Rất nhiều người nhận định rằng Donald Trump là một đảng viên Cộng hòa "khác biệt". Trump khác biệt vì nghề chính của ông không phải là làm chính khách và ông cũng tránh kiểu nói nước đôi trong chính trị.
Tuy nhiên, Trump vẫn là một người Cộng hòa chính hiệu, vì quan điểm chính trị của Trump thì rất đồng nhất với những người Cộng hòa.
Trên bản đồ kết quả bầu cử, màu đỏ của đảng Cộng hòa đã "càn quét" hầu như toàn bộ nước Mỹ. Một lý do cho kết quả này là những chính sách mà Trump đưa ra hứa hẹn sẽ cải thiện nền kinh tế Mỹ và nâng cao vị thế của nước Mỹ trên thế giới.
Đưa ra chính sách "trúng" và thông điệp mạnh mẽ
Rất nhiều cử tri có thể đã bị thuyết phục bởi lời hứa giảm thuế và cải cách luật pháp của Trump. Vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ cũng ủng hộ việc tự do chọn trường học, phát triển năng lượng, bãi bỏ đạo luật Obamacare và đẩy mạnh quản lý việc nhập cư, thực thi các hiệp định thương mại.
Trump cũng làm cử tri yên tâm hơn khi mạnh mẽ thừa nhận sự nguy hiểm của những lực lượng Hồi giáo cực đoan và cam kết sẽ nâng cao sức mạnh của quân đội Mỹ.
Và Trump cũng đưa ra chính sách để bớt đi các quy định gây tốn kém cho ngân sách.
Ngược lại, Hillary Clinton cho thấy nếu trở thành Tổng thống, bà sẽ tăng thuế và áp dụng nhiều quy định, luật lệ hơn, cùng với đó là mở cửa biên giới đối với người nhập cư.
Tuy Trump đã nói ra những điều mà dường như "không nên nói’, khi ông đưa ra những phát ngôn, cảnh cáo mạnh mẽ trong quá trình tranh cử, nhưng đối với nhiều người đã bị những ràng buộc cũ kỹ làm cho căng thẳng, Trump như là một "làn gió mới".
Những điều Trump đưa ra đã có tác dụng trong bối cảnh sau 8 năm dưới sự quản lý của Tổng thống Obama, GDP của nước Mỹ chỉ có tốc độ tăng trưởng hơn 1%.
Tỷ lệ người tham gia lực lượng lao động, tỷ lệ người Mỹ có việc làm hoặc đang tìm việc làm, chỉ tương đương với các con số của năm 1978. Các đạo luật và quy định đang kìm hãm đầu tư và không tạo ra việc làm.
Ảnh: MarketWatch
Cân bằng Dân chủ - Cộng hòa: Quy luật của chính trị Mỹ
Theo trang MarketWatch, thống kê cho thấy ở 8/9 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây nhất, vào năm bầu cử, nếu GDP có cải thiện so với năm trước đó, thì ứng viên cùng đảng với đương kim tổng thống sẽ thắng.
Còn nếu GDP phát triển chậm lại so với năm trước đó, ứng viên của đảng khác (không phải đảng của đương kim tổng thống) sẽ giành thắng lợi.
Quy luật này đã đúng cho cuộc bầu cử tổng thống 2016. GDP năm nay của Mỹ tăng trưởng thấp hơn năm trước, và người dân muốn thay đổi. Họ không muốn 4 năm tiếp theo đất nước vẫn trong tình trạng như cũ.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, Trump đã đề xuất cụ thể việc giảm thuế thu nhập cá nhân từ cao nhất là 44% xuống con 33%; giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% xuống 15%; xóa bỏ thuế bất động sản. Còn Clinton thì lại muốn tăng tất cả 3 loại thuế trên.
Tất nhiên, các tổng thống Mỹ bị kiểm soát bởi Quốc hội. Các dự luật về thuế sẽ bắt đầu từ Hạ viện và sau đó phải được Thượng viện thông qua trước khi Tổng thống ký thành đạo luật.
Nhưng Hạ viện đã đưa ra đề xuất cải cách thuế tương tự như hứa hẹn của Trump và Thượng viện đã ủng hộ rất nhiều nguyên tắc trong đó. Với việc đảng Cộng hòa vẫn chiếm đa số trong Quốc hội sau cuộc bỏ phiếu ngày 8/11, các cải cách của Trump sẽ có nhiều cơ hội thực sự trở thành luật.
Thống kê của Cục phân tích kinh tế Mỹ (BEA) thuộc chính phủ Mỹ cho thấy tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân của nước này đã giảm dần kể từ tháng 1/2015 cho đến tháng 7/2016, tức gần như toàn bộ thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử của các ứng viên (Ảnh: BEA)
Khác với thuế là lĩnh vực dễ đoán, các dự luật ở các lĩnh vực khác, nếu không có được sự đồng thuận của Quốc hội, thì có thể sẽ vô tác dụng trong việc phát triển doanh nghiệp và tạo việc làm.
Thực tế đã chứng mình, 8 năm nay, các cơ quan bảo vệ môi trường, Bộ Giáo dục, Bộ Lao động của Mỹ đã vô cùng "vật vã" vì không có sự đồng thuận này.
Những cơ quan trên đã ra rất nhiêu dự luật, nhưng dường như chúng quá chuyên ngành nên các đại biểu ở cơ quan lập pháp không thể hiểu.
Ví dụ, tuy chất lượng không khí của Mỹ đang cải thiện đáng kể, Cơ quan bảo vệ môi trường vẫn muốn có một đạo luật để thực thi kế hoạch giảm khí thải từ các nhà máy. Thế nhưng, Quốc hội năm 2010 đã thẳng thừng từ chối thông qua. Họ sợ đạo luật mới sẽ có ảnh hưởng xấu tới phát triển kinh tế và việc làm.
Cũng trong năm 2010, câu chuyện Quốc hội cũng không thông qua dự luật "Trả lương công bằng" – trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải theo dõi thu nhập của nhân viên trên tiêu chí chủng tộc và giới tính.
Dự luật "Công bằng trong cơ hội việc làm" cũng làm Quốc hội đau đầu khi bắt doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều ràng buộc.
Những dự luật khác đã được đưa ra để Quốc hội thông qua, ví dụ về lương, nghề nghiệp của phụ nữ cũng mơ hồ không kém. Chúng được đánh giá là không có giá trị trong thực tế để giúp lao động nữ có được sự công bằng trong mức lương thực nhận.
Hay một luật mới của Bộ Lao động, sẽ được thực hiện từ 1/12/2016 tới đây, bắt các doanh nghiệp trả lương theo giờ, để đảm bảo quyền lợi người lao động trong trường hợp họ làm việc hơn 40 tiếng/tuần. Một vài điểm trong luật mới này đã bị các thẩm phán xem xét.
Ông Trump thắng cử, một phần không nhỏ nhờ đưa ra được những chính sách thiết thực được người dân phổ thông ở Mỹ ủng hộ (Ảnh: Reuters)
Rất nhiều người Mỹ cho rằng những đạo luật "tai hại", rườm rà đối với doanh nghiệp được ví dụ ở trên, chắc chắn là sẽ không được bà Clinton bãi bỏ nếu bà thắng cử.
Bà còn tuyên bố thẳng thắn là ủng hộ chúng. Thậm chí bà sẽ còn áp dụng nhiều luật lệ khác nữa, và có lẽ nhiều cử tri Mỹ không hài lòng ở điểm này.
Vì vậy, bằng cách lựa chọn Trump và lựa chọn đa số đại biểu Quốc hội là những đảng viên Cộng hòa, người Mỹ cho thấy họ không muốn chọn con đường tiếp tục tăng trưởng thấp, thuế cao, luật pháp rườm rà nhiều gánh nặng và một quân đội non yếu. Và quan điểm, lựa chọn này đã được nhiều người hưởng ứng.