Theo báo cáo nghiên cứu đăng trên Nature ngày 1/7, các nhà máy điện, thiết bị công nghiệp, phương tiện công nghiệp và các nguồn phát khí CO2 khác trên thế giới đang ngày càng thải nhiều lượng khí CO2 và nó sắp sửa phá mức ổn định nhiệt độ toàn cầu vào giữa thế kỷ này.
Thêm vào đó, các nhà máy điện trong tương lai đã được lên kế hoạch, cho phép và đang được xây dựng. Lượng khí thải CO2 từ các nhà máy này có thể sẽ vượt ngưỡng vào năm 2033 và làm tăng nhiệt độ khí quyển trung bình toàn cầu lên 1,5 độ.
Theo Thorsten Mauritsen, một nhà khoa học khí hậu vật lý tại Đại học Stockholm, nếu muốn hạn chế sự tăng nhiệt độ này thì chúng ta không thể đầu tư nhiều hơn vào năng lượng nhiên liệu hóa thạch hoặc cơ sở hạ tầng nữa. "Tất cả mọi thứ chúng ta cần làm từ bây giờ là phải thay đổi hướng đi và ngưng sử dụng nhiên liệu hóa thạch".
Trong Thỏa thuận Paris năm 2015 về biến đổi khí hậu, gần như tất cả các quốc gia trên thế giới đã đồng ý cố gắng giảm lượng khí thải nhà kính đủ để hạn chế sự ấm lên ở mức thấp dưới mức 2 độ vào năm 2100. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận này.
Mặc dù vậy, những lời kêu gọi đã được thực hiện nhiều hơn vào năm 2015 với mục tiêu giữ mức tăng là 1,5 độ. Điều đó có nghĩa là ít sóng nhiệt hơn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay tuyệt chủng loài cũng được hạn chế.
Hoạt động của con người đã làm tăng nhiệt độ toàn cầu thêm 1 độ. Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu ước tính vào năm 2018, việc thải ra thêm 420 đến 580 gigaton khí CO2 có thể làm cho hành tinh nóng lên 1,5 độ so với mức tiền công nghiệp.
Cơ sở hạ tầng hiện tại có thể thải ra nhiều CO2 như vậy từ năm 2018 đến đầu năm 2035, mặc dù có thể mãi đến năm 2046 mới đạt được tổng số đó.
Steven Davis, nhà khoa học hệ thống trái đất tại Đại học California cho biết, cơ sở hạ tầng hiện tại sẽ thải ra khoảng 658 gigaton CO2. Khoảng 41% lượng khí thải đó sẽ đến từ Trung Quốc, 9% từ Hoa Kỳ và 7% từ Liên minh Châu Âu.
Lượng khí thải toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên khoảng 850 gigaton khi bao gồm cả khí thải từ các nhà máy điện. Điều đó đủ để chạm đến ngưỡng 1,5 độ vào năm 2033 và chiếm khoảng 2/3 trong số 1.170 đến 1.500 gigaton khí CO2 để đạt được ngưỡng 2 độ.
Davis nói: "Phân tích này đã đưa ra một số bối cảnh cụ thể cho mức giới hạn tăng 1,5 độ. Những mục tiêu này mang theo rất nhiều tham vọng và sẽ đòi hỏi nhiều hơn một vài dự án năng lượng mặt trời và giảm khí thải gia tăng".
Gần 10 năm trước, Davis và một số đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc điều tra về các cơ sở hạ tầng thải ra khí CO2. Nghiên cứu mới cập nhật điều tra gồm tất cả các nguồn CO2 được biết đến vào cuối năm 2018, bao gồm các nhà máy điện và nguồn phát công nghiệp, như lò nung xi măng, cũng như các phương tiện vận chuyển như máy bay và xe cộ.
Bản cập nhật cũng cho thấy sự thay đổi trong việc khí thải nhà kính gây ra bởi những hiện tượng như sự bùng nổ khí đốt tự nhiên của Hoa Kỳ và nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc. Kết quả là lượng khí CO2 sẽ thải ra nhiều hơn, trừ khi các chính sách công nghệ thay đổi.
Các tính toán không xem xét các nỗ lực hiện tại và tương lai để giảm thiểu khí thải, ví dụ bằng cách mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo. Kết quả cũng không làm tăng lượng khí thải dự kiến ở các nền kinh tế đang phát triển.
Joeri Rogelj, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Hoàng gia Luân Đôn, Anh, cho biết, công trình này cũng không xem xét các lĩnh vực khác, ví dụ như nông nghiệp, lĩnh vực thải ra khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu này sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh.
"Đây không phải là những dự đoán chắc chắn rằng những gì sắp xảy ra sẽ không thay đổi được. Nhưng đó là một lời kêu gọi mạnh mẽ để đảm bảo rằng chúng ta có thể đưa ra các lựa chọn làm giảm tác động sắp tới của cacbon".