Có lẽ ai cũng biết rằng việc đốt các loại nhiên liệu hóa thạch như than, dầu mỏ... sẽ tạo ra CO2 và các khí nhà kính khiến Trái đất ngày càng nóng lên.
Để giải quyết câu chuyện này, cách duy nhất từ trước đến nay loài người vẫn làm là tích cực trồng rừng, lợi dụng quá trình quang hợp của cây xanh. Nhưng mới đây, các chuyên gia từ Viện công nghệ Hoàng gia Melbourne - RMIT - đã có một giải pháp tuyệt vời hơn: họ đã tìm ra một cách biến CO2 trong không khí trở thành tinh thể carbon.
Hay nói cách khác, chúng ta có thể đảo ngược quá trình, biến CO2 trở lại thành than đá. Tuyệt hơn nữa, phương pháp này có hiệu quả cao và giá lại rất rẻ.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên con người tìm cách xử lý CO2 mà không viện đến cây xanh. Trước kia, các nhà khoa học đã thử biến CO2 thành dạng lỏng, sau đó bơm xuống lòng đất. Tuy nhiên làm vậy không hề dễ, lại có khả năng CO2 bị rò rỉ, tạo ra một cú sốc khí hậu nguy hiểm.
Còn với phương án lần này, chúng ta sẽ không cần lo về rủi ro ấy nữa, vì CO2 sẽ được chuyển về dạng rắn. Ngoài ra, nó được thiết kế để áp dụng lên quy mô lớn, với giá rẻ hơn rất nhiều.
"Chúng ta không thể quay về quá khứ, nhưng việc biến CO2 thành than đá và chôn chúng xuống đất quả thật là giống như đảo ngược quá trình ô nhiễm vậy," - trích lời tiến sĩ Torben Daeneke, đồng tác giả nghiên cứu.
"Ở thời điểm hiện tại, CO2 chỉ có thể về dạng rắn ở nhiệt độ rất cao, nên tính ứng dụng là không cao. Nhưng chúng tôi sử dụng kim loại dạng lỏng để làm chất xúc tác, nên có thể biến CO2 thành than ngay trong nhiệt độ phòng, lại hiệu quả và quy mô cao hơn nhiều,"
Cụ thể trong thí nghiệm, các chuyên gia sử dụng một hỗn hợp kim loại lỏng gồm gali, indium, thiếc và cerium. Hỗn hợp được đưa vào ống thủy tinh, nối với một sợi dây điện, sau đó CO2 nguyên chất được đưa thẳng vào trong.
Kết quả, CO2 tạo thành một lớp carbon nổi trên bề mặt hỗn hợp, và có thể loại bỏ để quá trình tiếp tục diễn ra.
Điều tuyệt vời nhất của phương pháp này, đó là sản phẩm tạo thành sau quá trình là lớp carbon và oxy nguyên chất. Carbon có thể bị chôn ngược lại lòng đất, hoặc được sử dụng để chế tạo vật liệu từ sợi carbon chẳng hạn.
"Một lợi ích khác là carbon có thể giữ lại điện, tạo thành tụ điện và mang tiềm năng ứng dụng với các phương tiện trong tương lai." - tiến sĩ Dorna Esrafilzadeh, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Đây là nghiên cứu xử lý CO2 đầu tiên mang tính chất thực tế như vậy, đánh thẳng vào nhu cầu của con người. Theo thống kê thì kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp trong thế kỷ 20, con người đã bơm vào khí quyển hơn 1.300 tỉ tấn CO2, trong đó 1/3 là từ những năm 2000.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.