Tổng thống Pháp sang Nga với sứ mệnh rủi ro cao

Bình Giang |

Ngày 7/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bay sang Mátxcơva để nỗ lực thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin xuống thang căng thẳng ở Ukraine.

Trước chuyến đi, ông Macron đã có hàng loạt cuộc điện đàm với các lãnh đạo đồng minh, ông Putin và cả lãnh đạo Ukraine trong tuần qua. Sau khi thăm Mátxcơva, nhà lãnh đạo Pháp sẽ sang Kiev để thực hiện sứ mệnh chính trị lớn lao mà giới quan sát cho rằng ông sẽ mất mặt nếu trở về tay không.

"Chúng tôi đang tiến đến căn cứ của ông Putin. Theo nhiều cách, đó là một lần ném xúc xắc", một nguồn tin nói với Reuters.

Nga đang tập hợp khoảng 100.000 binh lính gần Ukraine và yêu cầu Mỹ cùng NATO phải bảo đảm an ninh, bao gồm lời hứa NATO không bao giờ kết nạp Ukraine.

Hai nguồn tin thân cận với ông Macron nói rằng mục đích của chuyến thăm là để câu giờ và đóng băng tình hình trong nhiều tháng, ít nhất trong đến khi đợt bầu cử "siêu tháng 4" diễn ra ở châu Âu, gồm các nước Hungary, Slovenia và Pháp.

Nhà lãnh đạo Pháp, người nổi danh với nhiều sự kiện ngoại giao kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, vừa ve vãn vừa đối đầu ông Putin trong 5 năm qua. Cách làm đó mang lại những cuộc trao đổi gần gũi với nhà lãnh đạo Nga và cả những thất bại đau đớn.

Không lâu sau khi lên nắm quyền, ông Macron trải thảm đỏ mời nhà lãnh đạo Nga thăm cung điện Versailles, nhưng cũng dùng chuyến thăm đó để công khai chỉ trích Nga can thiệp bầu cử. 2 năm sau, hai người gặp lại nhau tại khu nghỉ dưỡng mùa hè của nhà lãnh đạo Pháp.

Những cử chỉ đó không ngăn Nga tiến vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Pháp ở châu Phi. Các nước Đông Âu xích lại gần phương Tây chỉ trích ông Macron, cho rằng nhà lãnh đạo Pháp đang cố đàm phán với Nga về một "trật tự an ninh mới ở châu Âu".

Để dẹp những chỉ trích trước chuyến đi và thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Macron lần này đã tham vấn các lãnh đạo phương Tây trước, bao gồm Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Chuyến đi của ông Macron đến Mátxcơva và Kiev diễn ra gần 3 tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống Pháp bắt đầu. Các cố vấn chính trị của ông nhìn thấy đây có thể là cơ hội để ghi điểm, dù ông Macron chưa thông báo sẽ tái tranh cử.

"Đối với tổng thống, đây là cơ hội để thể hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu, rằng ông ấy vượt lên những xung đột", một nguồn tin từ chính phủ Pháp nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại