Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết?

Gabe |

Trong thần thoại Bắc Âu, Ragnarok được miêu tả là trận chiến cuối cùng của các vị thần cổ đại như Odin, Thor, Heimdall...

Theo như thần thoại Bắc Âu, tương lai của thế giới lúc bấy giờ khả mờ mịt khi các thế lực đen tối sẽ dần trỗi dậy và phá tan sự yên bình, gieo rắc đau thương.

Và đỉnh điểm, khi Loki cùng các con của hắn thoát khỏi xiềng xích, người chết bỗng trở lại tấn công người sống, cuộc chiến giữa hai phe thiện ác sẽ diễn ra, đó cũng là lúc sự hỗn độn bắt đầu công kích nền trật tự bấy lâu.

Và người ta gọi đó là Ragnarok!

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 1.

Cuộc chiến định mệnh Ragnarok. Hình minh họa.

Nói rằng tương lai mờ mịt là bởi, trong trận chiến cuối cùng Ragnarok, định mệnh của các vị thần là phải thất bại, dù cho họ cố tình trì hoãn thời điểm xảy ra hay cố gắng chiêu mộ thêm tinh anh từ phàm trần thì chiến quả đó vẫn không thay đổi. Nó được coi là tận thế khi bóng tối dần trở lại bao trùm khắp nơi.

Điều đáng nói, cuộc chiến tận thế Ragnarok đã được tiên tri từ rất sớm, dự đoán rằng sự kiện này sẽ bắt đầu bằng 1 chuỗi các dấu hiệu đặc biệt, đầu tiên là sự ra đời của các con Loki, sau đó là cái chết của Balder - vị thần của sự lương thiện và quang minh. Và nổi tiếng hơn là sự kiện Fimbulvetr khi 3 mùa đông dài, khắc nghiệt diễn ra liên tiếp nhau.

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 2.

Nữ thần Hel - Kẻ trị vì vùng đất của người đã chết.

Để trì hoãn sự kiện tận thế này, ngay khi 3 người con của Loki ra đời, chúng đã bị gửi tới 3 nơi khác nhau: Hel được đưa xuống thế giới của người chết, rắn khổng lồ Jormundgan bị ném xuống biển còn con sói dữ Fenrir thì bị giam và trói bằng sợi xích thần Gleipnir.

Cả 3 đều là mối nguy hại cực lớn đối với các vị thần. Điển hình như Fenrir đáng sợ đến nỗi không có bất cứ một ai dám nhận trách nhiệm "trông coi" hắn ngoại trừ vị thần dũng cảm Tyr.

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 3.

Con sói Fenrir hung dữ với sức mạnh vô song. Ảnh: Bleeding Cool.

Ngoài ra, Odin và các vị thần còn ra sức chiêu mộ hiền tài, tinh anh từ trần gian ở Midgard và Vahalla để chuẩn bị cho cuộc chiến kinh thiên động địa trước mắt. Dù làm hết sức để có thể chống lại định mệnh nhưng chính bản thân họ cũng biết rằng điều đó dường như vô nghĩa.

Khi Ragnarok diễn ra, họ sẽ phải chết! Tuy nhiên, các vị thần vẫn chung sức đứng bên nhau để chống lại bóng tối!

Ragnarok - Cuộc chiến tận thế cuối cùng

Thời gian trôi đi, cả 2 phe thiện ác đều có những chuẩn bị của riêng mình cho trận chiến Ragnarok và không có thứ gì có thể giam cầm các con của Loki mãi mãi. Bằng các cách khác nhau, chúng vẫn trở về tập hợp bên cạnh Loki.

Heimdall, vị thần gác cửa của Asgard sẽ dấy lên một hồi tù và để cảnh báo toàn cõi thần và lúc này cuộc chiến chính thức diễn ra.

Loki đưa quân của mình cùng những tên khổng lồ băng giá và cả quỷ lửa Surtur tiến đến tấn công các vị thần.

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 4.

Mãng xà khổng lồ Jormundgan đủ dài để quấn trọn 1 vòng quanh Trái Đất.

Khi chúng đặt chân đến được vùng đất Asgard, Surtur thiêu cháy cây cầu thần thánh Bifost bằng thanh kiếm khổng lồ Twilight, được rèn từ một chất liệu bí ẩn giúp cho nó có phép thuật và khả năng vận dụng một lượng lớn năng lượng huyền bí, điển hình là khả năng ức chế sức mạnh của Odin.

Tường thành và khắp các công trình khác rung chuyển, bị cháy rực lên bởi ảnh hưởng từ thanh kiếm trên. Trong khi đó, con rắn khổng lồ (đủ lớn để cuốn trọn 1 vòng quanh Trái Đất) trỗi dậy từ biển cả, xé toạc không gian và nhấn chìm khắp chốn Vigrid.

Anh em của nó, con sói khổng lồ Fenrir thì không cần suy tính quá nhiều, hắn chỉ cần dùng chính sức mạnh bẩm sinh vô địch phá nát những gì ngáng trở trên đường đi mà thôi.

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 5.

Ông nội Odin đối đầu sói khổng lồ Fenrir. Ảnh: Miguel Coimbra.

Ở chiến tuyến còn lại, Odin và Thor được coi là những chiến binh mạnh mẽ nhất, đã hạ gục hàng trăm, hàng ngàn kẻ địch nhưng cũng khó thay đổi được định mệnh.

Sau khi Fenrir đụng độ với Odin - ông nội của hắn (bởi nhận Loki làm con nuôi), một cuộc chiến kinh thiên động địa diễn ra. Tuy nhiên, kinh nghiệm chinh chiến cũng như thanh kiếm thần cũng không giúp Odin chiến thắng và bị con sói Fenrir nuốt chửng mất.

Ở một trận đấu tay đôi khác, Thor hạ gục được mãnh xà Jormundgan nhưng những vết thương quá nặng và nọc độc chết người của ả cũng giết chết vị thần hùng mạnh này.

Trận chiến Ragnarok tàn khốc: Vì sao cả Odin, Thor hay Loki đều phải chết? - Ảnh 6.

Thần Thor dũng mãnh quyết chiến mãng xà Jormundgan.

Chiến trường giờ đây đã gần đi đến thời điểm cuối, ngay cả Tyr - thần dũng cảm cũng gục ngã trước kẻ thù, may mắn là chàng vẫn kịp kéo theo thần chết Hel "đi cùng". Kẻ cầm đầu phản diện, ác thần Loki cũng cùng chết khi đối đầu với thần giữ cửa Heimdall.

Sau cuối, con quỷ lửa Surtur tung đòn chí mạng, đốt cháy cả thế giới, khắp mặt đất bị nhấn chìm trong biển lửa. Tất cả các sự kiện xảy ra đều trùng khớp với lời tiên tri cổ xưa.

Tuy nhiên, sự lụi tàn lại đánh dấu những khởi đầu mới - sự hồi sinh của thế giới

Sau cuộc chiến tận thế Ragnarok, mặt đất bị thiêu rụi, vạn vật bốc cháy nhưng điều đó vẫn không phải sự tàn diệt mà là sự hồi sinh của một thế hệ mới. Chủng loài mới, thế giới mới sẽ trỗi dậy từ lòng đại dương và những vị thần may mắn sống sót sẽ cùng nhau bắt đầu một kỷ nguyên hoàn toàn mới.

Thực chất, nhìn rộng hơn, có thể thấy, sự kiện tận thế Ragnarok chính là thể hiện tính chu kỳ, tuần hoàn trong quan điểm của người Bắc Âu. Với họ, có sinh, có diệt, rồi từ đống tro tàn, vạn vật lại tái sinh chứ không có gì là mãi mãi. Nói cách khác, sự sống - cái chết suy cho cùng là một vòng tròn bất tận của cuộc đời.

Tham khảo nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại