tiêu diệt hoặc tháo chạy đến đó. Một tuyến biên giới dài mấy chục km từ Bến Cầu, Tây Ninh đến Kiến Phong, Kiến Tường được giải phóng.

Đến đầu tháng 3 năm 1975, tiểu đoàn đứng chân ở phum Tà - Lốt sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.

Đến chiến dịch Hồ Chí Minh

Tháng 3 năm 1975, cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975 diễn ra rộng khắp trên toàn miền Nam. Sau đòn điểm huyệt Ban Mê Thuột, phía Việt Nam cộng hòa rút chạy khỏi cao nguyên và lần lượt mất cả quân khu 1, quân khu 2 buộc phải rút về cố thủ phần lãnh thổ còn lại.

Ngày 14.4.1975, Bộ Thống soái tối cao quyết định mở chiến dịch giải phóng Sài Gòn- Gia Định mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh. Lực lượng tham gia gồm 5 cánh quân sẽ tiến công Sài Gòn- Gia Định theo 5 hướng khác nhau.

Ngoài 4 cánh quân do 4 quân đoàn chủ lực đảm nhiệm, Bộ quyết định thành lập Đoàn 232 tương đương quân đoàn đảm nhiệm hướng tiến công từ phía tây nam lên, hình thành thế bao vây chặt Sài Gòn, không cho chúng tháo chạy về cố thủ tại địa bàn quân khu 4.

Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn 232 tổ chức tiến công theo 2 hướng: Hướng chủ yếu gồm phần lớn lực lượng của binh đoàn đánh qua Đức Hòa, Đức Huệ qua ngả Quang Trung, Phú Lâm vào nội đô.

Hướng thứ yếu bỏ qua Tuyên Nhơn, Mộc Hóa, tiến dọc sông Vàm Cỏ Tây đánh vào Long An, cắt đứt lộ 4 không cho địch ở Sài Gòn và Cần Thơ ứng cứu lẫn nhau. Mục tiêu chủ yếu của binh đoàn là đánh chiếm dinh Độc Lập, Biệt khu Thủ đô và Tổng nha Cảnh sát.

Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam - Ảnh 3.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ (khi còn làm Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN) thăm kho bảo quản xe tăng K63-85. Ảnh: Báo QĐND

Đối với Tiểu đoàn BBCG, các đại đội 42, 43, 44 được tham gia tiến công trên hướng chủ yếu. Riêng Đại đội TTG45 được giao nhiệm vụ cùng với Sư đoàn BB5 tiến dọc sông Vàm Cỏ Tây tiến đánh Long An và chốt chặt lộ 4 trên hướng thứ yếu của binh đoàn.

Lúc này, Đại đội TTG45 được tăng cường thêm 2 xe K63-85, nâng số đầu xe lên 10 chiếc cả xe tăng và xe thiết giáp. Đại đội trưởng là đồng chí Bùi Văn Ngự, chính trị viên là đồng chí Nguyễn Văn Ký.

Trận thủy chiến vô tiền khoáng hậu

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Ban chỉ huy đại đội đã nghiên cứu trên bản đồ và xác định đường cơ động như sau:

"Từ phum Tà Lốt cơ động thẳng tới góc biên giới Mỏ Vẹt gặp kinh Xáng, cơ động dọc kinh Xáng gặp rạch Ba Thằng Minh thì bắt đầu bơi theo rạch này ra sông Vàm Cỏ Tây tại khu vực Trà Cú. Tổng chiều dài đường cơ động khoảng 80 km; trong đó trên bộ khoảng hơn 20 km, bơi nước khoảng gần 60 km".

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là quãng đường cơ động trên bộ vì đây là một phần của Đồng Tháp Mười, hoàn toàn không có đường bộ và rất lầy lội. Để cơ động xe tăng, xe thiết giáp sẽ phải cắt đường mà đi theo bản đồ mà thôi và nguy cơ sa lầy là hiện hữu.

Xuất phát từ đánh giá tình hình như vậy, công tác chuẩn bị được tiến hành hết sức khẩn trương. Ngoài các dụng cụ có sẵn trên xe và 10 ngày lương thực thực phẩm, mỗi xe phải chuẩn bị 2 cây gỗ tự cứu và 2- 3 can nước ngọt dự trữ.

Chiều ngày 26.4.1975, Đại đội TTG 45 nhận lệnh xuất phát.

Mặc dù đã lường trước những khó khăn khi phải đưa TTG vượt đồng đất Đồng Tháp Mười song không ai có thể ngờ rằng phải mất trọn 3 ngày đêm vật lộn với bùn lầy, với muỗi đỉa, trải qua hàng trăm lần tự cứu, cứu kéo nhau... Đại đội TTG 45 mới vượt được quãng đường 20 km từ phum Tà Lốt tới rạch Ba Thằng Minh.

Từ đây, đại đội cho xe xuống rạch để kiểm tra độ kín và bắt đầu bơi. Tối ngày 29.4, Đại đội TTG45 đến Trà Cú và nhập vào dòng Vàm Cỏ Tây bơi xuôi về phía Long An theo kế hoạch.

Vì đã là ngày 19 âm lịch nên trăng lên muộn, dòng sông mênh mang, mờ mờ ảo ảo song ghe thuyền vẫn ngược xuôi tấp nập. Nhân dân qua lại nhìn xe tăng bơi trên sông đều tỏ ra ngạc nhiên, nhiều chiếc ghe chạy sát lại gần xem xe tăng và chào bộ đội.

Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam - Ảnh 4.

Xe tăng bơi K63-85 lăn bánh qua cổng Dinh Độc Lập trong ngày chiến thắng 30/4.

Trong dòng tàu thuyền đó xuất hiện một đoàn khá nhiều chiếc ca nô to, cao, hình thù giống nhau, chiếc nào cũng phủ bạt kín mít, tắt đèn tối om chạy xuống phía hạ lưu. Nhân dân ghé vào bảo: "Các chú ơi, địch đấy, sao không bắn!".

Lúc này, các chiến sĩ xe tăng mới ngớ ra hỏi lại: "Địch đâu?" thì bà con trả lời: "Những chiếc tàu to phủ bạt, không đèn là địch". Thật là may mắn, nếu không có tai mắt nhân dân thì không biết điều gì sẽ xảy ra.

Sau khi hội ý nhanh, Ban chỉ huy lệnh cho những xe đi đầu phát tín hiệu cho các ca nô dừng lại. Tuy nhiên, bọn địch tỏ ra như không biết và tăng tốc chạy xuôi. Xe tăng nổ súng bắn chỉ thiên, chúng càng chạy nhanh.

Không thể để chúng chạy thoát, những xe đi đầu được lệnh dùng 12,7 bắn tàu địch. Lúc này, địch cũng dùng đại liên và M79 bắn trả quân ta. Những làn đạn sáng rực đan chéo nhau làm mặt nước sông cũng sôi lên sùng sục.

Trước sự ngoan cố của địch, chỉ huy đơn vị quyết định dùng pháo phòng không 23mm và 14,5mm diệt chiếc đi đầu. Từng loạt đạn đỏ lừ găm vào tàu địch. Chiếc tàu đi đầu trúng đạn từ từ chìm xuống lòng sông. Đội hình địch rối loạn, trở nên hết sức lộn xộn.

Lúc này, lực lượng địa phương của ta cũng dùng ghe ập tới phối hợp cùng đánh địch. Trước sức mạnh áp đảo của ta quân địch buộc phải đầu hàng.

Khi bọn địch còn lại phát tín hiệu đầu hàng, quân ta hướng dẫn cho số ca nô còn lại ghé vào mạn phải sông Vàm Cỏ Tây thuộc địa bàn ấp Tân Đông và ra lệnh tất cả binh lính địch lên bờ.

Chúng khai nhận đây là 2 giang đoàn thủy quân đóng tại Tuyên Nhơn, lợi dụng trời tối định chuồn ra biển. Chúng thật sự bất ngờ khi gặp đoàn xe tăng của ta đang bơi trên sông nên định trà trộn với ghe thuyền của dân để tẩu thoát nhưng không thành.

Trận thủy chiến có một không hai của Bộ đội Tăng Thiết Giáp Việt Nam - Ảnh 5.

Xe tăng K63-85 (bên trái) trên đường phố Sài Gòn, ngày 30/4/1975.

Kết quả trận đánh: toàn bộ địch trên chiếc tàu bị bắn chìm đã bị tiêu diệt, trong đó có một tên thiếu tá. Ta bắt sống 170 tên địch, cũng có một tên thiếu tá; thu toàn bộ 19 ca nô chiến đấu với đày đủ trang bị, vũ khí trên đó. Bên ta hy sinh một chiến sĩ.

Sau khi bàn giao chiến lợi phẩm và tù binh cho địa phương, Đại đội TTG45 lại xuống sông tiếp tục hành quân. Gần trưa 30.4.1975, Đại đội TTG45 đổ bộ lên phía trái chân cầu Long An và ngay lập tức thành lập chốt chặn tại đây để khóa chặt lộ 4 theo nhiệm vụ được giao.

Trận thủy chiến có một không hai của Đại đội TTG45 đã đi vào lịch sử bộ đội Tăng thiết giáp như một mốc son chói lọi và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá cho các thế hệ sau này - đặc biệt, trong điều kiện ngày nay- khi tác chiến bảo vệ biển đảo đang trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại