Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng "trọng binh"

Hải Võ |

Nhiều hãng thông tấn và học giả quốc tế tin rằng Trung Quốc cảm thấy hài lòng với việc tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống thứ 45 của Mỹ.

Bất chấp đại bộ phận giới tinh anh Mỹ không tin tưởng Donald Trump đủ năng lực đảm nhiệm vai trò Tổng tư lệnh, vị Tổng thống đắc cử từng phát ngôn ngông cuồng về việc sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn trở thành "ông chủ" của kho vũ khí lớn nhất thế giới.

Trong khi nhiều phân tích từ truyền thông và giới quan sát quốc tế nhận định Donald Trump thắng cử là mong muốn của Bắc Kinh, tạp chí Mỹ Foreign Policy thậm chí giật tít "Trung Quốc vừa thắng bầu cử Mỹ", dư luận Trung Quốc dường như không lạc quan như vậy.

Các phân tích cho rằng Trump sẽ áp đặt chính sách kinh tế hết sức cứng rắn với Bắc Kinh và "buông lỏng" chính sách an ninh, cho phép quyền chủ động trong thế đối đầu quân sự, đặc biệt ở châu Á-Thái Bình Dương, lọt vào tay Trung Quốc.

Tuy nhiên, học giả Cố Thiện Văn từ Trung tâm nghiên cứu Chiến lược & Phát triển Giang Tô (Trung Quốc cho rằng còn quá sớm để Bắc Kinh "vui mừng".

Ngược lại, ông tin rằng sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rất có khả năng nhanh chóng tìm cách "tháo xích" cho ngân sách quốc phòng, vốn bị kìm hãm mạnh từ năm 2013 bởi cơ chế cắt giảm chi tiêu mạnh của chính quyền Tổng thống Obama.

Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng trọng binh - Ảnh 1.

Trump được kỳ vọng sẽ "đưa quân đội Mỹ vĩ đại trở lại" (Ảnh: UPI)

Quân đội Mỹ sẽ "tha hồ" phát triển và mua sắm dưới thời Trump

Trong quãng thời gian "thắt lưng buộc bụng" có thể có thể duy trì khoảng 10 năm, dự toán ngân sách quốc phòng của quân đội Mỹ sẽ bị "cắt giảm tự động" 450 tỉ USD.

Dưới thời Obama, cựu Chủ tịch Ủy ban quân lực Thượng viện John McCain đã cố gắng phối hợp với Lầu Năm Góc để tháo gỡ bài toán quân phí, nhưng không thành công.

Tuy nhiên, việc Nhà Trắng có một Tổng thống Cộng hòa, và đảng này duy trì được đa số ở lưỡng viện Quốc hội Mỹ, đã triệt để thay đổi cục diện bế tắc do đối đầu giữa Chính phủ và Quốc hội. Lầu Năm Góc và cả ngành công nghiệp quân sự Mỹ đang chờ đợi từng ngày đến 20/1/2017, khi Trump nhậm chức.

Theo Cố Thiện Văn, bất chấp mâu thuẫn trong giai đoạn tranh cử giữa Trump và các thành viên đảng Cộng hòa, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ dốc toàn lực để thúc đẩy giải trừ chính sách cắt giảm ngân sách quốc phòng trong 2 năm đầu nhiệm kỳ của Trump, trước khi Mỹ bước vào cuộc bầu cử giữa kỳ (2018) đầy bất định.

Ông Cố đánh giá, Trung Quốc sẽ là nước chịu ảnh hưởng lớn một khi Trump dỡ bỏ hạn chế về ngân sách quốc phòng.

Quân đội Mỹ chắc chắn sẽ tái khởi động các dự án nghiên cứu và kế hoạch mua sắm vũ khí bị gián đoạn hoặc cắt giảm, như mua thêm chiến đấu cơ F-35C, máy bay trinh sát P-8A, trực thăng không người lái MQ-8C hay tên lửa hành trình Tomahawk...

Các công ty chủ chốt như Boeing hay Lockheed Martin sẽ được rót kinh phí để nghiên cứu chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 của Mỹ. Các vũ khí và hệ thống này đều tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Phát biểu trước người ủng hộ tại bang Pennsylvania hôm 21/10, ông Trump tuyên bố sẽ phê chuẩn đóng mới để nâng số lượng chiến hạm của Hải quân Mỹ từ 274 lên 350 chiếc, như một phần kế hoạch của ông trong một 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Trump nói kế hoạch của ông sẽ là "nỗ lực nhằm tái thiết quân đội lớn nhất kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan" và tạo thêm công ăn việc làm, bởi ông tin rằng quân đội Mỹ đang ở quy mô nhỏ nhất từ sau Thế chiến I.

Trái với dự đoán của thế giới, TQ đang rất sợ bị Trump bao vây bằng trọng binh - Ảnh 2.

Quân đội Mỹ sẽ được tăng ngân sách quốc phòng để nghiên cứu và mua sắm vũ khí dưới thời Trump (Ảnh minh họa: Huanqiu)

Không có chuyện ngừng "xoay trục châu Á"

Với tuyên bố rất rõ ràng của Trump về việc xây dựng một quân đội hùng mạnh, được tăng cường trang thiết bị và khí tài hiện đại, khả năng Mỹ trở nên "lành" hơn trong các hoạt động đối đầu Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và biển Đông là không thể xảy ra.

Cố Thiện Văn bình luận, chiến lược "xoay trục châu Á" không chỉ là chủ trương của bà Hillary Clinton và giới tinh anh thiểu số, mà còn là nhận thức chung của Lầu Năm Góc và hàng loạt nhà hoạch định chính sách đối ngoại cấp cao.

Chiến lược này khó có thể thay đổi ngay cả khi đó là ý chí của Tổng thống Trump, chưa kể quân đội Mỹ duy trì khả năng quyết sách tương đối độc lập với Nhà Trắng. Xét đến lợi ích trực tiếp của lực lượng, gần như không có khả năng quân đội Mỹ "lơ là" với Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Học giả này cũng nghi ngờ khả năng Trump lạnh nhạt với các đồng minh hoặc cho phép Nhật Bản, Hàn Quốc tự do phát triển vũ khí hạt nhân.

Mục đích của Trump chỉ là mở đường cho các cuộc đàm phán với đồng minh và những nước Mỹ có đóng quân, trong đó Washington đem tiền đề "ổn định quan hệ đồng minh" để yêu cầu đối tác chia sẻ gánh nặng chi phí. Nếu thành công, Trump thậm chí có thể kiềm chế Bắc Kinh một cách hữu hiệu hơn.

Ông Cố cảnh báo chính phủ Trung Quốc "không được phép có bất kỳ ảo tưởng không thực tế nào về Mỹ và đồng minh trong lĩnh vực an ninh quốc gia".

Ông này kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng thường niên nhằm đưa dự toán ngân sách trở về mức 2 con số trong thời gian ngắn nhất, bởi "mối đe dọa bên ngoài không hề giảm bớt".

"Tăng cường sức mạnh mới là biện pháp đáng tin cậy nhất để ứng xử với chính quyền 'không đáng tin' của Donald Trump," Cố Thiện Văn viết trong bài phân tích đăng trên Thời báo Hoàn Cầu ngày 11/11.

Ở một bài báo khác vào sáng nay, tờ Hoàn Cầu cũng cảnh báo Bắc Kinh về việc chính quyền Trump "ra đòn" nhằm vào Trung Quốc. Trang quân sự Sina thì nói rằng 80 chiến hạm mới dưới thời Trump sẽ "nhằm vào Trung Quốc" ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại