"Cối xay thịt" Bakhmut
Theo trang Business Insider, trận chiến kinh hoàng nhất của Ukraine – tại thành phố Bakhmut – trông giống như một thứ gì đó từ thời đại khác, đặc biệt là từ Thế chiến thứ nhất.
Bùn đất, binh lính co ro trong chiến hào dưới hỏa lực pháo binh liên tục - khác xa với hầu hết các cuộc xung đột hiện đại.
Trớ trêu thay, chính công nghệ hiện đại lại là lời giải thích về lý do cuộc giao tranh lại diễn ra như vậy - một cựu quân nhân Mỹ tham chiến ở Ukraine cho biết.
Quân nhân có biệt danh Jackie là một trong khoảng 45 người mà Business Insider trò chuyện để biết thêm chi tiết về trận chiến kinh hoàng đó.
Giao tranh tại Bakhmut bao gồm giao tranh đô thị ác liệt trên đường phố và các tòa nhà, cũng như giao tranh cận chiến trong chiến hào, cánh đồng và rừng cây. Nó được một số người mô tả là "cối xay thịt".
Trong Thế chiến thứ nhất, những khu vực có ít tầm quan trọng chiến lược vẫn trở thành bãi chiến trường chỉ vì hai đội quân gặp nhau ở đó và không chịu nhường bước. Và tại Bakhmut cũng vậy.
Một tài xế xe cứu thương ở Ukraine trò chuyện với France24 (Pháp), cho biết trận Bakhmut diễn ra giống hệt trận Verdun vào năm 1916 - trận chiến dài nhất trong Thế chiến thứ nhất.
Một phần nguyên nhân là do máy bay không người lái
Jackie nói với Business Insider rằng, thật kỳ lạ khi chiến đấu trong một trận chiến hiện đại nhưng lại giống như những trận chiến đã kết thúc cách đây 107 năm, và cho rằng một phần nguyên nhân là do máy bay không người lái.
"Lý do khiến nó trông giống như Thế chiến thứ nhất – đây là một sự thừa nhận khó khăn đối với một người lính trinh sát – nhưng [đó là] máy bay không người lái", anh nói. Cả hai bên tham chiến đều có thể thấy chính xác những gì đối phương đang thực hiện - buộc họ phải áp dụng các chiến thuật phòng thủ cũng là điển hình của Thế chiến thứ nhất.
Jackie nói thêm: "Sự tàn phá mà chúng ta đang chứng kiến, chiến tranh chiến hào và những thứ tương tự như vậy, một phần được tạo ra bởi thực tế là nơi này bị máy bay không người lái thống trị."
Jackie cho biết, việc sống sót tại Bakhmut có nghĩa là phải chạy nhanh qua các tòa nhà và cố gắng không bị phát hiện.
Anh nói, có máy bay không người lái có nghĩa là "không có nơi nào an toàn trong khắp thành phố". Việc ở ngoài trời bất kỳ thời gian nào sẽ dẫn đến cái chết nhanh chóng do pháo binh, xe tăng hoặc tay súng bắn tỉa. Điều này khiến cho Bakhmut trông giống như một "thị trấn ma", mặc dù có rất nhiều binh lính, bởi vì mọi người đều ẩn náu trong các tòa nhà, tầng hầm hoặc bất cứ nơi trú ẩn nào họ có thể tìm thấy.
James Patton Rogers - chuyên gia về chiến tranh bằng máy bay không người lái tại Đại học Cornell (Mỹ) - nói với Business Insider rằng, máy bay không người lái có thể có tác động rất lớn đến cách một trận chiến được định hình.
Ông nói, máy bay không người lái buộc mọi người phải chui vào các công trình phòng thủ như chiến hào và khiến họ phải đề phòng thêm về cách thiết lập chiến hào.
Patton Rogers nói thêm: "Tính chất của trận chiến chắc chắn sẽ thay đổi khi bạn có những mối đe dọa luôn hiện diện khắp nơi trên bầu trời phía trên chiến trường."
Máy bay không người lái cũng góp phần làm tăng số người chết, có nghĩa là binh lính "thường xuyên ở trong tình trạng nguy cấp. Bạn không bao giờ biết liệu những chiếc máy bay không người lái phía trên có phải là những chiếc đã nhìn thấy bạn hay không", ông nói.
Patton Rogers cho biết, các thiết bị tiên tiến như xe tăng, pháo binh và xe bọc thép cũng dễ bị máy bay không người lái tấn công.
"Nó [máy bay không người lái] làm giảm hiệu quả quân sự của bạn một cách hiệu quả theo nhiều cách. Điều đó có nghĩa là bạn khó có thể cơ động và di chuyển trên chiến trường hơn", ông nói.
Theo Business Insider, trong khi binh sĩ Ukraine bị buộc phải rút khỏi Bakhmut vào tháng 5, giao tranh quanh thành phố vẫn đang tiếp diễn; lực lượng Ukraine đang tiến về phía trước trên các cánh đồng và khu rừng ở ngoại ô. Và giao tranh giữa máy bay không người lái và chiến hào vẫn tiếp tục ở đó.
Đồng minh lâu năm của Moscow "lạnh nhạt" với Nga, mua vũ khí Pháp và Ấn Độ, kết thân với phương Tây