Các nhà khoa học và kỹ sư ở Công ty Reykjavik Energy, ĐH Iceland, Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp và ĐH Columbia (Mỹ) đã tham gia Dự án CarbFix. Họ đã biến đổi một trong những nhà máy địa nhiệt điện lớn nhất thế giới ở Hellisheidi (Iceland) thành phòng thí nghiệm.
Nhà máy địa nhiệt điện nói trên nằm trong khu vực núi lửa Hengill ở phía Tây Nam Iceland. Nó được xây dựng trên lớp đá basalt hình thành từ dung nham nguội và tiếp cận với nguồn nước dồi dào.
Hệ thống bơm của nhà máy bơm nước dưới chân núi lửa để vận hành 6 turbine, cung cấp điện năng và nhiệt cho thủ đô Reykjavik (Iceland) ở cách đó khoảng 30 km. Trong quá trình này, CO2 từ không khí bị “tóm bắt”, ngưng tụ và sau đó hòa tan vào. “Về nguyên tắc, chúng tôi sản xuất nước soda từ CO2” - bà Edda Sif Aradottir - Giám đốc dự án, cho biết như vậy.
Tiếp theo, nước có ga được phun với áp suất lớn vào đá ở độ sâu 1.000 mét dưới mặt đất. Tại đó, nước lấp đầy các chỗ trống trong đá. Khí CO2 trong nước bắt đầu phản ứng với đá vôi, magie và sắt chứa trong basalt. Bằng cách này, CO2 biến đổi thành đá và thời gian diễn ra quá trình này được rút ngắn. Thay cho hàng ngàn năm, quá trình “hóa đá” chỉ kéo dài 2 năm.
“Nhờ phương pháp này, chúng tôi đã thay đổi được quy mô thời gian của quá trình” – nhà địa chất học Sandra Osk Snaebjornsdottir (ĐH Iceland) cho biết như vậy.
Hằng năm, các núi lửa ở Iceland ném ra không khí từ 1 triệu đến 2 triệu tấn CO2. Dự án CarbFix giảm thiểu phát thải CO2 khoảng 12.000 tấn. Chi phí lưu giữ CO2 là khoảng 25 USD/tấn.
Nhược điểm chính của phương pháp này là đòi hỏi phải có một lượng lớn nước ngọt. Để lưu giữ một tấn khí CO2, cần 25 tấn nước. Hiện tại, các nhà khoa học đang thực hiện thí nghiệm sử dụng nước biển khử mặn để lưu trữ CO2.