Tổng thống Putin lúc này đã nhận được sự cho phép của Quốc hội Nga để có thể sử dụng vũ lực quân sự trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, ông cho biết việc gửi quân Nga tới miền đông Ukraine (khu vực do lực lượng ly khai kiểm soát) sẽ tùy thuộc vào các diễn biến mới trên thực địa.
Nhà phân tích Dmitry Oreshkin (hiện đang sống ở Moscow) nhận định: Tổng thống Putin đang ngày càng cứng rắn hơn, quyết đoán hơn, và ông có thể cân nhắc một cuộc tấn công nhằm chiếm các lãnh thổ ở miền nam Ukraine, đến tận cảng Odessa ở Biển Đen nhưng ông có lẽ sẽ chưa vội vàng làm vậy.
Oreshkin cho rằng Tổng thống Putin xem mình là nhân vật sẽ thu hồi lại các lãnh thổ Nga năm xưa.
Về lâu dài, Tổng thống Putin đã coi Ukraine chính là một sản phẩm của thời Xô viết, từ đó ông chế giễu các nỗ lực "phi cộng sản hóa" của Ukraine nhằm xóa bỏ di sản Xô viết. Ông Putin thậm chí còn tuyên bố rằng Ukraine nên được đặt tên là Lenin.
Nhà lãnh đạo Nga từng cảnh báo như thế này: "Chúng tôi sẵn sàng chỉ cho quý vị thấy quá trình phi cộng sản hóa thực sự có ý nghĩa như thế nào đối với Ukraine".
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng công khai đặt câu hỏi nghi ngờ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Hôm 22/2, ông Lavrov cho rằng "chế độ hiện nay ở Ukraine" không đại diện cho toàn bộ đất nước này.
Lực lượng Nga bố trí quanh Ukraine hiện nay bao gồm quân Nga tham gia tập trận chung trên lãnh thổ Belarus. Thủ đô Kiev của Ukraine chỉ cách biên giới phía nam của Belarus có 75km.