Tàu sân bay hay hàng không mẫu hạm được biết đến như là những "kỳ quan quân sự di động" trên thế giới. Không như các tàu chiến mang pháo hay tên lửa, tàu sân bay thiết kế với một sân bay như trên đất liền phục vụ hoạt động của vài chục tới cả trăm máy bay chiến đấu, vận tải, trực thăng,...
Với tàu sân bay, hải quân các nước có thể triển khai không quân ở các khoảng cách rất lớn, thậm chí trên toàn cầu mà không cần những căn cứ quy mô đồ sộ.
Thế nên, kể từ khi xuất hiện, tàu sân bay nhanh chóng được phát triển mạnh mẽ với nhiều kiểu loại và ngày càng hoàn hảo hơn.
Những siêu tàu sân bay hiện nay có thể chở tới 100 máy bay các loại gồm cả máy bay vận tải, sử dụng năng lượng hạt nhân với tầm hoạt động không có giới hạn, có thể tới bất kỳ đầu trên khắp toàn cầu giáng các đòn không kích kinh hoàng nhất mà vẫn an toàn.
Dẫu vậy, không phải chiếc tàu sân bay nào sinh ra cũng hoàn hảo, dù công nghệ phát triển mạnh mẽ, thế nhưng hiện nay vẫn có một số chiếc được xem là "thảm họa".
Tàu sân bay ra biển phải có tàu kéo "hộ tống"!
Thật vậy, một trong những chiếc tàu sân bay "thảm họa" là "Đô đốc Kuznetsov" của Hải quân Nga – một trong các cường quốc quân sự đáng gờm nhất thế giới.
Nghe hơi buồn cười nhưng đó là sự thật, nói một chút về lịch sử, Liên Xô (nước Nga hiện tại) không phải là quốc gia mạnh về tàu sân bay.
Các tàu sân bay mà Liên Xô (cũ) chế tạo từ những năm 1960-1970 được họ phân loại là "tuần dương hạm hạng nặng chở máy bay" hơn là hàng không mẫu hạm.
Những chiếc tàu đó thường được vũ trang "cực nặng" gồm hệ thống tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa phòng không tới hàng chục đơn vị, chỉ một phần boong được dùng làm sân bay.
Phải tới những năm 1980-1990, họ mới thực sự tạo ra một chiếc tàu sân bay "truyền thống". Điển hình là chiếc Đô đốc Kuznetsov, dù rằng nó vẫn được xếp vào phân loại "tuần dương hạm chở máy bay".
Người ta đã khéo léo đưa các hệ thống tên lửa hạng nặng xuống dưới boong tàu với hệ thống phóng nghiêng hoặc thẳng đứng. Phía trên là mặt boong lớn cho phép triển khai các tiêm kích hạm Su-33 hiện đại.
Đô đốc Kuznetsov xả khói mù mịt trong hành trình tới Syria từng là "trò đàm tếu" trên các phương tiện truyền thông phương Tây.
Nghe qua thì tàu sân bay Nga có khả năng "công thủ toàn diện" vượt trội sức mạnh tàu sân bay Mỹ vốn phải cần đội hộ tống hùng hậu bảo vệ.
Tuy nhiên, Đô đốc Kuznetsov suốt quá trình phục vụ lại không thể hiện được nhiều, thậm chí là xảy ra vô số sự cố khiến nó bị coi là "của nợ".
Kể từ khi trở thành một phần của hạm đội Hải quân Nga năm 1991, con tàu liên tục gặp sự cố kỹ thuật khác nhau với cái kết bi thảm. Chẳng hạn, trong một lần chập điện khi hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2009, một thủy thủ đã thiệt mạng.
Còn ở lần hoạt động tác chiến gần đây nhất trên biển Địa Trung Hải, hai chiếc máy bay tiêm kích hạm gồm 1 MiG-29K và 1 Su-33 đã gặp nạn. Vấn đề sau đó cùng được xác định là do hệ thống cáp hãm đà trên Kuznetsov.
Nhưng nghiêm trọng nhất là các vấn đề xoay quanh hệ thống động cơ hơi nước của tàu, nó liên tục gặp sự cố.
Sự việc "căng thẳng" tới mức Kuznetsov mỗi khi ra biển người ta thường phải điều tàu kéo theo cùng.
Bên cạnh đó, nhiên liệu cũng là điểm yếu của tàu sân bay "độc nhất" của Nga, nó cần phải bổ sung liên tục. Điều này ảnh hưởng tới khả năng hoạt động độc lập của tàu.
Ngày 14/2/2009, chương trình giám sát vệ tinh CleanSeaNet của Cơ quan An toàn hàng hải châu Âu (EMSA) phát hiện vệt dầu loang cách đảo Cork (Ireland) 80km về phía Tây Nam.
EMSA cho rằng dầu bị đổ trong quá trình tiếp nhiên liệu của "Đô đốc Kuznetsov". Tuy nhiên Quân đội Nga phủ nhận mọi thứ.
Ngay cả khi đã lên dock để sửa chữa hiện đại hóa, vận xui vẫn không thôi đeo bám Kuznetsov khi xảy ra sự cố đổ cần cẩu gây hỏng mặt boong.
Dự kiến, năm 2021, "Đô đốc Kuznetsov" sẽ trở lại biên chế Hải quân Nga. Tuy nhiên, người ta không thể dám chắc liệu rằng sự cố sẽ chấm hết ở đây hay vẫn tiếp diễn!
"Tàu sân bay thời Liên Xô" trông thế này đây!
Hỏng nhiều tới mức yêu cầu bảo hành "kỷ lục" 40 năm
Đó là câu chuyện xảy ra với một chiếc tàu sân bay khác cũng mang thương hiệu "Made in Russia" nhưng nằm trong biên chế Hải quân Ấn Độ - INS Vikramaditya.
Lần về lịch sử, Vikramaditya được cải tạo lại từ "tuần dương hạm chở máy bay" Đô đốc Gorshkov do Liên Xô chế tạo từ cuối những năm 1970.
Thiết kế ban đầu của nó hệt như tuần dương hạm, khác hẳn với các tàu sân bay truyền thống. Boong tàu được chia làm hai phần, một bên đặt toàn bộ kết cấu thượng tầng và hệ thống tên lửa, pháo hạm đồ sộ, phần còn lại là sân bay "vừa phải".
Con tàu chỉ có khả năng cung cấp hoạt động cho trực thăng và các máy bay cất hạ cánh thẳng đứng Yak-38.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga không còn đủ khả năng duy trì và sớm cho nó "về vườn" năm 1996. Tháng 1/2004, Ấn Độ mua lại con tàu với giá 2,35 tỷ.
Tất nhiên, họ không thích kiểu thiết kế "nửa nạc nửa mỡ" mà đặt hàng phía Nga cải tạo thành tàu sân bay truyền thống.
Tàu sân bay INS Vikramaditya.
Dẫu vậy, việc yếu về công nghệ cũng như thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển tàu sân bay "bình thường" đã khiến công việc này kéo dài và phải tới tận năm 2013 mới có thể bàn giao cho Ấn Độ với chi phí "đội" lên đáng kể.
Đô đốc Gorshkov thay đổi hoàn toàn từ họ tên tới ngoại hình, toàn bộ vũ khí được tháo bỏ trả lại mặt boong lớn cho phép nó mang các loại máy bay cánh bằng thông thường.
Thế nhưng, các vấn đề "cốt lõi" của nó thì không thay đổi. Ngay chuyến đi biển đầu tiên ngày 17/9/2012, 7 trong số 8 nồi hơi trên tàu bị hỏng.
Các cuộc điều tra của Nga sau đó cho rằng vấn đề là do vật liệu cách nhiệt do Trung Quốc sản xuất kém chất lượng dẫn tới sự cố. Trong khi có nguồn thì cho là do tay nghề của phía nhà máy Nga...
Dĩ nhiên, điều tra thì cứ việc còn tàu thì vẫn phải nhận dẫu cho sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Để chắc ăn, người Ấn sau đó đã phải yêu cầu phía Nga gia hạn bảo hành tàu sân bay lên 40 năm, tức là gần như toàn bộ vòng đời của con tàu.
Mua "tàu sân bay bảo tàng" và cái kết đắng!
Cũng là thân phận người đi mua tàu chiến lớn nhất hành tinh, nhưng khoản đầu tư của Hải quân Brazil cho tàu sân bay xem ra còn thảm hơn Ấn Độ.
Năm 2000, trong nỗ lực nâng cao sức mạnh trên biển, Brazil đã mua lại tàu sân bay Foch của Pháp lúc này đã 40 tuổi. Con tàu được bán với giá rẻ nhất hành tinh – 30 triệu USD.
Brazil chỉ tốn thêm khoảng 100 triệu USD để đại tu sửa chữa lớn tàu sân bay. Khác với các tàu Nga, tàu của Pháp được trang bị máy phóng thủy lực thay cho kiểu boong phóng nhảy cầu.
Thiết kế như vậy cho phép triển khai các máy bay cỡ lớn như vận tải cơ hay máy bay cảnh báo sớm.
Sao Paulo (A12) thi "xả khói" với Kuznetsov.
Đáng tiếc, "ngày vui ngắn chẳng tày gang", kể từ khi đưa vào sử dụng, tàu sân bay Sao Paulo (A12) liên tục gặp vận xui.
Nghiêm trọng nhất, ngày 17/5/2004, một vụ nổ xảy ra trong phòng máy khiến 3 thủy thủ thiệt mạng, hơn 10 người bị thương.
Sau tai nạn này, 5 năm sau đó (2005-2010), Brazil "kiên trì, nhẫn nại" thực hiện chương trình nâng cấp toàn diện con tàu.
Mọi việc diễn ra khá thuận lợi, các công việc thử nghiệm thực hiện vào cuối năm 2010. Dự kiến, Sao Paulo trở lại hạm đội vào cuối năm 2013.
Thế nhưng, một sự cố hỏa hoạn lại xảy ra trong năm 2012 khiến một thủy thủ thiệt mạng, hai người khác bị thương.
Sau đó, ù cho nó vẫn được chấp nhận hoạt động trở lại nhưng chỉ 4 năm sau tiếp tục phải quay lại nhà máy nâng cấp sau khi được báo cáo có vấn đề với động cơ và hệ thống phóng máy bay.
Kiên nhẫn tới mấy thì cũng có giới hạn, sau khi xem xét mọi vấn đề về chi phí, tháng 2/2017 Hải quân Brazil tuyên bố cho nghỉ hưu tàu sân bay Sao Paulo (A12).
Ngày 22/11/2018, con tàu chính thức "rời nhiệm sở" sau quãng đời 18 năm nhọc nhằn với người chủ thứ 2.
Khoản đầu tư này nhìn chung là một thất bại với Hải quân Brazil, hoạt động tác chiến thì chẳng bao nhiêu mà sửa thì lắm!
Trên đây là những câu chuyện với cái kết thảm mua tàu sân bay cũ, và thiết kế "lỗi" ngay từ đầu. Tuy vậy, "vận xui thì chẳng từ một ai", ngay cả tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng gặp vô số sự cố.
Hiện đại vẫn lỗi: "Đen thôi đỏ quên đi"
Đó là câu chuyện "đen đủi" của tàu sân bay hạt nhân "độc nhất" châu Âu – Charles de Gaulle của Hải quân Cộng hòa Pháp.
Hạ thủy ngày 7/5/1994, Charles de Gaulle được xem là "niềm tự hào lớn" của Hải quân Pháp. Họ là quốc gia duy nhất ở châu Âu đóng được tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, sử dụng máy phóng thủy lực công nghệ Mỹ cực kỳ tiên tiến.
Thế nhưng, có lẽ là lần đầu tiên "phiêu lưu" trên mặt nước bằng năng lượng nguyên tử nên người Pháp không có mấy kinh nghiệm.
Ngay từ khi đưa vào sử dụng, tàu sân bay số 1 châu Âu phải gặp phải vô vàn trục trặc hệ thống làm mát lò phản ứng hạt nhân, rung lắc bất thường và các vấn đề với lớp phủ mặt boong kém chất lượng.
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp.
Ngay trong các cuộc thử nghiệm, Hải quân Pháp "hoảng hốt" khi nhận ra sân bay của tàu ngắn hơn so với yêu cầu cần thiết để máy bay cảnh báo sớm E-2 có thể hạ cánh an toàn.
Chuyến đi đầu tiên của Charles de Gaulle cũng gặp cả đống sự cố, nghiêm trọng nhất khi đang hoạt động ở vùng biển Caribbean, chân vịt bên phải bất ngờ bị hỏng.
Sau khi tạm khắc phục sự cố bằng chân vịt dự phòng lấy từ lớp tàu sân bay Clemenceau, người ta yêu cầu thủy thủ đoàn không được phép vượt quá tốc độ 24 hải lý/h, dù thiết kế tối đa đến 27 hải lý/h.
Sự cố chân vịt vẫn tiếp diễn sau đó tới tận tháng 7 và 10/2001, thủy thủ đoàn ghi nhận tiềng ồn chân vịt mạn phải lớn bất thường tới 100dB khiến toàn bộ phần phía sau tàu không thể ở được.
Năm 2002, trong quá trình trở về căn cứ, một sự cố hạt nhân xảy ra khiến toàn bộ thủy thủ hứng chịu một lượng phóng xạ gấp năm lần.
Trở lại biển vừa sau một cuộc đại tu lớn từ năm 2007, ngày 14/10/2010, con tàu lên đường thực hiện sứ mệnh kéo dài 4 tháng ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên sự cố về điện năng đã khiến nhiệm vụ giảm xuống còn...1 ngày.
Sau lần đại tu gần đây nhất từ tháng 2/2017 tới tháng 9/2018, tàu sân bay Charles de Gaulle chưa có sự cố nào mới nhưng giới chức Pháp đã bắt đầu nghiên cứu về việc phát triển tàu sân bay tương lai.
Video hoạt động của tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.