Hai thập niên 1960, 1970 chứng kiến cuộc đua đỉnh cao vào vũ trụ của hai cường quốc Chiến tranh Lạnh Mỹ và Liên Xô. Trong thời đại Kỷ nguyên Vũ trụ ấy, Mặt Trăng là đích đến "điên cuồng" mà cả Washington và Moskva đều khát khao chinh phục.
Chỉ trong vòng 10 năm từ năm 1966 đến năm 1976, cả Mỹ và Liên Xô đã đưa tổng 20 tàu vũ trụ đáp xuống bề mặt của Mặt Trăng - vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Trái Đất, cách hành tinh của chúng ta 384.400 km.
Sau sứ mệnh lần đầu tiên trong lịch sử đưa người đặt chân lên bề mặt Mặt Trăng của Mỹ (do phi hành gia Neil Armstrong thực hiện năm 1969); và sứ mệnh cuối cùng chinh phục Mặt Trăng của Liên Xô trong thế kỷ 20 (với việc robot thăm dò của nước này mang 170 gram đất Mặt Trăng về Trái Đất), vệ tinh tự nhiên của Trái Đất dần dần bị "bỏ rơi".
Cả Mỹ và Liên Xô khép lại cuộc đua lên Mặt Trăng và lại mải miết với những dự án chinh phục vũ trụ khác, tất nhiên không quên dành tiền của và công sức cho việc phát triển vũ khí hủy diệt (vũ khí hạt nhân) khiến cả thế giới nhiều phen chao đảo.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của thế kỷ 20. Thế kỷ 21 đến và mở ra những thách thức mới cho hai cường quốc vũ trụ hàng đầu thế giới: Mỹ và Nga.
Ngày 3/1/2019, lần đầu tiên trong lịch sử khám phá vũ trụ của nhân loại, Trung Quốc hạ cánh thành công tàu thăm dò Chang'e-4 (Hằng Nga 4) xuống nửa tối của Mặt Trăng.
Với sự kiện gây chấn động thế giới này, Trung Quốc ghi tên mình là quốc gia thứ 3 (sau Mỹ và Liên Xô) đổ bộ thành công lên Mặt Trăng. Nhưng lại là quốc gia đầu tiên trong lịch sử đổ bộ lên nửa tối của Mặt Trăng - một thành tựu kỹ thuật khoa học mang hơi thở thời đại mà cả Mỹ và Nga đều chậm chân hoặc không theo đuổi. (Đọc chi tiết, tại đây).
Cho đến nay, Trung Quốc là quốc gia thứ ba (sau Mỹ và Liên Xô) đổ bộ thành công lên Mặt Trăng.
Thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 lại "điên cuồng" hơn bao giờ hết với "phát súng" mở ra cuộc đua mới lên Mặt Trăng do chính người Trung Quốc - quốc gia vốn được xem là "yếu thế" trong cuộc đua không gian - khơi mào.
Chang'e-4 của người Trung Quốc đã "hồi sinh" cuộc đua lên vệ tinh vốn đã từng "ngủ yên" trong 4 thập kỷ qua. Mặt Trăng giờ đã trở thành lục địa thứ 8 của Trái Đất(1). Cả NASA, Trung Quốc, ESA (Cơ quan Vũ trụ châu Âu), Nga, Ấn Độ, Israel... đều muốn đổ bộ Mặt Trăng, xây căn cứ rồi xây luôn mộng đưa người lên sinh sống.
Washingtonpost đăng bài viết cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump khẳng định, trở lại Mặt Trăng là ưu tiên số 1 của Mỹ. Và NASA lập tức hành động. Đầu tháng 2/2019, cơ quan này đã công bố kế hoạch phát triển tàu vũ trụ có khả năng đưa nhiều người đổ bộ Mặt Trăng vào năm 2028. NASA khẳng định, lần đưa người lên Mặt Trăng tiếp theo là để sinh sống vĩnh viễn trên "lục địa thứ 8" này.
Mỹ và NASA đã nhận ra "phát súng" thách thức mà Trung Quốc cho nổ đầu năm 2019. Thời gian sẽ trả lời những đáp trả mà cường quốc này nung nấu thực hiện.
Trở lại những nhận định sắc bén của cây viết Christian Davenport - chuyên gia về vũ trụ và quốc phòng của tờ Washingtonpost, giống như cuộc đua vào vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, đổ bộ Mặt Trăng không chỉ được thúc đẩy bởi niềm kiêu hãnh dân tộc, đó còn là những khám phá khoa học đỉnh cao mà hai cường quốc khát khao nắm trong tay.
Tuy nhiên, không giống như thời đại của những phi thuyền Apollo, Kỷ nguyên Không gian thế kỷ 21 được thúc đẩy bởi một yếu tố thứ ba: Sự Tham Lam.
Khi nguồn khoáng sản trên Trái Đất đang dần cạn kiệt, các cường quốc nghĩ ngay đến việc lên kế hoạch khai thác khoáng sản quý, hiếm và đắt đỏ trên thiên thạch và tiểu hành tinh. Mặt Trăng - "mỏ trời" tuyệt vời của Trái Đất, "Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ"(2) đang là đích đến không thể chối cãi cho các quốc gia theo đuổi con đường làm giàu từ không gian.
Mặt Trăng được ví như "Vịnh Ba Tư của Hệ Mặt Trời". Hình minh họa
Hiển nhiên, khi Trung Quốc "hồi sinh" cuộc đua lên vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất này, Nga, Mỹ và nhiều nước khác lập tức sốt sắng tựa như "Cơn sốt vàng California" điên cuồng diễn ra tại Mỹ những năm từ 1848 đến 1855.
Không tự nhiên mà các nhà khoa học gọi Mặt Trăng là "Vịnh Ba Tư của Thái Dương Hệ". Vệ tinh nặng bằng 2% khối lượng Trái Đất(3) này thực sự là một "mỏ kho báu" quý hiếm, tuyệt vời. Ước tính, Mặt Trăng chưa vàng, bạch kim, bạc, titan. Quan trọng hơn hết, Mặt Trăng chứa lượng Helium-3 khổng lồ.
Helium chính là "hàng quý" cực kỳ đắt đỏ và hiếm có trên Trái Đất. 15 tấn là tổng lượng Helium-3 có trên Trái Đất. Trong khi, theo nhận định của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc (CLEP), Helium-3 trên Mặt Trăng có thể lên tới 5 triệu tấn!
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ năm 2010, 1 gram Helium-3 có giá đến 15.000 USD, đắt gấp 300 lần so với giá vàng hoặc bạch kim cùng trọng lượng.
Sở dĩ, Helium-3 đắt đỏ là vì nó được xem là nguồn năng lượng hạt nhân "sạch", nghĩa là không phóng xạ và không tạo ra các thải phầm nguy hiểm trong lò phản ứng nhiệt hạch.
Người Trung Quốc hiểu rất rõ điều đó. Họ hiều giá trị to lớn mà Helium-3 mang lại. Và Chang'e-4 chính là "quân bài chiến lược" để Trung Quốc hiện thực hóa khát mong khai thác nguồn khoáng sản siêu hiếm mà chưa một quốc gia nào trên thế giới từng làm. Đó là sự nguy hiểm thâm sâu khiến Mỹ, Nga phải đặc biệt chú ý.
Trả lời phỏng vấn của Washingtonpost năm 2018, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết: "Khai khoáng không gian đã mang lại số tiền là 340 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng, con số sẽ tăng lên hàng nghìn tỷ USD trong nhiều năm tới. Không gian chắc chắn là nguồn mỏ cực lớn, mang đến cho Mỹ cơ hội làm giàu chưa từng có trong lịch sử..."
Hơn ai hết, các cường quốc công nghệ trên thế giới nắm rõ tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân. Việc khai thác helium-3 trên Mặt Trăng không chỉ lấp đầy khoảng trống thiếu hụt nguồn năng lượng tuyệt vời này trên Trái Đất, mà trong tương lai nó còn là "trạm xăng" để các phát triển các thế hệ tàu vũ trụ thực hiện các sứ mệnh xa hơn.
Rõ ràng, "lục địa thứ 8 của Trái Đất" đang là mảnh đất vô cùng tiềm năng và béo bở để các cường quốc thể hiện năng lực công nghệ không gian hiện đại (có khả năng đổ bổ lên Mặt Trăng) cũng như là đích đến trong cuộc đua chiếm ưu thế dành "kho báu" trị giá hàng tỷ đô này.
Đón đọc kỳ sau: Cuộc đua lên Mặt Trăng - Tốn tiền tỷ: Nói thì dễ, làm mới khó.
Chú thích:
(1) Trái Đất có 7 lục địa theo quy ước của các nước Tây Âu và phần lớn các nước nói tiếng Anh cũng như Trung Quốc và Ấn Độ. Gồm: châu Phi, châu Âu, châu Á, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Nam Cực Úc (hay châu Đại Dương).
(2) Vịnh Ba Tư là vùng vành đai nông của Ấn Độ Dương, nằm giữa Bán đảo Ả Rập và vùng tây nam Iran. Vịnh này là nguồn cung cấp dầu thô lớn nhất thế giới. Ngoài dầu thô, Vịnh Ba Tư còn có dự trữ khí đốt thiên nhiên rất lớn.
(3) Khối lượng Trái Đất, ký hiệu: M⊕, là một đơn vị thiên văn, bằng chính khối lượng của Trái Đất: 5,9722 × 1024 kg.
Bài viết sử dụng nguồn: Washingtonpost, Spacesafety Magazine