Trong cuộc đua tranh, có nhiều thời điểm bà Clinton vượt trước ông Trump tới hai con số qua các cuộc thăm dò dư luận của những trung tâm điều tra cũng như truyền thông nước Mỹ.
Vậy nhưng khi chỉ còn ít giờ trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 45 chính thức diễn ra, thăm dò của CNN ngày 6/11 cho thấy bà Clinton đang được 49% ủng hộ, ông Trump được 44% ủng hộ.
Các con số trên nhiều bảng thăm dò khác nhau cho thấy dường như vị tỷ phú bất động sản đã bắt kịp nữ cựu Ngoại trưởng trong những bước cuối của chặng đua.
Ứng viên Hillary Clinton phải "đi trên dây" ở những bước cuối cùng là do những thiếu sót, sai lầm của mình cùng đội ngũ cố vấn trong thời gian qua. (Ảnh: Washington Times)
Giới phân tích cho rằng việc phe Dân chủ bỗng dưng gặp "ách giữa đàng" khi Cục điều tra liên bang (FBI) tuyên bố tái điều tra vụ rò rỉ email công việc của bà Clinton trong giai đoạn nhạy cảm này là thiên vị Donald Trump.
Trên thực tế vụ bê bối email bị khơi lại phần nào khiến cho ứng viên đảng Cộng hòa có được lợi thế.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận chỉ vì FBI "tái điều tra vụ email công" mà khiến cho chiến thắng của Clinton vốn tưởng chừng trong tầm tay bị lung lay, thì đó là nhận diện có phần phiến diện.
Bởi lẽ với việc ông Trump phải đối mặt với những scandal liên tiếp bị "khui ra", cũng như thái độ chia rẽ trong đảng Cộng hòa và cả truyền thông Mỹ, nếu phe Dân chủ vẫn không thể tạo ra ưu thế tuyệt đội cho ứng viên của mình thì đó là do nguyên nhân chủ quan, chứ không phải những tác nhân khác muốn "hạ bệ" họ.
Nếu xét từ hiệu quả của chiến dịch công kích đối thủ Trump, bà Hillary Clinton và đội ngũ cố vấn của mình đã có thiếu sót, thậm chí sai lầm khiến cho bà có nguy cơ phải trả giá.
Từ nhận diện không chính xác hiệu ứng xã hội đến phản ứng không chuẩn xác trước những sự kiện được cho là bất lợi, từ đó đưa ứng viên của đảng Dân chủ phải "đi trên dây" trong những ngày cuối cùng.
Trump có bê bối nhưng Clinton đã tấn công sai?
Nhiều tín đồ Kitô giáo cho rằng lối sống của tỷ phú Donald Trump đối nghịch với các giá trị mà họ tôn vinh và vì vậy họ không ủng hộ Trump. Ngay tức khắc có một chiến dịch kêu gọi những tín đồ nào còn đang cuồng nhiệt ủng hộ Trump thì hãy đừng bỏ phiếu cho Trump - một "kẻ săn mồi tình dục".
Những bê bối trong lối sống của Trump đã ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp chính trị của ứng viên này.
Báo The New York Times bình luận rằng cuộc sống của Trump với những scandal về tình dục khiến ông xứng đáng "vô địch về phỉ báng đức tin tôn giáo", thậm chí nhiều tín đồ Kitô có thể kiện ông về sự phỉ báng này.
Với hiệu ứng này, ứng viên đảng Dân chủ Clinton như được trao thêm một vũ khí cực kỳ lợi hại là khai thác bê bối của Trump dưới góc nhìn tôn giáo - đánh vào vấn đề đạo đức của Trump.
Tuy nhiên, dù Trump có "phỉ bang đức tin" thì cũng không mang lại ưu thế cho bà Hillary và nếu khai thác vấn đề để tấn công đối thủ thì phe Dân chủ sẽ "lợi bất cập hại".
Việc chiến dịch của ứng viên Dân chủ đã cố công kích Trump khiến bà Clinton bị xem là không có lòng vị tha. Việc khai thác bị xem là thủ đoạn chính trị của phe Dân chủ và đương nhiên sẽ không được sự ủng hộ của những tín đồ Kitô giáo, vì tôn giáo tách biệt với chính trị.
Ứng viên Donald Trump đã chắt chiu những cơ hội hiếm hoi để làm sáng cho đường đua của mình ở những thời điểm quan trọng. (Ảnh: AFP)
Khi còn nhiều tín đồ Tin Lành ủng hộ Trump thì The New York Times cho rằng đó do quan điểm của vị tỷ phú về vấn đề phá thai. Thực ra, vấn đề nạo phá thai là hết sức nhạy cảm và mấy chục năm qua, cộng đồng người dân Mỹ vẫn chưa hết tranh luận xoay quanh vấn đề này.
Do vậy, cho rằng tín đồ Tin Lành ủng hộ Trump vì vấn đề nạo phá thai dường như chưa chuẩn xác.
Thậm chí tờ báo Mỹ ủng hộ bà Clinton còn cho rằng tín đồ Tin Lành ủng hộ Trump là do nhầm lẫn đức tin. Điều đó cho thấy phe Dân chủ và ủng hộ viên của cựu Ngoại trưởng nhận diện không chính xác hiệu ứng xã hội và phản ứng không chuẩn xác.
Chiến dịch của Clinton không nên đối đầu với FBI?
Mặc dù Giám đốc FBI James Comey hôm 6/11 thông báo cơ quan này giữ nguyên kết luận không truy tố hình sự cựu Ngoại trưởng, song dư luận Mỹ đã kịp chứng kiến hai phản ứng từ phía đảng Dân chủ.
Thứ nhất, nghi vấn mờ ám phía sau quyết định của FBI lật lại sự việc trong thời điểm quá nhạy cảm. Phe Dân chủ còn cho rằng Cục Điều tra Liên bang Mỹ đang dìm hàng phe Dân chủ và tặng quà cho Donald Trump.
Ở một khía cạnh nào đó, đây có thể xem là phản ứng thiếu tính toán cho ván cờ chính trị của bà Clinton.
Khi cả nước Mỹ hướng về cuộc điều tra của FBI, đó là lợi thế bởi không dễ có được số đông tập trung như vậy. Ban vận động của Clinton đã có thể chủ động hợp tác với FBI để chứng tỏ sự trong sạch vừa lấy điểm với cử tri. Chỉ trích FBI khiến cử tri nghi ngại về sự thật phía sau lời chỉ trích ấy.
Thứ hai, tìm mọi cách để chứng tỏ FBI thiên vị qua những mối quan hệ giữa những ủng hộ viên của Trump với FBI.
Theo BBC ngày 4/11, hai đại diện cao cấp của đảng Dân chủ là Elijah Cummings và John Conyers đã gửi thư cho Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu điều tra nguồn gốc thông tin rò rỉ của FBI mà cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, người đại diện Trump, có được.
"Sự rò rỉ thông tin này của các quan chức FBI như một cầu nối cho chiến dịch của Trump. Điều đó là không thể chấp nhận" đoạn trích trong thư của đảng Dân chủ gửi FBI.
Phản ứng này phần nào sẽ bất lợi cho phe Dân chủ. Bởi lẽ sự việc rò rỉ thông tin của FBI là chưa thể khẳng định, song nghi ngại về sự mờ ám từ ban vận động Clinton thì lại gia tăng.