Top 5 vũ khí và "lực lượng giấu mặt" gây sốt trong năm 2017

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Trong danh sách này, có thể thấy sự xuất hiện dày đặc của các loại tên lửa.

Năm 2017 đã khép lại nhưng những cuộc xung đột trên thế giới không hề giảm mà có chiều hướng gia tăng ở khắp các châu lục.

Các điểm nóng ở Trung Đông, bán đảo Triều Tiên không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, các khu vực như Philippines, Ukraine tình hình bất ổn vẫn diễn biến phức tạp.

Tại một số chiến trường, các bên tham chiến tiếp tục đối đầu khốc liệt, tung ra gần như mọi loại vũ khí có trong tay.

Dưới đây là những loại vũ khí gây chú ý nhiều nhất tại những điểm nóng trên thế giới trong năm qua. Bên cạnh đó, không thể không kể đến một "lực lượng giấu mặt" góp phần mang lại chiến thắng cho Mỹ và Nga tại Iraq và Syria.

1. Tên lửa chống tăng Javelin

Javelin là thống tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) của Mỹ. Đây là loại tên lửa chống tăng thế hệ 3 đầu tiên, được sử dụng để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép, các phương tiện cơ giới, các hỏa điểm, trận địa pháo binh, súng cối nguy hại. Thậm chí nó còn có thể tiêu diệt các loại máy bay bay thấp như trực thăng.

Javelin hoạt động theo nguyên lý "bắn - quên", trên đầu đạn tên lửa được trang bị một bộ tìm kiếm ảnh hồng ngoại, cho phép tên lửa tự tìm mục tiêu sau khi bắn đi.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của Mỹ

Quỹ đạo bay kiểu cầu vồng cho phép tên lửa tấn công từ phía trên nóc xe, đây là nơi thường có lớp giáp mỏng yếu nên hiệu quả tiêu diệt mục tiêu cao. Bên cạnh đó, tên lửa Javelin cũng áp dụng phương thức tấn công trực tiếp bằng cách bắn thẳng vào các tòa nhà hay các công sự.

Hiện nay, chỉ có hai nước là Mỹ và Israel sở hữu công nghệ sản xuất tên lửa thế hệ 3 này.

Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố, kể từ năm 2018, Mỹ sẽ cung cấp ATGM Javelin cho Ukraine và Gruzia. Việc chuyển giao ATGM cho Ukraine diễn ra trong khuôn khổ "Sáng kiến hỗ trợ cho Ukraine trong lĩnh vực an ninh". Ngoài ra, trong tháng 11, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thông qua việc bán tên lửa Javelin cho Gruzia.

Theo lý giải của Bộ Ngoại giao Mỹ, việc bán vũ khí cho Gruzia và Ukraine sẽ giúp tăng cường chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên việc này đã gây căng thẳng trong quan hệ Nga, Mỹ.

2. Tên lửa hành trình

Cả Nga và Mỹ đều sử dụng các loại tên lửa hành trình khác nhau để giải quyết vấn đề xung đột tại Syria.

Không rõ hiệu quả của các cuộc tiến công này đến đâu nhưng việc Nga sử dụng tên lửa hành trình tầm xa để tấn công quân khủng bố tại Syria đã gióng lên hồi chuông chấm dứt thế độc quyền của Mỹ trong lĩnh vực chế tạo và sử dụng các loại vũ khí hiện đại.

Tên lửa hành trình Tomahawk được quân đội Mỹ sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất (1991), mệnh danh là "Sứ giả chiến tranh" vì nó luôn được triển khai trong những giai đoạn đầu của cuộc chiến. Trước kia loại tên lửa này là độc quyền của người Mỹ.

Tới tháng 4/2017, lấy cớ quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân, Mỹ đã phóng gần 60 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs - Syria, gây một số thiệt hại cho quân đội Syria.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 2.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 3.

Cơ chế tiêu diệt mục tiêu của tên lửa hành trình Tomahawk (trên) và Kalibr (dưới)

Không chịu kém cạnh, lực lượng Nga tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria cũng phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của phiến quân nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Trong năm 2017, loại tên lửa hành trình này của Nga chủ yếu được phóng đi từ tàu ngầm Kilo tại khu vực biển Địa Trung Hải.

Bên cạnh đó, Nga cũng lần đầu sử dụng trong thực chiến tên lửa hành trình Kh-101 phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3, Tu-95M và Tu-160. Đây là 3 loại máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga. Kết quả, tên lửa Kh-101 đều bắn trúng các mục tiêu của quân khủng bố. Điều này đã gây kinh ngạc cho giới quân sự của các nước.

3. Tên lửa đạn đạo Hwasong-15

Trong năm 2017, dư luận thế giới liên tục dậy sóng bởi các cuộc thử tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên. Trong đó sự kiện gây chú ý nhất là việc Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-15.

Ngày 29/11/2017, Triều Tiên đã phóng thử ICBM Hwasong-15, tên lửa này đã đạt độ cao hành trình 4.485 km và bay được quãng đường 950 km trước khi rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.

Triều Tiên công bố toàn cảnh vụ phóng tên lửa ngày 29/11

Theo giới chuyên gia, đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của Hwasong-15 có thể cho phép nó bắn đến các mục tiêu trên lục địa Mỹ.

Vụ thử tên lửa Hwasong-15 tiếp tục bị cộng đồng quốc tế lên án nhưng Triều Tiên đã không ngần ngại tuyên bố trước cộng đồng quốc tế rằng, với tên lửa Hwasong-15, họ có thể đặt bất kỳ mục tiêu nào của nước Mỹ trong tầm bắn. Giới chức lãnh đạo Mỹ chắc không vui vẻ gì khi nghe những tuyên bố như vậy của Triều Tiên.

4. Các tổ hợp tên lửa phòng không di động

Kết quả logic của việc các quốc gia sử dụng rộng rãi tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo là tăng cường vai trò địa chính trị của các hệ thống phòng không, kể cả ở Nga và Mỹ.

S-400 Triumph là hệ thống tên lửa phòng không do Nga sản xuất, được coi là hiện đại nhất trong thời điểm hiện nay.

Đây là hệ thống phòng không đa nhiệm, có thể tiêu diệt các khí cụ bay từ các loại có tốc độ cao như tên lửa đạn đạo giai đoạn cuối hành trình, đến các loại máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, máy bay không người lái...

Hiện nay Nga đang triển khai 2 đơn vị tên lửa S-400 để bảo vệ căn cứ không quân Khmeimim ở Syria. Với độ bao trùm rộng lớn, S-400 bảo vệ không phận của hầu hết khu vực đông dân cư phía tây Syria.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 5.

Tổ hợp tên lửa phòng không giai đoạn cuối THAAD (Mỹ) và S-400 Triumph (Nga)

Hiện tại, Nga đã ký hợp đồng cung cấp S-400 cho Trung Quốc. Một thành viên của NATO là Thổ Nhĩ Kỳ đã chốt thời gian giao S-400 với Nga, trong khi đồng minh khác của Mỹ là Saudi Arabia cũng đang đàm phán để mua S-400.

Trong khi đó, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ, với những tính năng gần tương đương S-400, được thiết kế để tiêu diệt tất cả các khí cụ bay, kể cả tên lửa đạn đạo.

Hiện nay, Saudi Arabia đã mua và triển khai các hệ thống này nhằm chống lại các cuộc tiến công bằng tên lửa Scud của lực lượng nổi dậy ở Yemen. Bên cạnh đó, quân đội Mỹ cũng đã triển khai các hệ thống Patriot tại căn cứ quân sự của họ ở Nhật Bản, sẵn sàng đẩy lùi mối đe dọa từ tên lửa của Triều Tiên.

Ngoài Mỹ, các quốc gia đồng minh như Đức, Hà Lan, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Saudi Arabia, Kuwait và UAE cũng đều mua hệ thống phòng không tiên tiến Patriot. Gần đây nhất, Ba Lan, một thành viên chủ chốt trong khối Warszawa cũ, cũng đã ký hợp đồng mua hệ thống này.

Năm 2017 cũng chứng kiến hệ thống tên lửa phòng không tầm cao THAAD của Mỹ lên ngôi. Đây là hệ thống tên lửa chuyên để đánh chặn tên lửa đạn đạo pha giữa và cuối hành trình.

Với tính năng đáng kinh ngạc, đầu đạn tên lửa đánh chặn THAAD không sử dụng đầu đạn nổ phá thông thường mà dùng sự va chạm động năng trực tiếp để kết liễu mục tiêu. Ngoài ra, radar của hệ thống THAAD có thể phát hiện mục tiêu như tên lửa đạn đạo ở khoảng cách lên tới 1.000 km.

Tầm đánh chặn xa, khả năng chính xác gần như tuyệt đối biến THAAD thành hệ thống đánh chặn không đối thủ. Chính vì vậy, khi được Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, hệ thống này bị Trung Quốc và Nga phản ứng dữ dội.

Hiện nay, Mỹ đã sử dụng hệ thống THAAD để bảo vệ các căn cứ quân sự lớn của mình và triển khai tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Saudi Arabia cũng đang đàm phán để mua hệ thống phòng không đắt đỏ này.

5. Công ty quân sự tư nhân

Năm 2017 cũng chứng kiến sự lên ngôi của các công ty quân sự tư nhân (Private Military Company - PMC). Chưa ai kiểm chứng được những thành tích chiến đấu của các công ty quân sự tư nhân trong các cuộc xung đột cục bộ nhưng đây là một dịch vụ không thể thiếu với các bên tham chiến.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 6.

Lực lượng PMC phục vụ cho quân đội Mỹ ở Iraq.

Một trong những ưu điểm của PMC là không cần thiết phải giải trình về hoạt động của họ, ngoại trừ khách hàng (nếu muốn).

Mặc dù từ trước đến nay, giới chức Nga luôn phủ nhận việc sử dụng lính đánh thuê ở Ukraine và Syria nhưng xét theo thông tin rò rỉ trên Internet, rõ ràng cả lực lượng Mỹ ở Iraq và phía Nga ở Syria đều khó có thể thể hoàn thành nhiệm vụ, nếu không có sự trợ giúp của các chuyên gia PMC.

Top 5 vũ khí và lực lượng giấu mặt gây sốt trong năm 2017 - Ảnh 7.

Hình ảnh được cho là 3 lính đánh thuê Nga chụp với các binh sĩ quân chính phủ Syria tại Latakia tháng 1/2016

Lính PMC là những người thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu không vì mục đích, lý tưởng gì mà chỉ đơn thuần từ lợi ích vật chất nhưng đều được huấn luyện tốt, tổ chức chặt chẽ và có ý thức kỷ luật cao. Điều đó cho phép họ sử dụng bất kỳ loại vũ khí nào và thích ứng với bất kỳ chiến thuật nào trong chiến đấu, dễ dàng giải quyết các nhiệm vụ khó khăn nhất.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại