Đồng minh lâu năm của Moscow "lạnh nhạt" với Nga, mua vũ khí Pháp và Ấn Độ, kết thân với phương Tây

Hữu Hiển |

Trong những tuần gần đây, Armenia đã đặt hàng các hệ thống phòng không và radar từ Pháp, cũng như có thông tin là nước này cũng đặt hàng các hệ thống chống máy bay không người lái từ Ấn Độ.

Armenia tìm mua vũ khí của các nước khác ngoài Nga

Theo Business Insider, thông tin về những đơn hàng này xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Armenia với nước láng giềng Azerbaijan, bao gồm cả một cuộc đụng độ ngắn vào tháng 9/2023 kết thúc bằng việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát vùng đất Nagorno-Karabakh, khiến 120.000 người Armenia phải di cư.

Những đơn hàng vũ khí này đáng chú ý không chỉ về thời gian xuất hiện, mà còn bởi vì chúng cho thấy Armenia đang thực hiện các động thái rõ ràng để giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị quân sự từ Nga - một đồng minh lâu năm đã hỗ trợ Armenia chống lại áp lực từ Azerbaijan.

Trong cuộc họp báo công bố đơn hàng vào tháng 10, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết, phòng không là "hoàn toàn quan trọng" và Pháp đã hỗ trợ Armenia với việc bán 3 radar Thales GM 200 và một thỏa thuận về cung cấp tên lửa phòng không tầm ngắn Mistral trong tương lai.

Đồng minh lâu năm của Moscow "lạnh nhạt" với Nga, mua vũ khí Pháp và Ấn Độ, kết thân với phương Tây- Ảnh 1.

Lực lượng Azerbaijan phá hủy hệ thống phòng không của Armenia ở Nagorno-Karabakh vào tháng 9/2020. Ảnh: AP

"Sự lựa chọn của Armenia để đặt hàng các hệ thống phòng không từ Pháp là một động thái quan trọng. Nó không chỉ nhấn mạnh với Nga rằng Armenia có các lựa chọn khi hợp tác quốc phòng, mà còn đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực của Armenia để hiện đại hóa quân đội của mình", James Rogers - một chuyên gia về máy bay không người lái và chiến tranh chính xác - nói với Business Insider.

Theo Business Insider, các thông tin vào đầu tháng 11 cho thấy Armenia cũng đang mua thêm vũ khí từ Ấn Độ, bao gồm cả hệ thống chống máy bay không người lái Zen. Armenia trước đây đã mua 4 bệ phóng tên lửa đa nòng Pinaka do Ấn Độ sản xuất vào năm 2022, là đơn hàng đầu tiên đặt mua hệ thống đó từ nước ngoài.

Nicholas Heras - giám đốc cấp cao về chiến lược và đổi mới của tổ chức tư vấn New Lines Institute có trụ sở tại Washington, DC - nói với Business Insider rằng, Armenia đang thúc đẩy các chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của mình trên hai con đường.

"Một con đường là xây dựng các liên minh phòng thủ với các đối tác nước ngoài mạnh mẽ hơn ở cả châu Âu và châu Á; và con đường thứ hai là nâng cao năng lực của quân đội Armenia để bảo vệ đất nước trong các cuộc giao tranh chiến thuật", Heras nói.

"Ấn Độ là một đối tác quốc phòng được đánh giá cao đối với Armenia vì Ấn Độ có một ngành công nghiệp quốc phòng lớn mạnh cũng có thể trang bị và cải thiện các nền tảng vũ khí của Nga mà Armenia đang triển khai", Heras nói thêm.

Đồng minh lâu năm của Moscow "lạnh nhạt" với Nga, mua vũ khí Pháp và Ấn Độ, kết thân với phương Tây- Ảnh 2.

Vũ khí thu được từ lực lượng Armenia trong cuộc chiến ở Karabakh được trưng bày tại một công viên ở Baku, Azerbaijan, vào tháng 9/2023. Ảnh: Getty

Theo Business Insider, kho vũ khí của Armenia từ lâu chủ yếu là hàng của Nga, nhưng nước này đã cố gắng thay đổi điều đó khi mối quan hệ với Moscow trở nên xấu đi, đặc biệt là sau thất bại của Armenia trong cuộc chiến với Azerbaijan năm 2020, khi đó Azerbaijan đã sử dụng vũ khí do Israel và Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.

Armenia tiến gần hơn đến Mỹ và phương Tây

Cũng theo Business Insider, Nga đã thất bại trong việc hỗ trợ Armenia bất chấp tư cách thành viên của nước này trong Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu. Ngoài việc vướng vào cuộc chiến ở Ukraine, Nga còn để Armenia tiến gần hơn đến Mỹ và phương Tây dưới thời Thủ tướng Nikol Pashinyan - người từ lâu đã đặt câu hỏi về giá trị của thành viên CSTO.

"Quan hệ đối tác của Armenia với Nga đang ở mức thấp và ông Pashinyan đang tiến lên, chậm nhưng chắc, để đưa Armenia đến gần NATO hơn, bao gồm cả triển vọng bình thường hóa quan hệ của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ", Heras nói.

Heras nói thêm rằng trong hai năm qua, Mỹ đã gửi đi "một tín hiệu mạnh mẽ" rằng họ "muốn thử triển vọng cho mối quan hệ an ninh chiến lược hơn của Mỹ với Armenia".

Theo Business Insider, Mỹ và Armenia dường như thể hiện sự quan tâm lẫn nhau đối với các mối quan hệ phòng thủ chặt chẽ hơn khi cùng tham gia một cuộc tập trận song phương mang tên "Đối tác Đại bàng", tập trung vào đào tạo cho các hoạt động gìn giữ hòa bình vào tháng 9 tại Armenia.

Đồng minh lâu năm của Moscow "lạnh nhạt" với Nga, mua vũ khí Pháp và Ấn Độ, kết thân với phương Tây- Ảnh 3.

85 quân nhân Mỹ và 175 quân nhân Armenia đã tham gia cuộc tập trận huấn luyện gìn giữ hòa bình mang tên "Đối tác Đại bàng" tại một khu vực huấn luyện ở Armenia vào tháng 9/2023. Ảnh: US Army

Thủ tướng Armenia Pashinyan cũng không tham dự hội nghị thượng đỉnh của CSTO vào giữa tháng 11, một động thái bị Nga cáo buộc là có sự dàn xếp của phương Tây.

Armenia dưới thời Thủ tướng Pashinyan đã cố gắng tránh xa Nga "bằng cách xây dựng một mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược", chuyên gia Heras nói. "Về cơ bản, ông Pashinyan không muốn phụ thuộc vào Nga để đảm bảo tính toàn vẹn và an ninh lãnh thổ của Armenia, và nỗ lực của ông ấy nhằm xây dựng mối quan hệ với Mỹ nhằm hướng tới mục tiêu này."

Israel và Mỹ phát hiện 'danh mục đầu tư bí mật' 500 triệu USD của Hamas từ năm 2018, tại sao không hành động?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại