Hai thập niên đầu của thế kỷ 21 chứng kiến cuộc đua "nóng" nhất của các quốc gia, công ty vũ trụ tư nhân thế giới trên hành trình chinh phục Mặt Trăng - Vệ tinh tự nhiên lớn nhất và duy nhất của Trái Đất, cách chúng ta 384.400 km.
"Điều vĩ đại bắt nguồn từ những thứ nhỏ bé. Đã đến lúc quay trở lại Mặt Trăng. Lần này chúng ta sẽ định cư ở đó." - Đó là khát khao mà tỷ phú giàu nhất hành tinh (2019) Jeff Bezos chia sẻ trong sự kiện công bố kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng sau những năm 2020.
Không chỉ có Jeff Bezos và công ty vũ trụ Blue Origin của ông xem Mặt Trăng là đích đến khi thế kỷ 21 bước sang thập kỷ thứ 3, cả NASA, ESA (Cơ quan vũ trụ châu Âu), Roscosmos (Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga), SpaceX (công ty tư nhân của tỷ phú Elon Musk) và nhiều quốc gia khác cũng đặt những mục tiêu to lớn trên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này.
Mặt Trăng là đích đến chinh phục của nhân loại thế kỷ 21. Nguồn: Speccoll.library.arizona.edu
Ngày 3/1/2019 trở thành dấu mốc khó quên trong lịch sử khám phá vũ trụ nói chung và lịch sử chinh phục Mặt Trăng nói riêng khi Trung Quốc - nước vốn được xem là yếu thế trong cuộc đua không gian - trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho tàu không người lái Chang'e-4 đổ bộ thành công xuống bề mặt nửa tối Mặt Trăng(đọc chi tiết).
Từ khi người Liên Xô mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ (năm 1961) đến nay, mới chỉ có 3 quốc gia trên thế giới đổ bộ thành công Mặt Trăng (là Liên Xô, Mỹ, Trung Quốc), nhưng nếu xét khu vực đổ bộ là nửa tối Mặt Trăng thì Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện được sứ mệnh khó khăn này.
Trước thách thức to lớn mà người Trung Quốc làm được, Mỹ, Nga và nhiều cường quốc vũ trụ khác hẳn nhiên sẽ không ngồi yên. Chính Trung Quốc và thành tựu vô tiền khoáng hậu mà Chang'e-4 (Hằng Nga 4) làm được đã "hồi sinh" cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này, sau sứ mệnh Apollo 11 của Mỹ "vốn vang bóng một thời và đang ngủ yên" từ thập niên 60 thế kỷ 20 đến nay.
Cuộc đua lên vệ tinh được ví là "Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ"(đọc cụ thể) nhờ đó hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn bao giờ hết trong thế kỷ 21.
Quay trở lại thập niên 50, 60 của thế kỷ 20, hành trình chinh phục Mặt Trăng diễn ra như thế nào? Nhờ đâu mà chỉ chưa đầy 1 thập kỷ người Liên Xô đưa người lần đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ năm 1961, người Mỹ đã tạo nên lịch sử với sứ mệnh phi thường của Neil Armstrong và đồng đội trên nửa sáng của Mặt Trăng năm 1969?
Hãy cùng National Geographic tìm hiểu lược sử hành trình thám hiểm Mặt Trăng của nhân loại thế kỷ 20 và sơ lược cuộc đua thế kỷ lên Mặt Trăng thời đại vũ trụ 2.0.
Thám hiểm Mặt Trăng thủa bình minh: Cuộc đua nhân danh "niềm kiêu hãnh dân tộc" của Mỹ và Liên Xô
01. Những sứ mệnh tiền đề
Tháng 1/1959, 2 năm sau ngày Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới - Sputnik 1 - lên quỹ đạo Trái Đất, quốc gia này tiếp tục lập nên chiến công vũ trụ lớn bằng việc phóng tàu vũ trụ Luna 1.
Luna 1 ngày ấy là phi thuyền đầu tiên thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái Đất, trở thành "sứ giả" tiếp cận vùng lân cận của Mặt Trăng và có được phát hiện sớm nhất về Mặt Trăng: Vệ tinh tự nhiên này không có từ trường.
Năm 1959 chưa kết thúc, Liên Xô tiếp tục phóng tàu vũ trụ Luna 2. Luna 2 tiếp nối sứ mệnh của Luna 1 và trở thành phi thuyền đầu tiên đáp xuống bề mặt Mặt Trăng và có những khám phá đầu tiên tại các miệng núi lửa Aristides, Archimedes và Autolycus.
Luna 3 năm 1959 của Liên Xô tiếp tục có được thành tựu mới về Mặt Trăng khi có được những bức ảnh đầu tiên về nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng (nửa tối).
Là địch thủ của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh (1946-1989), Mỹ hiển nhiên không nằm ngoài cuộc đua vũ trụ với Moskva. Từ năm 1961 đến năm 1965, NASA đã cho phóng đi 9 tàu vũ trụ Ranger (tàu vũ trụ có sứ mệnh cảm tử, được thiết kế để đi thẳng về phía Mặt Trăng và chụp được càng nhiều ảnh truyền về Trái Đất càng tốt trước khi đâm vào bề mặt vệ tinh).
Nhờ những sứ mệnh không ngừng của Ranger (6 lần bay đầu tiên thất bại) mà giới khoa học đã có cái nhìn cận cảnh đầu tiên về bề mặt Mặt Trăng. Những bức ảnh này đã tiết lộ những chi tiết không thể nhìn thấy qua kính viễn vọng từ Trái Đất. Chúng là cơ sở để NASA hoàn thành sứ mệnh lịch sử Apollo 11 - lần đầu tiên cho người đổ bộ thành công lên Mặt Trăng.
Năm 1966, Luna 9 của Liên Xô đã vượt qua những khó khăn của địa hình vốn gồ ghề của Mặt Trăng để trở thành tàu vũ trụ không người lái đầu tiên đổ bộ thành công xuống Mặt Trăng. Chiếc phi thuyền nhỏ khi đó được tích hợp các thiết bị khoa học và truyền thông để chụp ảnh toàn cảnh nửa sáng Mặt Trăng. Luna 10 ra mắt vào cuối năm 1966 và trở thành tàu vũ trụ đầu tiên quay thành công quanh Mặt Trăng.
02. Dấu chân của con người trên Mặt Trăng
Năm 1961, thời điểm phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên trong lịch sử bay ra ngoài vũ trụ, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy cam kết Mỹ phải đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn trước khi thập kỷ 1960 khép lại.
Chương trình Apollo - kéo dài hơn 10 năm, tiêu tốn hàng trăm tỷ USD của Mỹ, dưới sự cống hiến không ngừng nghỉ của hơn 400.000 con người tài năng - ra đời để nước Mỹ đau đáu cho một sứ mệnh thế kỷ.
Trước khi xác lập thành tích vĩ đại, NASA và Mỹ đã miệt mài phóng các tàu thăm dò không gian Surveyor từ năm 1966 đến 1968, nhằm thực hiện các cuộc đổ bộ có kiểm soát trên bề mặt Mặt Trăng.
Sau khi phân tích các bức ảnh và các mẫu vật (đất, đá, bụi của Mặt Trăng) mà Surveyor cung cấp, NASA triển khai đồng thời 5 sứ mệnh của Lunar Orbiter nhằm vẽ biểu đồ bề mặt Mặt Trăng. Lunar Orbiter đã chụp ảnh khoảng 99% bề mặt Mặt Trăng và cung cấp những bức ảnh về các địa điểm hạ cánh tiềm năng tại đây. Tất cả đã sẵn sàng cho cuộc đổ bộ lịch sử của Apollo 11 năm 1969.
Cuối cùng, ngày 20 /7/1969 cũng đã đến. Nước Mỹ - sau những năm tháng miệt mài, không ngừng cống hiến vì khoa học, vì niềm tự hào dân tộc - đã chính thức hoàn thành sứ mệnh đột phá: Đưa người đổ bộ thành công Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.
NASA. Apollo 11. Neil Armstrong... chính là hiện thân của bước nhảy vọt vĩ đại trong hành trình thám hiểm không gian của nhân loại.
Nước Mỹ khi đó không còn phải bàn đến thế cân bằng hay không cân bằng với Liên Xô nữa, bởi họ đã làm được kỳ tích vũ trụ hiển hách nhất mọi thời đại, giống như nhà báo nổi tiếng Mỹ Walter Cronkite - người được công chúng Mỹ tôn vinh là "nhân vật đáng tin cậy nhất nước Mỹ" - nói rằng: Dù 500 năm nữa có trôi qua, thì những người của thời tương lai đó vẫn công nhận cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969 là chiến công hiển hách nhất mọi thời đại!
Câu nói của phi hành gia Mỹ Neil Armstrong khi anh đặt những bước chân đầu tiên của con người xuống bề mặt Mặt Trăng trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969. Ảnh gốc: NASA
Không ngủ quên trên chiến thắng, 4 tháng sau khi sứ mệnh Apollo 11 hoàn thành, NASA tiếp tục phóng tàu Apollo 12 với mục tiêu khám phá thêm về mặt Mặt Trăng, tạo điều kiện cho các cuộc đổ bộ của con người xuông bề mặt vệ tinh này nhiều lần nữa.
Tháng 4/1970, sứ mệnh Apollo 13 suýt trở thành thảm kịch vũ trụ khi các bình oxy phát nổ khiến phi hành đoàn buộc phải hủy bỏ kế hoạch đổ bộ Mặt Trăng lần thứ hai của Mỹ. May mắn, không ai thiệt mạng.
Cuộc đổ bộ Mặt Trăng lần thứ ba của Apollo 14 diễn ra vào tháng 1/1971. Phi hành gia chỉ huy Alan Shepard đã lập kỷ lục mới về quãng đường di chuyển xa nhất trên Mặt Trăng: Gần 2.800 mét (tính từ điểm hạ cánh).
Apollo 15 lên đường thực hiện sứ mệnh thứ tư vào tháng 7/1971, trở thành sứ mệnh đầu tiên đưa con người ở lại lâu hơn trên Mặt Trăng. Nhờ đó, các phi hành gia có cơ hôi thu thập hàng trăm kg mẫu vật Mặt Trăng và có cơ hội di chuyển cách điểm hạ cánh gần 30km trên chiếc xe có người lái trên Mặt Trăng.
Các mẫu thu thập trong những chuyến thám hiểm Mặt Trăng này cung cấp cho chúng ta lượng kiến thức khổng lồ về địa chất và sự hình thành của vệ tinh tự nhiên Trái Đất.
Apollo 16 và Apollo 17 năm 1972 là hai sứ mệnh cuối cùng của Chương trình Apollo, khép lại một chặng đường vô cùng ấn tượng của người Mỹ trên hành trình chinh phục Mặt Trăng.
Năm 1976, tàu vũ trụ không người lái Luna 24 của Liên Xô cũng là tàu cuối cùng hạ cánh xuống Mặt Trăng, khép lại một thế kỷ chinh phục Mặt Trăng rực rỡ của nhân loại, hay đúng hơn là của Mỹ và Liên Xô trong khuôn khổ cuộc Chiến tranh Lạnh kéo dài hàng thập kỷ.
Mặt Trăng: Đích đến thế kỷ của các cường quốc thời đại vũ trụ 2.0
Tính đến năm 2019, tròn 5 thập kỷ kể từ sứ mệnh Apollo 11, có tổng 12 người đặt chân lên Mặt Trăng (đều là phi hành gia Mỹ thuộc Chương trình Apollo).
Nhiều thập kỷ kể từ sứ mệnh Apollo 17, trở lại Mặt Trăng không còn là sứ mệnh được ưu tiên trong các chương trình không gian của Mỹ và các cường quốc vũ trụ khác. Chuyên gia chính sách vũ trụ John Logsdon nhận định, dường như không có lý do khoa học nào để quay trở lại Mặt Trăng, bởi Chương trình Apollo đã thu được tổng 382 kg đá Mặt Trăng, nhiều trong số chúng vẫn chưa được giải mã.
Các sứ mệnh khám phá về sau chỉ được thực hiện lẻ tẻ, trong số đó đáng chú ý là Tàu Quỹ đạo Trinh sát Mặt Trăng (LRO) của NASA đã tạo ra các bản đồ có độ phân giải cao của bề mặt Mặt Trăng, và phát hiện nhiệt độ siêu lạnh (âm 234 độ C) tại bề mặt vệ tinh tự nhiên này.
Đột phá đến khiến cả Mỹ và Nga "thức tỉnh". Ngày 3/1/2019, Trung Quốc âm thầm đổ bộ thành công tàu vũ trụ không người lái Chang'e-4 (Hằng Nga 4) xuống nửa tối Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên trong lịch sử đáp xuống vùng tối chưa từng có dấu vết của robot hay con người.
Tàu vũ trụ không người lái Chang'e-4 đổ bộ thành công nửa tối Mặt Trăng ngày 3/1/2019, chính thức hồi sinh cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên Trái Đất thế kỷ 21. Nguồn: News.com.au.
Nếu như ở thế kỷ 20, cuộc đua lên Mặt Trăng của Mỹ và Liên Xô nhằm thể hiện "niềm kêu hãnh dân tộc" trong cuộc so găng mang tên Chiến tranh Lạnh thì ở thời đại vũ trụ 2.0 của thế kỷ 21 này, các quốc gia thám hiểm Mặt Trăng còn có rất nhiều lý do và kế hoạch riêng.
Riêng Mỹ, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: "Dưới chính quyền của tôi, NASA sẽ vĩ đại trở lại. Nước Mỹ sẽ quay lại Mặt Trăng, rồi sau đó đổ bộ sao Hỏa..."
Ngay lập tức NASA nhận được sứ mệnh từ tổng thống: Trong vòng 5 năm tới, phải đưa được hai phi hành gia Mỹ (một nam, một nữ) đổ bộ cực Nam của Mặt Trăng. Trở lại Mặt Trăng là ưu tiên số 1 của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump(đọc chi tiết).
Không chỉ còn là khám phá khoa học, mà còn phục vụ nhu cầu đưa người lên định cư tại vệ tinh tự nhiên, cũng như khai thác "mỏ vàng" trời cho khổng lồ mà Mặt Trăng có thể đang sở hữu.
Vàng, bạch kim, đất hiếm, Helium-3... là những khoáng sản đắt đỏ và hiếm có (trên Trái Đất), một mặt mang lại lợi ích kinh tế cho các công ty vũ trụ nhân, mặt khác giúp các cường quốc vũ trụ biến Mặt Trăng trở thành "ngôi làng Mặt Trăng" như dự định của Cơ quan vũ trụ châu Âu, hay "trạm không gian" trung chuyển cho các quốc gia thực hiện những sứ mệnh khám phá vũ trụ sâu hơn sau này.
Bởi thế, cuộc đua lên Mặt Trăng thế kỷ 21 do Trung Quốc "nổ phát súng" đã khiến Mỹ, Nga, châu Âu và các quốc gia châu Á nóng lòng hơn bao giờ hết!
Phân biệt Nửa sáng (Near Side) - Nửa tối (Far Side) của Mặt Trăng
Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất chúng ta. Nó đã quay quanh Trái Đất trong hơn 4,5 tỷ năm và trong thời gian đó, lực hấp dẫn của Trái Đất đã buộc tốc độ quay của Mặt Trăng phải đồng bộ với quỹ đạo của nó.
Kết quả là, cả Mặt Trăng đều quay trên trục của chính nó và quay quanh Trái Đất cứ sau 28 ngày. Điều đó có nghĩa là, một nửa bán cầu Mặt Trăng vĩnh viễn quay về phía Trái Đất, trong khi phía đối diện là nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng.
Nửa không nhìn thấy được của Mặt Trăng đôi khi được gọi là Nửa tối của Mặt Trăng hoặc Mặt tối của Mặt Trăng (Far Side).
Gọi là Nửa tối của Mặt Trăng là vì người Trái Đất không quan sát được nó, chứ không phải nửa này không có ánh sáng Mặt Trời.
Giới thiên văn học cho biết, trong vòng 1 tháng, cả hai nửa của Mặt Trăng đều trải qua hai tuần có ánh sáng Mặt Trời, sau đó hai tuần là hai tuần chìm trong đêm tối.
Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.