Châu Á thấp thỏm, Trung Quốc "hí hửng" đợi ngày Trump nhậm chức

Ngọc Anh |

Ít nhất 4 năm bất định và có thể có cả nguy hiểm, đó có thể là tương lai mối quan hệ Mỹ - Châu Á khi Donald Trump làm tổng thống?

Ngày 9/11, ngay sau khi Trump thắng cử, báo The Strait Times của Singapore đăng tải bài bình luận của học giả Derwin Pereira – lãnh đạo một tổ chức tư vấn chính trị quốc tế, đồng thời là thành viên của Trung tâm Belfer tại Đại học Harvard về Khoa học và Quan hệ quốc tế.

Theo tác giả Pereira, chiến thắng gây sốc của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm những người châu Á giảm bớt lòng tin vao việc tương lai của họ sẽ đồng hành với Mỹ về dài hạn.

Điều chờ đợi mối quan hệ châu Á và Mỹ ở phía trước là ít nhất 4 năm bất định và có thể cả nguy hiểm.

TPP và trục châu Á: Đối trọng của Mỹ với Trung Quốc

Lo ngại của châu Á về Trump không phải là không có cơ sở. Trump phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mà 7/12 nước trong hiệp định là các quốc gia châu Á, gồm Australia, Brunei, Nhật, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Việc Quốc hội Mỹ không phê chuẩn TPP sẽ là "hồi chuông báo tử" cho hiệp định này..

TPP coi các đối tác châu Á là "trục chiến lược". Trục này là điều mà bà Hillary Clinton cùng cộng sự đã dày công xây dựng khi bà còn trên cương vị cựu Ngoại trưởng Mỹ.

Không giống như TPP, trục châu Á không tồn tại dựa vào một tài liệu chính thức nào để Washington có thể xé bỏ khi muốn. Tuy nhiên, trục này có khả năng sẽ không còn ở trạng thái như hiện tại nữa nhờ vào Trump, và nó sẽ trở thành một kỷ niệm buồn.

TPP và trục châu Á được coi là một giải pháp cho Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng khẳng định vị thế về kinh tế, quốc phòng trong khu vực.

Phạm vi của TPP bao phủ 1/3 thương mại toàn cầu. TPP sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại trong hàng loạt lĩnh vực, từ lao động tới các quy định về môi trường, sở hữu trí tuệ.

Một trong những mục tiêu "bất thành văn" của TPP là nó trở thành đối trọng với Trung Quốc – khi quốc gia này ngày càng mở rộng tầm ảnh hưởng với tư cách là một cường quốc kinh tế, sản xuất.

Về trục châu Á của TPP, tầm quan trọng của nó đã được nhắc lại bởi một chiến lược gia xuất sắc của Mỹ, ông Kurt M. Campbell – một cựu trợ lý Ngoại trưởng.

Ông Campbell đã viết trong cuốn sách của mình, cuốn "Trục châu Á: Tương lai của Mỹ được định đoạt ở đây" mới xuất bản năm 2016, rằng Mỹ đang thực hiện một dự án quốc gia để chuyển hướng các chính sách đối ngoại về phương Đông.

Campbell lập luận rằng Mỹ đang làm như vậy là để giúp tái tạo lại nền kinh tế của chính mình, bằng cách có quan hệ gần hơn với một khu vực năng động, một khu vực mà sẽ có vai trò lớn trong lịch sử thế kỷ 21.

Cuốn sách của ông dựa trên quan điểm Mỹ cần châu Á và châu Á cần Mỹ.

Châu Á thấp thỏm, Trung Quốc hí hửng đợi ngày Trump nhậm chức - Ảnh 1.

Những người ủng hộ Trump phản đối TPP. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc hưởng lợi nếu "trục châu Á" và TPP không còn

Tuy nhiên, quan điểm lạc quan trên đi ngược lại với quan điểm của Trump. Nếu các chính sách của Trump dẫn tới sự từ bỏ mang tính chiến lược của Mỹ ở châu Á, thì các hệ quả của nó sẽ là: Các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản sẽ thoải mái phát triển vũ khí hạt nhân, đồng thời Mỹ sẽ đẩy lùi sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc bằng các rào cản thương mại, trừng phạt thuế quan.

Các biện pháp ngăn chặn Trung Quốc nặng tính kinh tế, cùng với việc làm cho Nhật phải tăng cường sức mạnh quân đội, đó sẽ là công thức cho sự hỗn loạn chiến lược.

Tác giả Derwin Pereira cho rằng, nếu nước Mỹ chuyển hướng chính sách đối ngoại theo hướng thu hẹp hoặc tự biệt lập, cả Mỹ và châu Á đều sẽ phải trả giá đắt.

Trung Quốc chính là bên có lợi nhất từ tất cả những điều này.

Mặc dù các rào cản thương mại và việc tái vũ trang của Nhật là những mối đe dọa đối với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc vẫn có lợi về nhiều mặt.

Hủy bỏ TPP, điều đó đồng nghĩa với việc mở rộng không gian kinh tế cho những "thế lực" của Trung Quốc như Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB).

Trong khi đó, việc trục châu Á biến mất sẽ giúp Bắc Kinh có nhiều không gian ngoại giao hơn trong các tranh chấp, xung đột với các quốc gia châu Á khác trên Biển Đông.

Trong bối cảnh hiện nay, tổng thống mới của Mỹ sẽ phải ứng xử với một Trung Quốc quyết đoán, đã được tiếp thêm năng lượng bởi những thành công ngoại giao gần đây với Philippines và Malaysia.

Thay vì tiếp tục phản đối Trung Quốc không tuân thủ phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA), những diễn biến trong nước ở Philippines đã khiến mối quan hệ Manila-Bắc Kinh ấm lên.

Những thương vụ có lợi giữa Trung Quốc và Philippines, cùng việc Trung Quốc không phản đối mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy của tổng thống Philippines Rodrigo Duerte, đã là các lý do cho sự cải thiện quan hệ hai nước.

Mối quan hệ Trung Quốc – Malaysia cũng ấm lên trông thấy. Ban lãnh đạo Malaysia đã phản ứng rất tích cực với các đề nghị đàm phán kinh tế từ phía Trung Quốc, trong thời điểm Malaysia xuất hiện nhiều khó khăn chính trị trong nước.

Châu Á thấp thỏm, Trung Quốc hí hửng đợi ngày Trump nhậm chức - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gửi điện mừng ông Trump đắc cử và kêu gọi xây dựng quan hệ win-win (cùng thắng lợi) giữa hai nước. (Ảnh minh họa: Jason Lee/EPA)

Việc chủ trương "biệt lập" của ông Trump được hiện thực hóa thành chính sách sẽ giúp tạo ra một nét văn hóa chính trị ở châu Á, đó là coi Trung Quốc như một người dẫn dắt đáng tin cậy, vì các chu kỳ chính sách của Trung Quốc không phải chịu những thay đổi bất thường giống như các chính sách mang tính dân chủ của Mỹ.

Thế nhưng, thế giới vẫn phải chờ xem Trump sẽ đi xa và đi nhanh đến đâu trong các động thái của mình. Có thể là Trump sẽ bình tĩnh ngồi trong văn phòng, lắng nghe các chuyên gia của mình phân tích những cái giá thực sự của các chính sách cực đoan.

Ví dụ, áp thuế 45% lên hàng hóa Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc chiến tranh thương mại mà trong đó Mỹ cũng sẽ thiệt hại rất lớn.

Rõ ràng, vào thời điểm hiện tại, dường như châu Á cũng như các khu vực khác trên thế giới đang phải chịu sự chi phối của những sự kiện lạ thường, bất ngờ. Những sự kiện đó xuất hiện và viết lại luật lệ của các cuộc chơi nhiều tới mức những thay đổi lớn cũng có vẻ trở nên bình thường.

Brexit đã từng là một sự kiện như vậy. Trump thắng cử tổng thống Mỹ cũng là một sự kiện mang tính chất tương tự.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại