Clinton thua đau có lẽ chỉ vì Trump xuất hiện đúng lúc nước Mỹ cần 1 người như thế

Ngọc Việt |

Sau hơn 19 tháng diễn ra cuộc đua tranh, chủ nhân chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã được xác định, đó là ứng viên đảng Cộng hoà, tỷ phú bất động sản Donald Trump.

Sau một thời gian dài chứng kiến các ứng cử viên thể hiện khả năng quản lý và điều hành đất nước, nhân dân Mỹ đã tìm ra người để gửi niềm tin và trao quyền lực.

Với những gì diễn ra cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000 chỉ lặp lại kết quả chứ không lặp lại sự kịch tính như dư luận và giới phân tích đã mường tượng. Ứng cử viên Hillary Clinton đã bị đánh bại dễ dàng hơn rất nhiều so với ứng viên Al Gore trong cuộc bầu cử năm 2000.

Có lẽ điều này gây một chút bất ngờ, song không ngạc nhiên cho giới quan sát.

Ông Donald Trump khi đăng ký ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được xem là ứng cử viên có cơ hội giành chiến thắng cuối cùng nằm ở xác suất thấp nhất, song nay ông đã làm nên kỳ tích với chiến thắng thuyết phục không thể phủ nhận.

Trump chứng minh được rằng một người lọc lõi trên thương trường khi bước vào chính trường cũng lọc lõi không kém.

Trump hoạt động trên chính trường như trên thương trường

Tỷ phú Trump đã khiến cho tất cả giới phân tích, bình luận đều bị việt vị với sách lược tranh cử của mình.

Vốn bị cho là không có chiến lược tranh cử ngay từ khi đăng ký tham gia cuộc đua, song ông Trump đã hoàn thiện chiến lược mảnh ghép qua mỗi chặng đua. Đến giai đoạn nước rút, chiến lược tranh cử của ứng viên Cộng hòa đã thành hình với đủ các góc cạnh.

Trump đã thành công trong việc vận dụng các nguyên tắc kinh doanh vào hoạt động chính trị.

Nguyên tắc linh hoạt và tính hiệu quả được ông Trump và đội ngũ cố vấn chính trị vận dụng xuất sắc trong việc hiệu chỉnh qua mỗi lần ông phát biểu, qua mỗi sự kiện hay qua từng cuộc thăm dò có kết quả ngoài dự đoán.

Clinton thua đau có lẽ chỉ vì Trump xuất hiện đúng lúc nước Mỹ cần 1 người như thế - Ảnh 1.

Ông Trump đã quá thành công trong việc biến cuộc đua tranh ở giai đoạn bầu cử sơ bộ thành một phi vụ trong hoạt động kinh tế, chứ không phải như một điệp vụ trong hoạt động chính trị. Nghĩa là với ông Trump không chấp nhận "được ăn cả ngã về không", không chịu "mất cả chì lẫn chài" nếu bị rơi rụng trên đường đua.

Cuộc đua càng dài thì lợi ích của Trump trong phi vụ "kinh tế hóa chính trị" càng lớn. Điều đó khiến vị tỷ phú cứ ăn nói bạt mạng, điều gì khiến ông thấy có lợi cho phi vụ của mình là ông lên tiếng.

Trong kinh doanh, để thành công thì đầu tiên phải làm cho khách hàng biết mình, biết đến sản phẩm của mình và Trump đã làm được điều ấy trong phi vụ "kinh tế hóa chính trị" này.

Nguyên tắc gây ấn tượng là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc xây dựng hình ảnh với khách hàng.

Trong thời đại của kỹ thuật số, của thế giới phẳng, của mạng xã hội thì việc tạo scandal là cách gây ấn tượng mạnh nhất. Trump đã vận dụng xuất sắc nguyên tắc ấy trong đường đua.

Trump nói điều công chúng quan tâm, điều gây thất vọng hay làm công chúng bực mình… nói chung là ông nói tất cả những gì có thể gây sốc.

Khi những scandal trong việc thể hiện quan điểm bị phản ứng trái chiều từ công chúng hay bị nhận diện không tốt cho giá trị Mỹ, thì đội ngũ cố vấn của ông sẽ ghi nhận và điều chỉnh quan điểm cho ông.

Chính điều đó giúp Trump dần có thiện cảm hơn với người Mỹ khi biết lắng nghe và sửa đổi phù hợp. Thế là ông hiểu được người Mỹ cần gì ở ông.

Trump khiến không một đối thủ nào của đảng Cộng hòa theo ông tới 2/3 quãng đường trong giai đoạn bầu cử sơ bộ. Và bây giờ ông có chiến thắng thuyết phục trước đối thủ cuối cùng trong đường đua.

Clinton thua đau có lẽ chỉ vì Trump xuất hiện đúng lúc nước Mỹ cần 1 người như thế - Ảnh 2.

Hillary Clinton và đội ngũ cố vấn có nhiều sai lầm

Sai lầm lớn nhất của nữ cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và đội ngũ cố vấn là sự chủ quan mà nguyên nhân là do bà Clinton có quá nhiều thuận lợi trong cuộc đua tranh năm nay.

Bên cạnh sự hậu thuẫn từ truyền thông cho đến vợ chồng đương kim tổng thống Barack Obama, chồng bà – cựu Tổng thống Bill Clinton – là một trong những Tổng thống gây ấn tượng tốt với người dân Mỹ về khả năng làm hồi sinh vượt trội sức mạnh Mỹ, giá trị Mỹ, lợi ích Mỹ trong một phần tư thế kỷ của thế giới đơn cực.

Cùng với đó là kinh nghiệm hơn 30 năm tham gia hoạt động chính trị đã tạo ra lợi thế tuyệt đối cho Clinton trước đối thủ.

Điều đó giúp cho bà có một chiến lược tranh cử được xem là hoàn hảo, hơn cả chiến lược của ứng viên Richard Nixon trong cuộc bầu cử năm 1968 hay ứng viên Ronald Reagan trong cuộc bầu cử năm 1980.

Sự "hoàn hảo" này khiến Clinton và đội ngũ cố vấn chủ yếu chuyển dịch sự tập trung sang tấn công các đối thủ hơn là hoàn thiện cho mình.

Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz trên thực tế mới là đối thủ mà Trump "gờm" nhất, vì vậy việc ông Cruz lên tiếng ủng hộ Trump sau này đã giúp tăng cơ hội cho vị tỷ phú rất nhiều.

Trong khi đó, bà Clinton đã không làm được điều ấy với đối thủ lợi hại nhất trong đảng của bà là Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders.

Ngược lại, phe Dân chủ lại tập trung khai thác vào sự ủng hộ của các cựu Tổng thống nhà Bush, hay các cựu Ngoại trưởng đảng Cộng hòa như Condoleezza Rice, Colin Powell. Trong khi đây đều là những nhân vật đứng ngoài đời sống chinh trị Mỹ, hiệu ứng tích cực từ sự ủng hộ của họ không giúp làm sáng hơn đường đua cho ứng viên đảng Dân chủ.

Clinton thua đau có lẽ chỉ vì Trump xuất hiện đúng lúc nước Mỹ cần 1 người như thế - Ảnh 3.

Người ủng hộ Clinton khóc nức nở vì thất vọng. Ảnh: Reuters

Thậm chí phe Dân chủ còn tấn công vào Thượng nghị sĩ John McCain – người được cho là phải gánh trách nhiệm củng cố uy tín cho đảng Cộng hòa – khi chính trị gia nổi tiếng này không quay lưng với Trump.

Điều đó khiến sự thiện cảm dành cho nữ cựu Ngoại trưởng cứ vơi dần, lợi thế mất đi, ưu thế giảm và càng về cuối đường đua thì phe Dân chủ càng đuối sức.

Một sai lầm quan trọng nữa của phe Dân chủ là quá chú trọng vào ba cuộc đối đầu trực tiếp của cặp đôi Trump – Clinton.

Với dư luận Mỹ và giới quan sát thì có lẽ không cần theo dõi cũng có thể nhận ra ưu thế trong các cuộc đấu khẩu thuộc về Clinton bởi kinh nghiệm chính trường. Song cử tri Mỹ dường như xem đó chỉ là "bài kiểm tra" hơn là khả năng hành động của ứng viên.

Trump đến khi dân Mỹ muốn đổi thay đời sống chính trị

The Washington Post ngày 5/11 viết : "Việc bầu cử Tổng thống - cơ hội kéo dài trong bốn năm để nước Mỹ giới thiệu cho thế giới biết về nguyên tắc dân chủ ở quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh – nay đã trở thành một bài học cho chính nước Mỹ, thay vì cho các quốc gia từ lâu đã xem sự kiện chính trị quan trọng này tại nước Mỹ là tín hiệu của sự tự do và niềm hy vọng".

Có lẽ lời bình luận của tờ báo Mỹ đã khái quát chuẩn xác nhất sự lệch pha giữa đời sống chính trị Mỹ với đời sống xã hội Mỹ. Sự lệch pha ấy cho Trump cơ hội xuất hiện trên đường đua, vận dụng những hiệu ứng trái chiều của nó để làm lợi cho phi vụ "kinh tế hóa chính trị" và cuối cùng là giành chiến thắng.

Lợi ích Mỹ luôn là sự quan tâm hàng đầu của người dân Mỹ, song giới chính trị gia truyền thống lại xem trọng giá trị Mỹ.

Nữ cựu Ngoại trưởng C.Rice từng lên tiếng: "Trump không thể là Tổng thống. Ông nên rút lui. Là đảng viên đảng Cộng hòa, tôi ủng hộ người có phẩm giá và tầm vóc để có thể đưa nguyên tắc dân chủ cao nhất ra toàn thế giới", theo The Guardian.

Đó được xem là nền tảng tư tưởng của những ứng viên là chính trị gia chuyên nghiệp như Hillary Clinton, song lần này nó đã khiến bà không giành được thắng lợi ở những bang chiến trường quan trọng và thua cả "bang nhà" Pennsylvania, dù bà vượt qua ông Trump về số phiếu phổ thông.

Clinton thua đau có lẽ chỉ vì Trump xuất hiện đúng lúc nước Mỹ cần 1 người như thế - Ảnh 4.

Pennsylvania - Cú "knock-out" của Trump đối với Clinton trong mùa bầu cử 2016

Việc xây dựng nguyên tắc vàng cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một trong những minh chứng cho sự lệch pha giữa chính trị Mỹ và xã hội Mỹ.

TPP được xem là tạo ra những chuẩn mực cho các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song lại không được người dân Mỹ ủng hộ vì nó bị xem là gây thiệt hại cho lợi ích Mỹ.

Ứng viên Donald Trump đã làm đảo lộn chính trị truyền thống, khi ông chọn "hồi sinh nước Mỹ vĩ đại" dựa trên nền tảng quan trọng nhất là lợi ích Mỹ, chứ không phải giá trị Mỹ hay sức mạnh Mỹ.

Trump có thể một mình chống lại cả hệ thống chính trị Mỹ và giành thắng lợi cuối cùng trong sự kiện chính trị quan trọng nhất tại nước Mỹ, đã là một bất ngờ lớn.

Tuy nhiên, để có được chiến thắng cuộc đời ấy, ngoài khả năng tận dụng sự lệch pha giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội Mỹ, thì nguyên nhân đáng kể do đối thủ đã "tặng quà" cho ông,.

Điều đó cho thấy người Mỹ muốn thay đổi và ông Trump được giao trọng trách trong việc tạo ra sự đổi thay ấy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại