Tuy vậy, khi chưa có bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ những lời cáo buộc đó, có lẽ điều hiện lên rõ ràng nhất đối với giới quan sát quốc tế vẫn chỉ là câu hỏi: Ai sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, từ sự vụ này?
Sedat Peker đã nói những gì?
Peker đã lần lượt tung lên mạng 5 video. Trong tất cả những video đó, y đều nhấn mạnh: Các chính khách cấp cao đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền có dính líu tới nhiều hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Những câu chuyện “thâm cung bí sử” được y kể lại, từ vị thế của một người trong cuộc. Và dĩ nhiên, những đoạn video ấy được lan truyền với tốc độ chóng mặt, để trở thành tâm điểm chú ý, không chỉ trong biên giới Thổ Nhĩ Kỳ mà trên phạm vi toàn cầu.
Thí dụ, theo Tin tức Arab (Arab News), tên trùm tội ác nhấn mạnh rằng y và băng đảng của mình chính là tác giả những vụ khủng bố tòa soạn báo Hurryiet vào năm 2015, theo “đơn đặt hàng” của một chính trị gia, với lý do là tờ báo ấy liên tục đăng tải các tin – bài chỉ trích Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan.
Sự vụ này, sau đó, đã thay đổi hoàn toàn quan điểm cũng như cách hành xử trên mặt báo của Aydin Dogan – chủ bút tòa soạn Hurryiet. Thậm chí, cuối cùng, ông ta còn phải chấp nhận bán tờ báo cho Tập đoàn truyền thông Demiroren – một hệ thống hoàn toàn đứng về phía chính phủ.
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “cái gai trong mắt” phương Tây, khi xích lại gần những kẻ thù cũ như Nga và Iran.
Đó là một thí dụ tiêu biểu, trong hàng chuỗi những hành động mờ ám, bí ẩn và phạm pháp được Peker bóc trần bằng 5 video của mình. Bản thân Peker cho rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều năm đã lảng tránh không động đến hắn.
Thậm chí Peker còn nói rằng Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu tiết lộ thông tin hắn đang bị các nhà chức trách điều tra. Theo Peker, sự tiết lộ này khiến hắn chạy trốn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, tránh bị khởi tố.
Đương nhiên, chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hoàn toàn bác bỏ tính xác thực của những câu chuyện đó. Cũng đương nhiên, chẳng có cuộc điều tra nào về những sự vụ này được tiến hành, bất chấp phản ứng từ các phe phái đối lập.
Và như thế, có lẽ, những tiết lộ của Sedat Peker sẽ vẫn chỉ là những tập hồ sơ bị treo, những giả thuyết, những câu chuyện phiếm…, cho đến khi thực sự có những biến động chính trị đủ lớn. Bởi, nếu Peker nói thật, thì ai cũng hiểu là các nhóm lợi ích bị y điểm mặt chỉ tên cũng đủ mạnh để tiếp tục vùi lấp sự thật trong bóng tối.
Song, rút cục thì sau nhiều tuần im lặng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Erdogan cũng đành phải lên tiếng trong một cuộc họp chính phủ mới đây: “Thật buồn khi một số người dân Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chấp nhận sự hỗ trợ từ mafia. Giống như các tổ chức khủng bố, tội chức tội phạm chính là những con rắn độc”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu “đăng đàn” và khẳng định rằng ông “sẵn sàng chấp nhận mọi sự trừng phạt, kể cả án tử hình, nếu mối liên hệ giữa ông với các tổ chức tội phạm được chứng minh”.
Có lẽ Tổng thống Erdogan đã lên tiếng hơi muộn, về những cáo buộc trong các video.
Bốn phía là kẻ thù
Tuy nhiên, những tác động và hệ quả của 5 video đó, đối với chính quyền đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.T.Erdogan, thì lại hiển hiện một cách rõ ràng nhất, đập thẳng vào mắt giới quan sát quốc tế.
Nói như Ibrahim Uslu - Trung tâm Nghiên cứu Xã hội Ankara (ANAR), phát biểu của Tổng thống Erdogan được đưa ra quá muộn màng. Theo ông, đáng lẽ đảng AKP phải có bày tỏ quan điểm cũng như hành động rõ ràng và dứt khoát đối với những tổ chức tội phạm, để tránh những hệ lụy như đang diễn ra trong hiện tại.
Hiện tại, Công ty Metropoll đã thực hiện khảo sát và thu được kết quả tỷ lệ ủng hộ AKP giảm 33% so với tháng 6-2018. Tổng thống Erdogan nay chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ 40%, đứng sau Mansur Yavas (thị trưởng Ankara) và Ekrem Imamoglu (thị trưởng Istanbul).
Mặc dù vậy, Ibrahim Uslu cho rằng: Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Erdogan suy giảm bắt nguồn chủ yếu từ khủng hoảng kinh tế và dịch COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải những video của Peker không ảnh hưởng trực tiếp.
Có điều, những đoạn băng ấy cũng có thể tác động đến lòng tin của dư luận với chính phủ về mặt dài hạn, khi gợi lại những ký ức về quãng thập niên 90 của thế kỷ trước, khi truyền thông địa phương đưa ra nhiều nghi vấn quan chức chính phủ cấp cao có dính líu với tội phạm. Một số vụ ám sát và mất tích liên quan đến chính giới khi đó đều được cho do tổ chức tội phạm giật dây.
Sedat Peker thời còn tung hoành.
Có điều, ngược với Uslu, nhiều diễn biến thực tế và nhiều luồng dư luận đang cho thấy là những gì Peker tiết lộ đang trở thành một khối thuốc nổ, khi những đối thủ chính trị của R.T.Erdogan không bỏ lỡ cơ hội công kích ông.
Không nên quên, những hành động trấn áp cứng rắn của Tổng thống R.T.Erdogan trước, trong và sau cuộc đảo chính quân sự bất thành năm 2016 đã tạo cho ông cũng như chính quyền của ông rất nhiều kẻ thù, cả trong nước lẫn quốc tế, cả ở lĩnh vực tôn giáo lẫn các luồng tư tưởng xem ông là độc tài.
Thổ Nhĩ Kỳ của ông, sau sự vụ đó, liên tục bị cả Mỹ lẫn Liên minh châu Âu (EU) chỉ trích về vấn đề nhân quyền (đặc biệt là sau khi Ankara tuyên bố xem mạng lưới do giáo sĩ Fethulla Gulen lãnh đạo là một tổ chức khủng bố, đồng thời phát lệnh truy nã đối với nhân vật này).
EU thậm chí còn đẩy vấn đề này lên thành một công cụ để “mặc cả” với Ankara, quanh những khúc mắc giữa hai phía, để thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận đóng vai trò một “con đê” hay một “phòng chờ” dành cho những đoàn người nhập cư bất hợp pháp, cũng như việc xem xét tiến trình trở thành thành viên EU đã bị đóng băng.
Peker trong một đoạn băng gây chấn động.
Bối cảnh ấy, dù muốn dù không, cũng đã khiến Erdogan ngày một trở nên “ngang ngạnh”, khi ông đưa đất nước của mình – thành viên với tiềm lực quân sự hùng hậu bậc nhất Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cũng nắm giữ vị trí “tiền đồn” của NATO ở phía Đông Âu – xích lại gần hơn với nước Nga.
Bầu không khí chuyển đổi từ thù địch sang thân thiện một cách chóng mặt giữa Ankara với Moskva, giữa chính quyền Erdogan với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, rõ ràng, là một “cái gai trong mắt” nước Mỹ.
Năm ngoái, khi Thổ Nhĩ Kỳ dự định thay thế các dàn lá chắn tên lửa Mỹ bằng những hệ thống tên lửa S-300 của Nga, cả Mỹ lẫn các đồng minh Tây Âu đều “phát sốt phát rét”, khi lo ngại rằng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng toàn cục.
Và hiện tại, dịch bệnh cũng như suy thoái kinh tế đang trở thành môi trường lý tưởng để những nhóm đối lập chính trị trong nước lên tiếng, khi tâm trạng xã hội đã tích tụ khá nhiều uẩn ức.
“Thổ Nhĩ Kỳ không còn là đất nước của riêng Erdogan nữa”, tờ Global Source Partners cảnh báo – “Chính quyền đang đối diện với một khối thống nhất các phe nhóm đối lập ngửi thấy mùi chiến thắng và sẵn sàng thực hiện những cuộc công kích – giờ đã trở nên dễ dàng hơn nhiều”.
Nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía chính phủ, trong cuộc đảo chính quân sự năm 2016.
Còn cựu Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ - Ahmet Davutoglu – đánh giá: “Mỗi ngày, lại thêm một chiếc hộp Pandora (Pandora box, thành ngữ châu Âu theo thần thoại Hy Lạp, chỉ những bí ẩn bất ngờ) được mở. Đây là một cuộc tranh giành quyền lực. Khi đã đi đến cuối con đường, người ta sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ quyền lực”.
Quả vậy, suốt những năm qua, Tổng thống R.T.Erdogan đã trụ vững trên đỉnh quyền lực. Có quá nhiều đối thủ muốn ông phải bị hạ bệ. Và bởi vậy, cũng chỉ là giả thuyết, việc một tên trùm tội ác đã chạy ra nước ngoài từ năm 2016, sau khi bị xem là khủng bố, đột nhiên muốn vén màn mọi bí mật chống lại chế độ đã từng mở cho y đường sống, liệu có phải một lần nữa cũng lại chỉ là thứ công cụ cạnh tranh chính trị nào đó hay không?