Sự cố tên lửa Na Uy ngày 25/1/1995 đã suýt buộc nhân loại đón nhận Thế chiến III; Nguồn: russian7.ru
Sau khi Liên Xô sụp đổ, đối với Nga, đó là thời kỳ gặp nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng, chiến sự bất thành ở Chechnya và mối quan hệ với NATO trở nên xấu hơn.
Các kế hoạch mở rộng NATO về phía đông được Moscow coi là mối đe dọa đối với an ninh của Nga - nước cáo buộc phương Tây muốn cản trở quá trình tái hòa nhập kinh tế và chính trị của các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Để đối phó, tháng 12/1994, mức độ sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga đã được nâng lên.
Bộ Ngoại giao Na Uy hai lần (21/12/1994 và 16/1/1995) thông báo với Đại sứ quán Nga về ý định tiến hành một cuộc thử nghiệm khoa học bằng tên lửa tầm cao, thông báo địa điểm phóng và các khu vực mà các tầng đẩy tên lửa rơi, nhưng không cung cấp ngày giờ chính xác, vì phụ thuộc vào điều kiện thời tiết - một thực tế phổ biến vào thời điểm đó.
Về phía Nga, không rõ vì lý do gì, thông tin về vụ phóng tên lửa sắp xảy ra đã không được các nhân viên của hệ thống cảnh báo sớm lưu tâm đến.
Vụ phóng tên lửa
Tên lửa Black Brant XII được phóng lúc 6h24 UTC (09h24 Moscow) ngày 25/1/1995. Ngay sau khi phóng, tên lửa đã bị phát hiện bởi một số radar cảnh báo sớm.
Ở giai đoạn đầu của quỹ đạo, tên lửa bay lên gần như thẳng đứng, điều này không cho phép xác lập mục tiêu giả định của nó.
Việc phóng tên lửa và tách các tầng đẩy khiến tên lửa Black Brant XII không giống như một tên lửa nghiên cứu thông thường.
Vị trí phóng được xác định với sai số vài chục km và tương ứng với giả định phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hạt nhân ở Biển Na Uy.
Việc phóng một tên lửa duy nhất ở quỹ đạo đạn đạo cao từ Biển Na Uy phù hợp với một trong những kịch bản được cho là về một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ chống lại Nga.
Người Nga đã có thông tin về nghiên cứu của quân đội Mỹ nhằm phát triển một loại đầu đạn hạt nhân đặc biệt tạo ra xung điện từ siêu mạnh.
Việc phát nổ một đầu đạn như vậy ở độ cao lớn sẽ đảm bảo loại khỏi vòng chiến đấu các radar, hệ thống liên lạc và các thiết bị điện tử khác trên một vùng lãnh thổ rộng lớn, cho phép một cuộc tấn công hạt nhân ồ ạt vào Nga mà không sợ bị trả đũa.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Boris Yeltsin, Tổng thống Pháp Jacques Chirac sau khi ký Đạo luật Sáng lập "Nga-NATO" năm 1997. Ảnh: RIA
Nga đã nghĩ gì...
Tuần báo “AiF” tái hiện giả thuyết chính thức của tình huống này, theo đó, một tên lửa đã được phóng từ lãnh thổ Na Uy, trông giống như tên lửa đạn đạo Trident đang trực chiến trên tàu ngầm Mỹ, theo quỹ đạo trùng với khả năng của tên lửa đạn đạo Mỹ UGM-133A.
Theo dữ liệu mà phía Nga có được, một cuộc tấn công bằng tên lửa như vậy có khả năng làm mù hệ thống cảnh báo bị tấn công tên lửa (системa предупреждения о ракетном нападении – SPRN) của nước này.
Hành động theo điều quy chuẩn, các quân nhân trực chiến của hệ thống cảnh báo sớm đã sử dụng hệ thống cảnh báo Crocus thông báo cho Bộ Tổng Tham mưu về sự hiện diện của mối đe dọa tên lửa.
Đến lượt mình, cơ quan tác chiến Quân đội Nga coi mối đe dọa đủ nghiêm trọng để kích hoạt hệ thống chỉ huy và điều khiển tự động cho lực lượng tên lửa chiến lược “Kazbek”. Nga nghiêm túc đánh giá vụ phóng này là một nỗ lực thăm dò cho một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ nhằm vào nước Nga.
Sau khi nhận được tất cả thông tin, Tổng thống Nga Yeltsin ngay lập tức liên hệ với giới chức quân sự và thảo luận về tình huống của một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ, Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (Strategic Missile Forces) ngay lập tức được đặt trong tình trạng báo động cao.
Một chiếc cặp hạt nhân đã được chuyển đến cho Yeltsin để có thể thực hiện một cuộc tấn công trả đũa hạt nhân chống lại Mỹ. Hai thiết bị tương tự sẽ được Bộ trưởng Quốc phòng Pavel Grachev và Tổng tham mưu trưởng Mikhail Kolesnikov sử dụng.
Trong vòng vài phút, khi tên lửa đi vào quỹ đạo đạn đạo, hệ thống cảnh báo sớm có thể xác định tên lửa đang di chuyển khỏi lãnh thổ Nga và không gây ra mối đe dọa nào.
Việc quan sát tiếp tục cho đến khi tên lửa hạ cánh gần Svalbard, 24 phút sau khi phóng. Các quan chức Nga đánh giá vụ việc là rất nghiêm trọng và kết quả của nó được coi là một minh chứng cho hoạt động xuất sắc của hệ thống cảnh báo sớm, hệ thống này đã kịp thời cảnh báo cả thực tế về một vụ phóng tên lửa và không có mối đe dọa thực sự.
... ở Na Uy
Tổ chức phát thanh truyền hình quốc gia Na Uy NRK đã phỏng vấn người phụ trách dự án là người Mỹ gốc Na Uy Colbjorn Adolfsen về vụ phóng tên lửa bốn giai đoạn Black Brant XII, hỏi về những gì đã thực sự xảy ra vào tháng 1/1995 tại tầm bắn tên lửa của đảo Anney, Na Uy.
Colburn cho biết đã không nghĩ đến chính trị vào ngày phóng - tất cả các nhà khoa học theo dõi chuyến bay của tên lửa đều mong đợi dữ liệu về ánh sáng phía bắc mà nó có thể cung cấp tại ba nơi khác nhau - Alaska, Svalbard và Andyya.
Tên lửa này không phải là tên lửa đầu tiên, nhưng là một trong những tên lửa lớn nhất từng được phóng từ bãi thử Anteya - một tên lửa ba tầng có thể đạt độ cao 1.500 km. Nó được cho là sẽ hạ cánh cách Svalbard 330 km về phía đông bắc.
Tuy nhiên, niềm vui của ông sớm bị lu mờ trước tin Nga tiếp nhận và giải mã thông tin về vụ phóng tên lửa nghiên cứu. Adolfsen được cấp trên cho biết chuyến bay của Black Brant XII được cho là một động thái kích động Thế chiến III - điều hoàn toàn bất ngờ đối với Adolfsen.
...và ở Phương Tây
Các chính trị gia phương Tây và nhiều hãng truyền thông xem phản ứng của Nga trước một vụ phóng tên lửa ôn hòa, vốn đã được cảnh báo trước là quá đáng và “hoang tưởng”.
Người ta bày tỏ những nghi ngờ về chất lượng thông tin liên lạc giữa các bộ phận của Nga và về độ tin cậy của thông tin do Quân đội Nga cung cấp cho Chính phủ và Tổng thống.
Peter Vincent Pry - cựu phân tích viên của CIA coi sự cố tên lửa Na Uy là nguy hiểm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba.
Trong cuốn “Nỗi sợ chiến tranh: Nga và Mỹ trên bờ vực hạt nhân” (“War Scare: Russia and America on the Nuclear Brink”), ông viết, lần đầu tiên trong lịch sử, thế giới chỉ cách cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu chỉ bằng một lần nhấn nút.
Theo Peter Pry, mặc dù “cuộc khủng hoảng tên lửa Na Uy” kéo dài khoảng 20 phút, đây là sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử đối đầu hạt nhân giữa hai siêu cường - Liên Xô và Mỹ.
Ông coi lý do rất có thể cho sự phát triển của cuộc khủng hoảng là lỗi quan liêu trong sự tương tác của các bộ ngành của Nga, do đó cảnh báo phóng tên lửa nghiên cứu đã không đến được đối tượng đã định.
Prai đánh giá cao vai trò chính trong việc ngăn chặn chiến tranh hạt nhân của Yeltsin - người đã không ra lệnh tiến hành một cuộc tấn công tên lửa trả đũa, mặc giới chỉ huy quân sự nhấn mạnh về sự cần thiết của nó.
Bốn năm sau, vào tháng 1/1999, NASA và các nhà khoa học Na Uy chuẩn bị tiến hành một thí nghiệm tương tự với cùng loại tên lửa. Cảnh báo về vụ phóng sắp diễn ra một lần nữa được gửi tới Nga thông qua các kênh của Bộ Ngoại giao, theo đúng nghi thức ngoại giao.
Tuy nhiên, lo lắng về khả năng lặp lại tình hình năm 1995, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đã có cảnh báo bổ sung gửi tới Bộ Tổng tham mưu và các cơ quan quân sự khác của Nga. Lần này thử nghiệm được thực hiện mà không có sự cố nào xảy ra.