“Vẫn còn nhiều thứ không chắc chắn trong các vấn đề quốc tế đòi hỏi sự chú ý liên tục từ các quốc gia dẫn đầu, những cường quốc hạt nhân. Chính vì vậy, một hội nghị thượng đỉnh UNSC kịp thời là rất cần thiết và hữu hiệu”, đài Sputnik dẫn lời của nhà lãnh đạo Nga trả lời trong một cuộc phỏng vấn phát sóng trên truyền hình.
Trước đó, trong diễn đàn quốc tế Primakov Readings tổ chức trực tuyến ngày 10/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới giữa năm thành viên thường trực của UNSC, nước này vẫn sẽ giữ vững lập trường về việc không thể chấp nhận chiến tranh hạt nhân
“Chúng tôi đặc biệt quan ngại việc Mỹ từ chối tái khẳng định nguyên tắc cơ bản không thể có người chiến thắng trong chiến tranh hạt nhân. Tất nhiên, chúng tôi sẽ trình bày chủ đề này – rằng không thể chấp nhận chiến tranh hạt nhân, không thể chiến thắng trong cuộc chiến đó – tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới của 5 thành viên Hội đồng Bảo an thường trực”, hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Lavrov.
Tháng 1 vừa qua, tại Diễn đàn Holocaust Thế giới, Tổng thống Nga Putin đã đề xuất sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh 5 thành viên của HĐBA LHQ vào năm 2020. Nga đề nghị thảo luận về các nguyên tắc tập thể trong các vấn đề quốc tế, kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh khác cũng như khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19. Ngoại trưởng Lavrov tiết lộ Pháp và Trung Quốc đã nhất trí tham gia hội nghị.
Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với sáng kiến tổ chức một hội nghị thượng đỉnh “bộ ngũ hạt nhân”.
Dẫn lời Đại sứ Mỹ tại Nga John Sullivan, hãng tin Interfax cho biết hồi tháng 5, nhà lãnh đạo Mỹ đã gửi một thông điệp cho người đồng cấp Nga, nhấn mạnh sáng kiến trên là “ý tưởng tuyệt vời”. Tuy nhiên, chương trình nghị sự và chi tiết thời gian, địa điểm diễn ra cuộc gặp vẫn đang được thảo luận.
Vừa qua, phái đoàn cấp cao Mỹ và Nga nối lại các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí tại Vienna (Áo), trong đó nội dung đàm phán là kiểm soát vũ khí hạt nhân, bao gồm việc thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới, phía Nga gọi là START-3) dự kiến hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
Trong khi đó, Trung Quốc ngỏ ý sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán giải trừ vũ khí với Mỹ và Nga nếu Washington chấp thuận cắt giảm qui mô kho hạt nhân của nước này xuống bằng với Trung Quốc.
Trung Quốc, một nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân. Nước này nhiều lần khước từ đề nghị tham gia đàm phán về thỏa thuận vũ khí của nhà lãnh đạo Mỹ, cho rằng sức mạnh hạt nhân khiêm tốn của Trung Quốc chỉ mang tính phòng thủ và không đặt ra mối đe dọa nào.