Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ VN: "Không nên bàn tiếp về cải tiến tiếng Việt của PGS Bùi Hiền"

Hoàng Đan |

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam cho biết, quan điểm của Hội là sẽ không tiếp tục bàn về đề xuất cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt của PGS Bùi Hiền.

Ngày 26/12, PGS.TS Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội đã tiếp tục công bố phần 2 đề xuất cải tiến tiếng Việt thành "tiếq Việt" gây xôn xao trong thời gian qua.

Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam cho biết, đã nắm được thông tin về việc này nhưng quan điểm của Hội sẽ không tiếp tục bàn về đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền.

"Vừa rồi, sau khi PGS Bùi Hiền công bố phần 1 chúng tôi đã nêu quan điểm còn giờ đây Hội không muốn có ý kiến gì và chúng ta cũng không nên bàn tiếp về đề xuất cải tiến tiếng Việt này nữa", PGS Tình nói.

Đồng thời, ông nhấn mạnh: "Lẽ ra PGS Bùi Hiền không nên công bố tiếp phần 2 của đề xuất cải tiến trong thời điểm này, tuy nhiên, việc công bố như vậy là quyền cá nhân và chúng tôi không có ý kiến".

Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam nhận định, việc cải tiến bảng chữ cái tiếng Việt hay cải tiến tiếng Việt là vấn đề rất lớn nên không thể chỉ qua một vài đề xuất, ý kiến mà cần có những hội thảo khoa học để bàn bạc, đánh giá, nghiên cứu kỹ càng, đưa ra đề xuất.

"Hội đang xin ý kiến các cơ quan chức năng để tổ chức một hội thảo khoa học cấp quốc gia để bàn bạc về việc này", PGS Tình nói thêm.

Còn PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt, Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Khoa Ngôn ngữ, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho hay, cá nhân ông không ủng hộ đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền.

Ông cũng cho rằng, dù tôn trọng quyền nghiên cứu khoa học, công trình của PGS Hiền nhưng ông không muốn nói, bàn luận thêm về đề xuất không có tính khả thi này.

Trong khi đó, trao đổi với PV, PGS Bùi Hiền cho rằng, ông công bố sớm phần 2 của đề xuất cải tiến tiếng Việt hơn so dự kiến (tháng 3/2018) không phải vì "bị ném đá" sau khi công bố phần cải tiến phụ âm.

"Mà trong tiếng Việt bao giờ cũng phải có hai phần phụ âm và nguyên âm luôn đi kèm với nhau. Có phụ âm chắc chắn phải có phần nguyên âm thì mới ghép được thành câu từ.

Thời gian qua dù có bị nhiều ý kiến phản đối gay gắt nhưng tôi cho đó là hiện tượng bình thường bởi công trình của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh.

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GD&ĐT cho biết vẫn chưa có chủ trương áp dụng phương án cải tiến chữ quốc ngữ nào, đó là việc của các nhà quản lý.

Việc tôi nghiên cứu dưới góc độ khoa học và mang tính cá nhân thì đó là quyền, đồng thời, tôi cũng không dùng đồng tiền nào của ngân sách cả", PGS Hiền nêu.

PGS Hiền khẳng định, cá nhân ông nhìn nhận những ý kiến bình luận thiếu thiện chí, thậm chí ác ý là chuyện bình thường bởi sẽ có người hiểu, có người chưa hiểu.

"Việc nghiên cứu khoa học tôi thử nghiệm, nếu thích thì mọi người có thể sử dụng, nếu không thì thôi có ai bắt ép người khác phải sử dụng nó cả", PGS Hiền bày tỏ.

Trong phần 2, PGS Bùi Hiền hoàn thiện nghiên cứu về nguyên âm của tiếng Việt.

Tác giả tìm cách phát hiện chính xác, đầy đủ hệ thống âm vị nguyên âm của tiếng Việt (Hà Nội), từ đó chọn ra những chữ cái tương ứng với từng âm vị trên nguyên tắc "một âm vị - một chữ cái".

Có hai vấn đề then chốt cần giải quyết dứt điểm là số lượng âm vị nguyên âm thực sự hiện có trong tiếng Việt và các chữ cái biểu đạt tương ứng và nguyên tắc tổ hợp các nguyên âm trong các âm tiết tiếng Việt.

Sau khi xác định xong hai hệ thống âm vị nguyên âm và phụ âm mới, cần ghép chúng lại thành bảng âm vị cùng chữ cái biểu đạt thống nhất và hoàn chỉnh của tiếng Hà Nội. Toàn bảng chữ cái (âm vị) tiếng Việt (Thủ đô Hà Nội) của PGS Bùi Hiền gồm 33 đơn vị.

Bảng chữ cái đọc theo kiểu mới vẫn giữ nguyên trật tự a - b - c. Những chữ cái in đậm để lưu ý rằng đó là những chữ đã mang giá trị âm vị mới (đọc kiểu cải tiến) thay cho những chữ cái đọc theo bảng chữ Quốc ngữ cũ.

Một số chữ cái sẽ hoàn toàn thay đổi về cách đọc như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại