Đài quan sát thiên văn Mauna Loa ở quần đảo Hawaii (Mỹ) - nơi đã theo dõi mức độ CO2 trong khí quyển từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước - đã ghi nhận nồng độ khí CO2 ở mức 415,26 phần triệu (ppm) vào ngày 11/5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên Đài quan sát Mauna Loa ghi nhận chỉ số CO2 vượt ngưỡng 415 ppm trong ngày.
Lần gần đây nhất bầu khí quyển của Trái Đất có nồng độ CO2 cao đến mức này là thời điểm cách đây hơn 3 triệu năm, khi mực nước biển toàn cầu cao hơn vài mét và rừng che phủ một số khu vực ở Nam Cực.
Chuyên gia Wolfgang Lucht thuộc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam (Đức) nhận định chỉ số trên cho thấy thế giới "đang không đi đúng hướng trong việc bảo vệ khí hậu, vì chỉ số cứ tăng và mỗi năm một cao hơn".
Ông nhấn mạnh "cần phải ổn định" chỉ số nồng độ CO2.Trong khi đó, ông Ralph Keeling - Giám đốc Chương trình CO2 của Viện Hải dương học Scripps - cho rằng nồng độ CO2 trong không khí có thể sẽ tiếp tục chiều hướng tăng trong suốt năm 2019, theo đó năm nay có thể xảy ra hiện tượng El Nino, trong đó nhiệt độ tăng do dòng hải lưu ấm hơn.
Nồng độ khí nhà kính CO2 cao là một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính khiến không khí Trái Đất nóng lên, đồng thời làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu. Năm 2013, Đài quan sát Mauna Loa lần đầu tiên ghi nhận nồng độ CO2 trong khí quyển Trái Đất vượt ngưỡng 400 ppm. Kể từ đó, nồng độ CO2 thường xuyên trên mức 400 ppm.